Huy động nội lực trong xây dựng cơ sở hạ tầng

10:30, 18/10/2013

Nguồn vốn là yếu tố quan trọng để các xã triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) có hiệu quả, nhất là nguồn vốn đầu tư dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Nguồn vốn bao gồm: vốn Nhà nước, vốn huy động nhân dân đóng góp, vốn của các tổ chức, cá nhân tài trợ, vốn tín dụng ngân hàng...

Qua thực tế ở các xã điểm xây dựng NTM của tỉnh thì đa số cơ sở hạ tầng đều đã hoàn thiện nên các xã chủ yếu tập trung làm đường giao thông. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mỗi địa phương đều áp dụng cơ chế này theo quy định của tỉnh. Để thực hiện tiêu chí đường giao thông, các xã được tỉnh hỗ trợ vốn bằng xi măng cùng với nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM chiếm tỷ lệ lớn (60% đến 80%), phần còn lại là đối ứng của nhân dân (từ 20% đến 40%, tuỳ từng nơi). Nhìn chung, phần vốn đối ứng của nhân dân được các địa phương vận dụng một cách linh hoạt nhằm phát huy tối đa nội lực để hạn chế sự đóng góp của dân. Ví dụ như: đa số các xã điểm xây dựng NTM của Định Hoá, công trình đường giao thông được thực hiện theo cơ chế 80/20 (Nhà nước hỗ trợ 80% bằng xi măng và tiền; nhân dân đóng góp 20% bằng ngày công lao động).

 

Ông Trần Tiến Lâm, Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến (Định Hóa) cho hay: Do đa phần đời sống của các hộ dân ở đây còn khó khăn; bên cạnh đó việc triển khai làm đường giao thông thường vào thời điểm nông nhàn nên các hộ dân muốn được đóng góp bằng ngày công lao động để  giảm bớt sự đóng góp bằng tiền (mỗi nhân khẩu khoảng 5 công). Vì vậy, xã chọn phương án huy động vốn đối ứng ngày bằng công lao động để san lấp mặt bằng. Cách làm này không riêng ở Phượng Tiến mà đa số xã điểm của huyện Định Hoá và một số huyện khác cũng làm như vậy.

 

Còn ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tràng Xá (Võ Nhai) cho biết: Năm 2012, xã làm 2,5km đường ở 2 xóm Khuôn Ruộng và Tân Đào với tổng kinh phí toàn tuyến là 600 triệu đồng. Do các hộ dân trên tuyến đường không nhiều nên bình quân mỗi hộ phải đóng góp 6 triệu đồng. Năm 2013, các xóm đăng ký làm trên 7km đường. Bình quân mỗi hộ dân cũng đóng góp từ 3 đến 4 triệu đồng. Tuy nhiên, xã áp dụng cơ chế đóng góp bằng hình thức: hộ dân tự khai thác vật liệu xây dựng và tham gia ngày công, tự giám sát công trình; xã chỉ chỉ đạo hỗ trợ về mặt kỹ thuật; cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để làm đường. Đối với một số xã có điều kiện hơn hoặc những nơi đời sống hộ dân chưa dư giả thì huy động đóng góp bằng tiền nhưng cách làm cũng linh hoạt.

 

Theo ông Nguyễn Lương Đằng, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh (Phú Lương): Với cơ chế Nhà nước hỗ trợ 65% bằng xi măng và tiền; 35% người dân đóng góp nên bình quân mỗi hộ đóng góp 1,3 triệu đồng (năm 2012 làm 2km; năm 2013 làm 1km). Với mức đóng góp này người dân vẫn có thể tự lo được vì đời sống người dân ở đây có điều kiện hơn (ngoài làm ruộng còn trồng chè). Hoặc ở xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), ông Lý Ngọc Tân, Chủ tịch UBND chia sẻ: Xã có 2.900 hộ dân, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn do 90% số hộ dân sống bằng nghề nông. Song, để thực hiện làm đường giao thông theo đúng lộ trình, năm 2012, xã làm trên 6km đường bê tông; năm 2013 dự kiến làm 3,16km đi vào các ngõ của 6 xóm. Do thời tiết mưa nhiều nên chưa triển khai được. Để có vốn làm đường, xã cũng thực hiện cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm (trong đó Nhà nước hỗ trợ 65%, nhân dân đóng góp 35%). Như vậy, bình quân mỗi hộ dân đóng góp từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, năm nay, xã còn làm thêm 600m đường giao thông nội đồng cũng phải huy động vốn đối ứng của nhân dân, bình quân mỗi hộ đóng trên dưới 1 triệu đồng. Còn ở xã Nam Tiến (Phổ Yên), ông Dương Đình Tân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đối với xã, bình quân mỗi hộ dân đóng góp 400 nghìn đồng để giải phóng mặt bằng, tạo nền đường, song do nhân dân còn khó khăn nên phải chia ra làm nhiều đợt đóng góp để không gây căng thẳng cho người dân.

 

Một trong những nguồn vốn để hỗ trợ các xã điểm xây dựng NTM sớm hoàn thiện các tiêu chí khi người dân không tìm được nguồn đối ứng kịp thời là nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Nhưng qua tìm hiểu ở Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, được biết: Chi nhánh luôn sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn phục vụ Chương trình xây dựng NTM. Song, theo báo cáo từ các huyện, chỉ duy nhất Chương trình cho vay đầu tư cho sản xuất, kinh doanh là vay với doanh số lớn (từ đầu năm 2013 đến hết quý III/2013 là trên 432 tỷ đồng, còn lại các chương trình khác như: làm đường giao thông, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, trạm điện, nhà ở… không đáng kể (tổng doanh số cho vay trên 698 tỷ đồng). Riêng Chương trình cho vay làm đường giao thông nông thôn năm 2012 không có phát sinh; đến hết quí III/2013, mới có 3 xã (Tân Cương, Quyết Thắng, Đồng Bẩm của thành phố Thái Nguyên) vay với doanh số 501 triệu đồng (dư nợ còn 320 triệu đồng).

 

Được biết, để thực hiện Chương trình “Chung tay góp phần xây dựng NTM”, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ trương ưu tiên nguồn vốn tín dụng đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề tại các xã điểm… Song, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chủ yếu vẫn là phát huy nội lực trong dân. Một trong những nguyên nhân là do việc tiếp cận vốn ngân hàng còn khó khăn vì thủ tục phức tạp nên người dân ngại vay, hoặc nếu có phải đóng góp, số tiền cũng không nhiều nên có thể tự lo được, chưa cần đến sự huy động từ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Đây cũng là vấn đề ngành Ngân hàng và các ngành, địa phương cần có sự phối hợp tích cực để tháo gỡ những vướng mắc nhằm chuyển tải vốn nhiều hơn đến các hộ dân thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng NTM, vì tiêu chí nào cũng phải cần đến kinh phí.