Thứ 3, 28/01/2025, 12:22

Chủ động tái định cư - một số hộ dân đã có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ

10:34, 30/10/2013

Khi đã an cư mà phải thay đổi chỗ ở là điều không ai mong muốn, nhưng thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, vì sự phát triển chung của cộng đồng… người dân đồng tình bàn giao mặt bằng cho các dự án, di dời đến nơi ở mới. Có hộ phải phụ thuộc vào sự  “lo liệu” của dự án, nhưng cũng có hộ đã chủ động tìm nơi ở mới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, sớm ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Dự án Núi Pháo là một trong những dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, ảnh hưởng tới gần 3.300 hộ dân thuộc 4 xã (Hùng Sơn, Hà Thượng, Tân Linh, Cát Nê - Đại Từ), trong đó có hơn 1.400 hộ phải di dời nhà ở. Đến nay, Dự án đã lo tái định cư cho gần 700 hộ. Khi các khu tái định cư của Dự án vẫn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thì việc chủ động lo tái định cư được Dự án khuyến khích, động viên các hộ bị ảnh hưởng nên làm để sớm ổn định cuộc sống; hộ nào tự lo tái định cư sẽ được hỗ trợ từ 40-80 triệu đồng (tùy từng thời điểm). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tự lo tái định cư có thể đơn giản với người này nhưng lại khó khăn với người khác bởi nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và khả năng linh hoạt của mỗi người. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số hộ gia đình nhờ chủ động tìm cho mình nơi ở mới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và chuyển đổi nghề nghiệp đúng hướng, đã sớm ổn định được cuộc sống; các mô hình kinh tế mà họ gây dựng bước đầu cho hiệu quả cao.

 

Địa chỉ đầu tiên chúng tôi tới thăm là trang trại của gia đình anh Trần Văn Định, ở xóm Phúc Lẩm, xã Tiên Hội. Con đường đến trang trại của gia đình anh Định phải vòng vèo qua một số xóm của xã Hùng Sơn tuy còn gập ghềnh, khó đi, nhưng những gì hiển hiện trước mắt khiến chúng tôi hiểu rằng vợ chồng anh Định quyết định mua hơn 3ha đồi bãi ở Phúc Lẩm để khai phá, xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, gà… là hoàn toàn có lý.

 

Trang trại được quy hoạch gọn gàng, khoa học, xung quanh được bao bọc bởi màu xanh mát mắt của đồi chè, cây rừng, không khí thoáng đãng, trong lành tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái. Gương mặt anh Định bừng lên niềm vui khi giới thiệu với chúng tôi về thành qủa lao động của cả gia đình: Vợ chồng tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để gây dựng trang trại này. Hiện nay, tôi đang nuôi hơn 200 lợn thịt; 35 lợn nái; 1 lợn đực để phối giống; hơn 1.000 con gà đẻ trứng, gia đình không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Tôi quyết định mua mảnh đất đồi bãi này vì nghĩ đến tương lai lâu dài của các con.

 

Trước kia, gia đình tôi ở xóm 2, xã Hà Thượng, 6 nhân khẩu chỉ trông vào 7 sào ruộng, thóc lúa làm ra không đủ ăn, vợ chồng tôi phải chạy chợ thêm mới đủ trang trải cuộc sống. Năm 2010, gia đình tôi bàn giao toàn bộ đất ở, đất sản xuất cho Dự án và được nhận gần 600 triệu đồng tiền bồi thường. Miệng ăn núi lở, nếu tôi không tính chuyện mua đất vào đây thì giờ biết lấy gì mà ăn, chứ đừng nói đến chuyện làm giàu, còn tương tai của 4 cậu con trai nữa. Tôi rất tự tin với quyết định của mình. Ông Nguyễn Văn Đào, Trưởng xóm Phúc Lẩm nhận xét: Gia đình anh Định ở nơi khác chuyển đến chưa lâu nhưng đã biết phát huy các điều kiện về đất đai, nguồn nước… để xây dựng trạng trại chăn nuôi và trở thành một trong những hộ làm kinh tế giỏi điển hình của xóm, đáng để các hộ dân trong xóm học tập, làm theo.

 

Cũng có những điểm tương đồng trong cách nghĩ giống như vợ chồng anh Định, vợ chồng bác  Trần Đỗ Bình - Nguyễn Thị Luyến ở xóm 18, xã Hùng Sơn cũng chủ động chuyển đổi nghề nghiệp cho phù hợp với nơi ở mới. Trước kia, gia đình bác Bình ở xóm 1, xã Hà Thượng, sống bằng nghề làm ruộng, sản xuất chè. Cuộc sống cũng phải đối diện với không ít khó khăn nên hai bác phải “kiêm” thêm nghề lái trâu, bò. Nay nhìn ngôi nhà cao tầng kiên cố với những vật dụng hiện đại, đắt tiền và một đại lý bán hàng tạp hóa lớn nhất nhì trong huyện đã cho chúng tôi cảm nhận về một cuộc sống dư giả, sung túc của gia đình bác. Bác Luyến cho biết: Gia đình tôi phải bàn giao hơn 16.000m2 đất ở và sản xuất cho Dự án, cũng tiếc lắm chứ nhưng vì chủ trương chung của Đảng và Nhà nước gia đình tôi vẫn chấp hành. Giờ đến nơi ở mới, không có nơi tăng gia, sản xuất, gia đình tôi chuyển sang kinh doanh buôn bán cho phù hợp. Cuộc sống giờ đã khá giả hơn trước.

 

 

Trong “hành trình” thực tế, chúng tôi còn đến thăm gia đình anh PhạmVăn Đức ở xóm Tiên Trường, xã Tiên Hội. Trước mắt chúng tôi là những “thảm chè” giống mới Kim Tuyên, Bát Tiên, TRI 777...  đang thời kỳ thu hái xanh mơn mởn; giữa những đồi chè  là ao thả cá; cây trong vườn xum xuê hoa trái… tạo nên bức tranh quê đầm ấm, thanh bình. Với số tiền đền bù có hơn 300 triệu đồng ở thời điểm năm 2010, nếu như vợ chồng anh Đức không có sự chủ động tính toán hợp lý để mua hơn 5.000 m2 đất ở xóm Tiên Trường mà lại lo mua sắm, ăn tiêu… thì có lẽ giờ nghĩ đến chuyện thoát nghèo còn là điều khó khăn. Giờ đây, cuộc sống mới đã tốt hơn nhiều nơi ở cũ, anh Đức rất vui vì mình đã đi “đúng hướng”…

 

Trên đây chỉ là một số trong nhiều hộ dân đã chủ động tái định cư và có hướng chuyển đổi nghề nghiệp hiệu qủa. Được tận mắt chứng kiến cơ ngơi và những thành qủa kinh tế mà họ có được, chúng tôi không khỏi khâm phục những con người dám nghĩ, dám làm, chủ động vươn lên bằng ý chí và nghị lực của bản thân. Qua bài viết này, chúng tôi cũng như những người có trách nhiệm của NuiPhao Mining mong muốn, ngày càng có nhiều hơn nữa những hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án biết sử dụng những đồng tiền đền bù, hỗ trợ… một cách hiệu qủa, sớm ổn định được cuộc sống để xây dựng nơi ở mới ít nhất là bằng hoặc hơn nơi ở cũ.