Thời gian gần đây đã xuất hiện một số mô hình, tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội to lớn. Tuy nhiên, việc phát triển và nhân rộng các mô hình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Nhiều thay đổi tích cực
Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26-NQ/TW) ra đời và đi vào cuộc sống đã được 5 năm. Tính đúng đắn của một Nghị quyết mang tầm chiến lược của Đảng đối với một khu vực chiếm trên 70% dân số và gần 50% lực lượng lao động của cả nước đang dần được minh chứng. Nền nông nghiệp tiếp tục thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm tương đối cao, bình quân toàn ngành là 5,4% về giá trị sản xuất và 3,7% về giá trị gia tăng (GDP). Sản lượng lúa tăng từ 39,0 triệu tấn năm 2006 lên 43,7 triệu tấn năm 2012. Việt Nam duy trì vị trí là cường quốc về xuất khẩu nông sản, như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều và thuỷ sản với giá trị xuất khẩu đạt mức cao nhất 27,5 tỷ USD vào năm 2012. Sản xuất ngày càng đa dạng cả về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Tuy sản xuất nông hộ nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng hệ thống sản xuất quy mô vừa và lớn đang hình thành, đặc biệt trong chăn nuôi, trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm. Tổng số trang trại đăng ký năm 2010 đã tăng 2,5 lần so với năm 2000.
Đáng chú ý, xu thế đa dạng hóa tổ chức sản xuất cũng phát triển, song song với hình thức truyền thống như hợp tác xã, tổ hợp tác, các nhóm kinh tế phi chính thức, dựa trên nguyên tắc liên kết kinh tế tự nguyện giữa các nông hộ đã trở nên phổ biến hơn. Những năm gần đây, hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản đang phát triển, gắn kết nông dân sản xuất nguyên liệu với nhà máy chế biến và thương mại.
Nhiều mô hình tổ chức sản xuất mới
Thực tiễn gần đây, xuất hiện một số mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp. Đáng chú ý, mô hình Cánh đồng mẫu lớn hay “Cánh đồng liên kết” thời gian qua đã dần phát huy hiệu quả và đang được nhân rộng. Với thực tế sản xuất nông nghiệp lâu nay còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, không có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân thì mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là một trong những mô hình liên kết đạt hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2012, mỗi hecta lúa tham gia trong CĐML, người sản xuất có thể thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng. Chi phí sản xuất giảm được từ 10% đến 15%, trong khi giá trị sản lượng tăng 20%-25%. Có thể nói, cánh đồng mẫu lớn là một trong những lời giải cho câu hỏi làm thế nào để giúp nông dân có thể tiếp cận các loại phân bón, vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất với giá cả ổn định và chất lượng đảm bảo, đồng thời tăng giá bán nông sản ở đầu ra, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là hướng đi tất yếu, cũng là giải pháp thiết thực nhất để tiến tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn trong tương lai.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nếu diện tích lúa đăng ký sản xuất theo mô hình CĐML đầu năm năm 2011 chỉ có khoảng 7.200 ha, thì đến vụ đông xuân năm 2012 diện tích này nâng lên 20.000 ha và đến năm 2013 dự kiến đạt 100.000 - 200.000 ha, trung bình mỗi tỉnh đạt 10.000 - 20.000 ha (số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT).
Hiện nay, mô hình CĐML không chỉ giới hạn ở các tỉnh Nam Bộ mà đã lan ra các vùng, miền trong cả nước. Mô hình CĐML cũng không chỉ giới hạn ở sản xuất lúa mà đang được áp dụng sáng tạo sang các lĩnh vực sản xuất khác như mía đường, cà phê, điều, chè, chăn nuôi thuỷ sản và rau quả an toàn… Xu hướng sắp tới, từ CĐML, các địa phương sẽ xây dựng các vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hoá và xây dựng thương hiệu lúa gạo từ các vùng nguyên liệu sản xuất theo VietGAP.
Bên cạnh đó, mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín cũng đang dần phổ biến. Điển hình như các mô hình tổ chức chăn nuôi lợn và gia cầm ở Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam; Mô hình tổ chức vùng nguyên liệu sản xuất chế biến cá tra thuộc Công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang... Trong mô hình này, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cả vai trò đảm bảo thị trường tiêu thụ. Nông dân nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ. Mô hình sẽ thành công hơn khi doanh nghiệp có vốn lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Ngoài ra còn, mô hình nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất. Theo đó, người nông dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp và trở thành những cổ đông, được chia cổ tức hoặc được tuyển dụng thành người lao động làm công ăn lương, nông dân tham gia vào các công đoạn sản xuất và nhận tiền lương khi lao động.
Hình thức này xuất hiện nhiều trong ngành sản xuất cao su ở Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Bà Rịa – Vũng Tàu và ngành mía đường ở Thanh Hoá. Tính đến năm 2012, diện tích đất góp tại các tỉnh trồng cao su ở Tây Bắc đã đạt xấp xỉ 20.000 ha. Dự kiến đến năm 2020 là khoảng 50.000 ha. Điểm mạnh của hình thức liên kết này là có tính hợp tác và chia sẻ rủi ro cao giữa nông dân và doanh nghiệp. Góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất nhưng về mặt pháp lý, nông dân vẫn là chủ sở hữu tư liệu sản xuất. Đất đai của họ không bị thu hồi hay bị buộc phải bán đất cho doanh nghiệp như các dự án khác.
Cùng với đó, thời gian gần đây còn có hàng trăm mô hình các hợp tác xã (HTX) kiểu mới được hình thành và phát triển, đang sản xuất và kinh doanh khá hiệu quả, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình xã viên.
Đặc biệt, hiện nay, đã xuất hiện mô hình doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp. Đại diện cho hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh này phải kể đến những mô hình như mô hình sản xuất và kinh doanh sữa của Công ty TH TrueMilk, Công ty TNHH một thành viên sữa Mộc Châu; Công ty cổ phần công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt… Đây là những doanh nghiệp đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Trong khi điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, các doanh nghiệp này đã đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la (ví dụ tổng giá trị đầu tư của dự án mà TH TrueMilk dự kiến thực hiện là 1,2 tỷ đô la, giai đoạn 1 có giá trị đầu tư là 350 triệu) sản xuất, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất nông nghiệp, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao và cho ra các sản phẩm nông sản chất lượng tốt phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sự ra đời và phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp là rất phong phú, đa dạng, hợp với điều kiện cụ thể ở các vùng, miền, điều kiện sản xuất đặc thù của mỗi loại sản phẩm. Sự phát triển của các mô hình cũng còn tuỳ thuộc vào nỗ lực và khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình, cá nhân. Sự thành công bước đầu của các mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp đang mở ra tương lai cho sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Tuy nhiên, sự phát triển và nhân rộng đối với các mô hình mới này vẫn còn có nhiều hạn chế.
Mặc dù các mô hình này bước đầu đã khẳng định được những ưu điểm nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp nói chung hiện nay nhưng ngay trong các mô hình mới này vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Những quan niệm về cánh đồng mẫu lớn chưa thống nhất giữa các địa phương và các bộ, ngành. Nhiều mô hình CĐML mới chủ yếu tập trung hỗ trợ được đầu vào sản mà chưa hỗ trợ, giải quyết được những khó khăn của đầu ra, thị trường nông sản hiện nay. Sự liên kết và chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa hài hoà. Mức độ tiêu thụ nông sản hàng hoá cho người nông dân còn thấp, giá cả lên xuống bấp bênh, không ổn định. Hiện tượng được mùa mất giá vẫn tiếp tục xảy ra khiến người sản xuất lo lắng, không yên tâm đầu tư. Một số mô hình liên doanh, liên kết nhưng lợi ích của người nông dân tham gia còn thấp, thậm chí họ mới chỉ được hưởng giá trị ngày công lao động. Trong các chuỗi giá trị nông sản, việc đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản vẫn còn những bất cập, vì thế giá trị gia tăng của các sản phẩm nông sản chưa cao.
Bên cạnh đó, phát triển và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới còn rất hạn chế. Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã khẳng định được chỗ đứng trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay, nhưng diện tích áp dụng mô hình này vẫn chưa đến 10% tổng diện tích canh tác lúa trong vùng. Việc áp dụng mô hình CĐML sang các loại hình, khu vực sản xuất khác diễn ra khá chậm. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích áp dụng, đầu tư công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhưng số lượng các doanh nghiệp được chứng nhận là “Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao” hiện nay mới chỉ dừng lại ở còn số 5 doanh nghiệp trong cả nước.
Ngoài ra, ở một số mô hình liên kết, tuy doanh nghiệp đã hỗ trợ giống, vốn đầu vào, đã chia sẻ được rủi ro với nông dân nhưng số lượng hộ nông dân có đủ điều kiện để liên doanh, liên kết sản xuất với doanh nghiệp còn ít. Không ít các mô hình đã và đang hoạt động với quy mô khá lớn nhưng những lo ngại về sự độc quyền của doanh nghiệp hay sự phân phối lợi ích chưa thật hài hoà, hợp lí giữa doanh nghiệp và hộ nông dân đang đe doạ sự phát triển bền vững của mối liên kết. Ở một số mô hình khi doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc tình trạng tài chính không minh bạch, nông dân dễ rơi vào tình trạng khó khăn.
Khu vực kinh tế hợp tác phát triển chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế hiện nay có thể khẳng định rằng, trong các mô hình liên doanh, liên kết, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư và phát triển thị trường. Tuy nhiên, sự phát triển chậm và yếu của khu vực kinh tế tập thể đang hạn chế khả năng đầu tư và liên kết của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Việc thiếu các tổ chức đại diện của nông dân làm cho chi phí giao dịch và chi phí triển khai thực hiện các hợp đồng nông sản của doanh nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững
Mục tiêu trong tương lai là phải xây dựng một nền nông nghiệp định hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thay vì chỉ chú trọng đến những tăng trưởng về lượng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tích cực quan tâm và khuyến khích sự hình thành, phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới nhằm xây dựng những quan hệ sản xuất mới, mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.
Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp”. Về lâu dài, đây là tiền đề cho sự đổi mới các phương thức sản xuất, thúc đẩy sự ra đời của các mô hình sản xuất mới, hiệu quả và bền vững trong nông nghiệp.
Bộ này hiện cũng đang cố gắng nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, các chính sách phát triển bền vững các ngành hàng nông sản chiến lược như lúa gạo, chè, cà phê, cao su, thuỷ sản, chăn nuôi bò sữa, gia súc gia cầm…
Đặc biệt, trong thời gian tới, công tác đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và phát triển kinh tế tập thể, HTX trong nghiệp sẽ được tiếp tục đẩy mạnh với những chương trình và kế hoạch cụ thể./.