Góp phần chăm lo cho người nghèo

10:40, 30/10/2013

“Xa trung tâm phường nhất, 100% người dân làm nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, tổ 14 luôn là đơn vị đứng ở tốp đầu của phường. Có được điều này là bởi tổ có người đứng đầu nhiệt tình, trách nhiệm hết lòng vì việc chung, đặc biệt là chăm lo cho những người nghèo”... Đó là nhận xét của đồng chí Đào Quang Sinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) về chị Nông Thị Hảo, người dân tộc Tày, Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) số 14.

Từ trụ sở UBND phường Cam Giá, theo con đường bê tông qua nhiều ngõ ngách, cuối cùng chúng tôi cũng đến TDP số 14. Nơi đây, rất nhiều nông dân đang hối hả trên những mảnh ruộng, bãi soi ven sông Cầu để trồng, chăm sóc cây màu vụ đông. Hỏi những người nông dân đang hăng say lao động chúng tôi được vui vẻ chỉ đường đến ngôi nhà 2 tầng của của người nữ tổ trưởng kèm theo nhiều lời nhận xét tốt về chị. 

 

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hảo cho biết: Trước đây, người dân trong tổ còn nghèo khó lắm, tổ có 74 hộ thì 45 hộ nghèo. Nhiều nhà không có tài sản gì đắt giá để thế chấp vay vốn ngân hàng, đầu tư sản xuất. Mỗi lần vận động nhân dân đóng góp tổ chức các hoạt động chung hay nộp thuế đều rất khó khăn, thường chậm hoặc không đạt so với kế hoạch. Lúc đó, tôi đang làm Chi hội trưởng Phụ nữ khu dân cư. Đến năm 2005, tôi được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng, nhận nhiệm vụ tôi rất lo và luôn nghĩ cách làm sao để giúp người dân trong xóm bớt được cảnh túng quẫn. 

 

Qua câu chuyện của chị mới thấy, mặc dù ở thành phố, nhưng người dân trong TDP chủ yếu sống bằng nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Trồng cây gì, nuôi con gì vừa phải gắn với nông nghiệp phục vụ sản xuất lại vừa đem lại hiệu quả kinh tế là bài toán khó đối với vùng đất này. Sau nhiều trăn trở và tìm hiểu, cuối cùng, chị Hảo định hướng cho bà con trồng cỏ nuôi bò sinh sản, bởi TDP sẵn đất nông nghiệp, bãi soi rất phù hợp cho việc chăn nuôi gia súc. Hơn nữa, nuôi bò vừa có thể tận dụng sức kéo, phân bón lại vừa nhân giống bán tăng thu nhập. Đưa vấn đề ra cuộc họp, ai cũng thấy có lý và ủng hộ nhưng tiền đâu để mua bò. Chị lại đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội ưu tiên vốn cho các hộ khó khăn nhất.

 

Ông Mạch Văn Lý, một người dân trong tổ nhớ lại: Lúc đó, gia đình tôi được chị Hảo tín chấp vay 3 triệu đồng để mua 1 bò sinh sản. Nhờ đó, không những công việc đồng áng của gia đình đỡ vất vả hơn mà còn thu về thêm một khoản tiền từ bán bê. Cuộc sống dần được cải thiện và đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo.

 

Được biết, ngoài hộ ông Lý còn có gia đình ông Nguyễn Văn Thạch được chị Hảo tín chấp vay vốn mua bò vào thời điểm đó nay cũng đã thoát nghèo. Sau một thời gian, thấy cách làm này mang lại hiệu quả nên nhiều người hưởng ứng. Đến nay, người dân trong TDP đã nuôi gần 60 con bò, 30 con trâu (phân đều cho các hộ). Và, số tiền mà chị Hảo đứng ra tín chấp cho bà con trong tổ vay đầu tư cho chăn nuôi đã lên đến trên 700 triệu đồng.

 

Không chỉ đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng cho người dân trong tổ, hằng năm, từ kinh nghiệm nuôi lợn nái, lợn thịt của mình, chị đã chia sẻ và giúp từ 2 đến 3 hộ nghèo phát triển thêm nghề chăn nuôi bằng việc cung cấp lợn con đến khi bán mới hoàn vốn mà không hề tính lãi. Đến nay, cả tổ đã có trên chục hộ gia đình có mô hình chăn nuôi gia trại từ 15 đến 20 con lợn/lứa như gia đình chị Hảo.

 

Trong vai trò là Chi hội trưởng chi hội phụ nữ cũng từ năm 2005, chị Hảo đã vận động chị em nuôi lợn nhựa để gây quỹ, tạo vốn giúp chị em nghèo không tính lãi. Tuy nhiên thấy hiệu quả của cách làm này không cao nên năm 2007 chị đã tổ chức đưa chị em sang T.P Việt Trì (Phú Thọ) để tham quan, học tập mô hình xây dựng Quỹ Tiết kiệm cộng đồng, sau đó về triển khai thực hiện ở chi hội (năm 2008). Hình thức là vận động chị em góp tiền tiết kiệm để các hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Mô hình này đã thu hút được sự tham gia của hội viên. Nguồn vốn vay được các thành viên sử dụng có hiệu quả, nhiều người sửa được nhà, mở rộng sản xuất, mua gia súc… Bởi vậy mà đến nay, mô hình đã được nhân rộng lên cấp phường, thu hút được hàng nghìn hội viên tham gia. Tổng số vốn cho hội viên vay đã lên đến trên 2 tỷ đồng.

 

Chị tâm sự: Vừa qua, vì phải kiêm nhiệm nhiều việc: tổ trưởng, quản lý vay vốn ngân hàng cho bà con, Ban quản trị của 1 hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nên tôi đã xin thôi không tham gia công tác ở chi hội phụ nữ. Điều vui nhất là nhiều chị em vẫn luôn nhắc đến tôi như một người thân. Tôi nghĩ rằng, để mọi người tin tưởng, làm theo trước hết mình phải gương mẫu trong mọi việc. Khi làm việc phải thực sự nhiệt tình, có trách nhiệm và nghĩ đến lợi ích tập thể trước tiên. Hiện nay, dù không còn hộ thiếu đói nhưng điều tôi luôn trăn trở là làm sao giúp 29 hộ còn lại của TDP thoát nghèo bền vững.

 

Từ những việc làm mang lại lợi ích thiết thực, chị Hảo luôn được mọi người tin tưởng, tích cực hưởng ứng các hoạt động chung của tổ: tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, đoàn kết, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Nhờ đó từ năm 2005 đến nay, TDP 14 không có tệ nạn xã hội, không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, mọi khoản thu gây quỹ vì lợi ích tập thể, ủng hộ nhân dân thiên tai bão lụt hay các khoản thuế đều hoàn thành trước thời hạn.

 

Với những thành tích của bản thân chị Hảo đã được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc; Bằng khen “Dân vận khéo” của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Giấy khen trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của UBND thành phố Thái Nguyên… Đặc biệt chị còn được ghi nhận là một cán bộ người dân tộc thiểu số tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư.