“Hầu hết chúng tôi đều đang ủ bệnh nguy hiểm, nếu không được dùng thuốc đặc trị, chúng tôi khó vượt qua cơn hiểm nghèo này…”. Đó là bày tỏ thống thiết của ông Nguyễn Văn Ân, Giám đốc Công ty Cổ phần Gạch Tân Long tại buổi làm việc do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tổ chức gần đây.
Đảng ủy Khối có 63 đơn vị, trong đó 54,3% hoàn thành dưới 50% kế hoạch năm; toàn Khối còn khoảng 3% lao động không có việc làm và không đủ việc làm thường xuyên; 9,42% lao động chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. |
Theo báo cáo của 6/8 ngân hàng trên địa bàn tình, tình hình nợ xấu của các đơn vị trong Khối có chiều hướng gia tăng, trong đó đơn vị có chỉ tiêu nợ xấu thấp nhất là 0,83% và cao nhất là 3,2%. |
Những chủ nợ khát vốn
Vốn, chúng tôi cần vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh. Đó là “kêu cứu” chung của các doanh nghiệp (DN). Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Than Khánh Hòa chứng minh: Năm nay, đơn vị đền bù giải phóng mặt bằng diện tích đổ thải đã mất khoảng 300 tỷ đồng, nhưng chúng tôi vay vốn khó quá do ngân hàng không chấp nhận Quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp.
Tương tự, đại diện Công ty cổ phần (CTCP) Quản lý Xây dựng giao thông, CTCP Cơ điện luyện kim, CTCP Xây dựng số 1 cũng bày tỏ: DN có nhu cầu vay nhưng không tiếp cận được nguồn vốn Nhà nước do không có tài sản thế chấp, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, đơn vị chưa có khả năng thanh toán nợ cũ, vốn vay ngân hàng biến thành nợ xấu, nợ quá hạn nên ngân hàng không cho vay tiếp…
Thế nhưng, điều trớ trêu là trong khi các DN đang rất thiếu tiền để đầu tư sản xuất thì họ lại đang là chủ nhiều món nợ tiền tỷ. Đa số khoản nợ là các công trình đã đưa vào sử dụng thuộc ngân sách Nhà nước. Có thể liệt kê: CTCP Xây dựng số 1 bị nợ trên 24 tỷ đồng; CTCP Quản lý xây dựng giao thông: gần 3,2 tỷ đồng; CTCP xây dựng Giao thông II: 19,7 tỷ đồng. Nhiều công trình đã bị nợ thanh toán đến 3 năm như công trình Nâng cấp tuyến đường Trường Sơn - Lam Sơn - Bình Sơn xã Cúc Đường (Võ Nhai) do CTCP Quản lý xây dựng giao thông thi công đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ ngày 21-5-2011, đến nay chủ đầu tư là UBND huyện Võ Nhai vẫn nợ tiền.
Bảo hiểm Xã hội chưa vì quyền lợi người lao động
Ông Nguyễn Văn Đại, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Xây dựng giao thông II bức xúc: BHXH chưa thực sự vì quyền lợi của người lao động (NLĐ). Ông Đại chứng minh: Việc thanh toán cho NLĐ ốm đau, thai sản của cơ quan Bảo hiểm (BH) rất chậm. Theo quy định, DN được trích một khoản tiền để trả trước cho NLĐ, nhưng chỉ cần có 2 hoặc 3 người nghỉ thai sản/năm thì đơn vị không đủ tiền để trả. Bởi thế, có người sinh con hàng năm trời vẫn chưa được quyết toán tiền BHXH. Một vấn đề “nóng” nữa là việc “chốt” sổ BH. Trong tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn như hiện nay, một số DN “cực chẳng đã” phải giải thể, phá sản, ngừng sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động không hoàn thành nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ, khiến hàng loạt NLĐ không “chốt” được sổ. Họ bị “chết cứng” cùng DN: không nghỉ được cũng không đi làm để tiếp tục đóng BH ở nơi khác được. Nếu BHXH bàn bạc với NLĐ, cho họ được lựa chọn, có thể trừ đi thời gian làm việc không được đóng BH (có khi rất ngắn), “chốt” sổ thì sẽ giải thoát cho NLĐ được nghỉ hoặc xin đi làm và đóng tiếp ở đơn vị khác.
Để tiếp tục chứng minh cách làm cứng nhắc, gây khó khăn của BHXH, ông Đại đưa thêm dẫn chứng: bản thân ông và ba cán bộ, công nhân khác của đơn vị là Nguyễn Văn Mạnh, Trần Đình Phúc và Nguyễn Văn Hợi được Công ty quyết định cho nghỉ hưởng chế độ từ ngày 1-7-2012. Ngày 23-6-2012, Công ty mang thủ tục của bốn người ra nộp tại BHXH Thành phố Thái Nguyên nhưng không được nhận với lý do Công ty chưa nộp đủ tiền bảo hiểm. Ngày 13-7-2012, Công ty đã nộp đủ tiền BHXH đến ngày 30-6-2012 (bao gồm cả lãi nộp chậm) và BHYT, BH thất nghiệp đến 30-7-2012. Khi ấy BHXH mới tiếp nhận hồ sơ nghỉ chế độ của chúng tôi. Vậy nhưng khi nhận Quyết định nghỉ hưu, cả bốn chúng tôi đều hết sức ngạc nhiên vì lương hưu bắt đầu được nhận từ 1-8-2012, lương tháng 7-2012 bị cắt. Khi thắc mắc, chúng tôi được BHXH giải thích là do Công ty nộp chậm tiền nên hồ sơ của chúng tôi bị xếp vào loại không hợp lệ, căn cứ điểm 9, mục 6, Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23-9-2008 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định “Thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện theo quy định khi nghỉ việc được tính từ tháng liền kề sau tháng cơ quan, đơn vị, người lao động nộp đủ hồ sơ hợp lệ cho tổ chức BHXH”. Đây là điều vô lý và thể hiện BHXH chưa thực sự vì người lao động…
Còn nhiều bất cập khác đang “bủa vây” DN như cách tính thuế giá trị gia tăng chưa hợp lý, chậm cấp phép và làm các thủ tục liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng; vấn đề thanh kiểm toán còn áp đặt; mô hình tổ chức bộ máy của một số DN đã không còn phù hợp; khó khăn trong tiếp cận thông tin thị trường, chi phí đầu vào ngày càng tăng trong khi thị phần giảm, sản phẩm khó tiêu thụ… là những “mầm bệnh” đang tàn phá "cơ thể" các DN trên địa bàn.
Những khó khăn đã được thổ lộ, căn bệnh đã được “chỉ mặt điểm tên”, liệu các DN có được chữa khỏi để khỏe mạnh và phát triển, đó là điều họ đang mong chờ.