Ai từng đến xóm Bình Định, xã Kha Sơn (Phú Bình) những năm trước nay có dịp trở lại hẳn đều có chung cảm nhận, vùng quê thuần nông này đã thay đổi rất nhiều. Bình Định hôm nay đã có tuyến đường bê tông rộng thênh thang giữa cánh đồng lúa trĩu bông, nhiều căn nhà mới khang trang thay thế cho nếp nhà tranh vách đất, nhiều mô hình kinh tế gia đình đạt cả trăm triệu đồng mỗi năm…
Ông Nguyễn Xuân Khoa, Bí thư Chi bộ xóm Bình Định thông tin với chúng tôi: Xóm có 167 hộ, trong đó có 25 hộ nghèo (bằng 15%), so với 2 năm về trước đã giảm được 22 hộ, số gia đình thuộc diện khá giả chiếm một nửa. Bình Định đứng đầu xã Kha Sơn về diện tích gieo cấy lúa lai với gần 10ha. Nhiều hộ dân đã xây dựng được mô hình trang trại, dịch vụ kết hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: hộ ông Nguyễn Hữu Hoàn quy hoạch hơn 10 nghìn m2 đầu tư làm ao thả cá và chuồng trại chăn nuôi lợn; hộ bà Nguyễn Thị Quyn với mô hình chăn nuôi gà đẻ, máy xay xát gạo kết hợp mở xưởng may gia công tạo việc làm cho 15 lao động…
Tiếp xúc với người dân xóm Bình Định, tất cả đều có chung nhận định: So với cách đây vài năm, đời sống của bà con đã được cải thiện rất nhiều. Từ một xóm thuần nông, độc canh cây lúa, nay bà con đã tích cực cải tiến cơ cấu giống, phát triển chăn nuôi và các ngành nghề phụ để nâng cao thu nhập, từ đó có điều kiện chung tay xây dựng các công trình tập thể. Có được điều này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chi bộ xóm và sự tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên. Đơn cử như việc đưa giống lúa lai về trồng đại trà. Năm 2010, trong số 5 người dân của xóm được chọn đi tập huấn kỹ thuật gieo cấy và chăm sóc về cây lúa lai, đảng viên Dương Thị Sâm là người tiên phong gieo cấy thử nghiệm với diện tích 2 sào lúa Syn 6. Vụ đầu thắng lớn, thửa ruộng lúa lai của gia đình chị đạt năng suất 260kg/sào, không những vậy chi phí phân bón và thuốc trừ sâu cũng giảm đáng kể nhờ sử dụng đúng cách. Với cương vị là Trưởng xóm kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, chị Sâm đã tích cực tuyên truyền tới bà con thay đổi cấy giống lúa lai. Người dân ngoài được trợ giá về giống, còn được chị Sâm truyền đạt lại những kinh nghiệm chăm sóc lúa của mình. Nhận thấy hiệu quả nên số hộ lựa chọn lúa lai thay thế giống lúa cũ ngày càng phổ biến. Vụ mùa năm nay, diện tích lúa lai của xóm đạt gần 10ha, bằng khoảng 35% diện tích gieo cấy. Ông Lê Văn Mạnh, người dân trong xóm nhẩm tính: Lúa vụ này kém hơn mọi năm nhưng tính sơ sơ cũng được 2,4 tạ/sào, vẫn cao hơn năng suất lúa cũ khoảng 50kg. Giờ bà con không còn nỗi lo lương thực nữa, thóc lúa còn đủ để phục vụ cho cả chăn nuôi.
Về việc làm đường bê tông theo chuẩn nông thôn mới, Bình Định cũng có cách làm phù hợp. Đầu năm 2012, Chi bộ xóm họp thông qua Nghị quyết xây dựng chủ trương làm đường, sau đó đưa ra bàn bạc công khai trong cuộc họp xóm để thống nhất. Với 1km đường bê tông, xóm được hỗ trợ 149 tấn xi măng và 49 triệu đồng, số tiền người dân phải là hơn 300 triệu đồng. Nhằm giảm bớt gánh nặng, Chi bộ xóm đã chỉ đạo thu tiền của người dân thành nhiều đợt. Những hộ nghèo hoặc neo đơn được bình xét để miễn giảm tiền đóng góp. Việc san ủi mặt bằng, dải bê tông cũng được giao cho người dân đảm nhiệm để giảm số tiền phải đóng. Bí thư Chi bộ Nguyễn Xuân Khoa chia sẻ: Để công khai, minh bạch và đảm bảo chất lượng công trình, trong suốt thời gian thi công, chúng tôi đều phân công đảng viên cùng với ban giám sát cộng đồng của xóm túc trực, kiểm tra. Nhờ vậy, chi phí và thời gian thi công tuyến đường đảm bảo đúng kế hoạch. Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm nói: “Nhờ cách làm phù hợp nên tất cả người dân trong xóm đều rất đồng thuận. Tháng 10 này, xóm tiếp tục làm nốt 400m đường trục xóm, bà con ai cũng phấn khởi, đã tự nguyện hiến đất và hoàn thành đóng góp đối ứng mỗi nhân khẩu 250 nghìn đồng từ 1 tháng trước. Trong năm 2012, nhân dân trong xóm còn đóng góp được 300 triệu đồng để tu sửa đình làng”.
Cùng với phát triển kinh tế, Chi bộ xóm Bình Định còn làm tốt việc lãnh đạo các đoàn thể và các phong trào văn hóa, văn nghệ. Chi bộ xóm gồm 12 đảng viên, 1 người được nghỉ do tuổi cao. Theo phân công, mỗi đoàn thể đều được 1 hoặc 2 đảng viên phụ trách, có nhiệm nắm bắt tình hình, thường xuyên đôn đốc hoạt động. Với những vấn đề phát sinh, đảng viên sẽ trực tiếp cùng chi hội giải quyết, đồng thời báo lên Chi bộ thông qua các buổi sinh hoạt vào ngày mùng 5 hằng tháng. Ông Nguyễn Xuân Khoa cho biết: Chúng tôi không phân công đảng viên phụ trách theo nhóm hộ để đỡ bị chồng chéo bởi tất cả các gia đình đều có 2 hoặc 3 thành viên sinh hoạt tại các đoàn thể. Về các phong trào thi đua, Chi hội Người cao tuổi xóm là đoàn thể tiên phong trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Chi hội có 88 hội viên, trong đó 65 người đã tham gia Câu lạc bộ dưỡng sinh để tập luyện thể dục vào buổi sáng và chiều muộn. Các hội viên còn định kỳ hằng tháng tổ chức sinh hoạt thơ, ca. Chi hội Nông dân tham gia quản lý tốt nguồn vốn vay và phong trào giúp nhau làm kinh tế giỏi…
Đồng chí Lương Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Kha Sơn nhận xét: Những năm gần đây, các đoàn thể của xóm Bình Định đều được đánh giá vững mạnh của xã, Chi bộ xóm và Ban Công tác mặt trận lãnh đạo thực hiện tốt các phong trào. Chúng tôi coi đây là hình mẫu về xây dựng nông thôn mới để nhân rộng ra các xóm.