Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung triển khai đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư tại 4 khu công nghiệp (KCN) tập trung gồm: KCN Sông Công I, KCN Yên Bình giai đoạn I, KCN Điềm Thụy và KCN Nam Phổ Yên. Sau nhiều nỗ lực vận động, thu hút đầu tư của tỉnh, hiện tại hoạt động ở các KCN này đã có bước chuyển rõ rệt, tạo đà cho ngành công nghiệp địa phương phát triển.
Cải thiện hạ tầng KCN
Trước đây, việc mời gọi đầu tư hạ tầng các KCN là vấn đề khó đối với tỉnh ta. Đã có thời điểm hàng loạt doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhưng lại bỏ dở dự án ngay sau đó. Thời gian gần đây, với các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư mạnh mẽ của tỉnh, nhiều KCN đã mời gọi được nhiều nhà đầu tư hạ tầng, thực hiện các bước xây dựng nhanh chóng, hiệu quả. Ngay như KCN Sông Công I, diện tích 220ha, thời gian trước ì ạch mãi mới hoàn thiện được một phần hạ tầng, nhưng đến nay nhiều hạng mục quan trọng đã được thi công xong, tạo sức hút kêu gọi đầu tư. Hiện tại, KCN này đã bồi thường giải phóng mặt bằng được 87ha, tiến hành xây dựng các công trình hạ tầng chính như đường đôi, đường nhánh, hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước mưa, nước thải, cây xanh… KCN Yên Bình giai đoạn I, diện tích 200ha đã bồi thường giải phóng mặt bằng được trên 150ha, hiện đã đầu tư kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng là 350 tỷ đồng thực hiện các hạng mục như: thiết kế xây dựng hệ thống đường gom, đường trục chính, hệ thống thoát nước mưa, nước thải. KCN Nam Phổ Yên, diện tích 200ha, hiện đã giải phóng được 80ha mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đạt trên 70 tỷ đồng.
Riêng KCN Điềm Thụy, diện tích 350ha thời gian trước được nhắc tới nhiều vì nhà đầu tư để chậm trễ thi công, nhưng hiện KCN này cũng đã có những khởi sắc nhất định. Mặt bằng của KCN được giải phóng gần 40ha, kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ước thực hiện 60 tỷ đồng với các hạng mục san nền, xây dựng đường trục chính, hệ thống thoát nước mưa, nước thải… Công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên làm chủ đầu tư một phần hạ tầng KCN với diện tích 170ha, sau quãng thời gian để chậm tiến độ, giờ đây đã tích cực triển khai và cam kết đảm bảo tiến độ đề ra của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Toản, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư APEC Thái Nguyên cho biết: Thời gian vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế, khả năng huy động vốn của đơn vị gặp khó khăn, nhưng không vì thế mà chúng tôi không tiếp tục nỗ lực đầu tư. Hiện đơn vị đang khẩn trương huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành dự án.
Sức hút đối với các dự án
Hiện nay, đứng đầu bảng về thu hút đầu tư các dự án vào KCN chính là KCN Yên Bình giai đoạn I. Trong 9 tháng năm 2013, KCN này đã thu hút được 5 dự án đầu tư (trong đó có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với số vốn đăng ký lên tới trên 3 tỷ USD. Dự kiến trong thời gian tới, số lượng vốn đầu tư tại KCN này sẽ lên tới gần 5 tỷ USD.
Với các KCN còn lại, sức hút đầu tư cũng rất đáng kể. KCN Sông Công I (KCN ra đời khá sớm của tỉnh), đã có 70 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 6.000 tỷ đồng, trong đó vốn đã thực hiện đạt 2.500 tỷ đồng. KCN Điềm Thụy, mặc dù còn chậm so với tiến độ, song hiện cũng đã có 2 dự án đầu tư hạ tầng với số vốn gần 2.000 tỷ đồng và 4 dự án FDI thứ cấp với vốn đăng ký 53 triệu USD. Với KCN Nam Phổ Yên cũng đã có 8 nhà đầu tư triển khai dự án tại đây với số vốn lên tới 1.174 tỷ đồng. Có thể nói, việc nhà đầu tư lựa chọn các KCN tập trung của tỉnh thời gian qua đã thể hiện sức hấp dẫn mà chính các KCN đó mang lại. Theo ông Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh thì hiện tại toàn bộ KCN trên địa bàn đều được quy hoạch với lợi thế so sánh rõ rệt, vị trí giao thông thuận tiện, có hệ thống kết cấu hạ tầng đảm bảo. Ngoài ra, tỉnh cũng có những chính sách khuyến khích ưu đãi đặc biệt khi thu hút đầu tư vào các KCN. Các nhà đầu tư khi gặp khó khăn đều được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện tháo gỡ và chia sẻ kịp thời…
Và hiệu quả mang lại
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh thì trong 89 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào 4 KCN tập trung nói trên thì hiện đã có 35 dự án đi vào hoạt đông sản xuất, kinh doanh với doanh thu tiêu thụ ước đạt 5.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho trên 5.500 lao động với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Và 35 dự án này đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng. Đây là con số dự tính trong năm 2013, còn tại thời điểm này của năm 2014, khi một số dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung vào hoạt động thì cả doanh thu tiêu thụ, giải quyết việc làm đến nộp ngân sách, kim ngạch xuất khẩu… đều tăng gấp nhiều lần. Doanh thu tiêu thụ có thể tăng tới hàng chục nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm khoảng 30 nghìn lao động; kim ngạch xuất khẩu đạt hàng tỷ USD; nộp ngân sách vài nghìn tỷ đồng.
Ngoài những đóng góp đó, điều đáng quan tâm là các dự án đầu tư tại các KCN đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo đà phát triển thương mại, dịch vụ và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Hơn nữa, còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư lớn trong, ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.