Xã Tân Linh (Đại Từ) có 629ha chè, là một trong những xã có diện tích chè lớn. Xác định đây là cây trồng thế mạnh, những năm qua, xã đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Nhờ đó, giá trị sản phẩm chè được nâng lên, đời sống người dân dần khấm khá hơn.
Đến Tân Linh vào dịp này, chúng tôi thấy trên những đồi chè xanh non mơn mởn, người dân đang thoăn thoắt thu hái. Ai nấy đều vui mừng vì lứa chè này đạt năng suất cao hơn những lứa trước. Đưa chúng tôi đi thăm nương chè, ông Trần Đình Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã giới thiệu: Cây chè đã bén rễ, đâm chồi trên đất Tân Linh từ những năm 60 của thế kỷ trước. Mấy chục năm nay, người dân trong xã đã tích cực khai hoang, trồng chè lên những vùng đất trống đồi núi trọc, đến nay, tổng diện tích chè của xã là 629ha, trong đó có 546ha chè kinh doanh.
Xã Tân Linh có địa hình đồi núi dốc, khó chủ động nguồn nước nên diện tích lúa của xã chỉ có 123ha, do đó, cây chè là nguồn thu chính của hơn 1.600 hộ dân (chiếm 98% số hộ trong xã). Chính vì vậy, những năm qua, chính quyền xã Tân Linh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng năng suất, chất lượng chè, trong đó, xã quan tâm nhất đến việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ chè trung du giống cũ sang các loại chè giống mới. Ông Phạm Thế Anh, Trưởng xóm 10 cho hay: Nhờ được tuyên truyền và tham gia các lớp tập huấn, người dân trong xóm đã thay đổi tư duy và tích cực chuyển đổi diện tích chè trung du già cỗi sang trồng chè cành. Đến nay, toàn xóm có 35/41ha (chiếm hơn 85%) là các giống chè cành như Kim Tuyên, LDP1… Tìm hiểu tại các xóm khác, chúng tôi cũng thấy rất nhiều gia đình mạnh dạn chuyển đổi giống chè. Bà Trần Thị Lụa, ở xóm 3 cho biết: “Ban đầu, gia đình tôi đưa giống chè cành vào trồng thử cũng lo lắng nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương, chúng tôi đã trồng được 7 sào chè LDP1. Giờ thì, 7 sào chè này cho năng suất từ 20 đến 25kg/sào, giá bán khoảng 180 đến 220 nghìn đồng/kg (cao hơn từ 5 đến 10 kg/sào và giá gấp 2 lần chè trung du), mỗi năm, cho gia đình tôi thu nhập hơn 120 triệu đồng”. Theo thống kê sơ bộ của xã, hiện nay, hơn 42% diện tích chè trong xã là chè cành, trung bình mỗi héc ta chè 1 năm cho người dân thu nhập gần 300 triệu đồng.
Cùng với việc thay đổi giống chè, Tân Linh cũng đang tích cực nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn VietGAP. Hiện, xã có hơn 20ha chè ở xóm 11 sản xuất theo tiêu chuẩn này từ cuối năm 2012. Sau gần 1 năm triển khai, những tổ viên trong tổ hợp tác chè đã thay đổi được thói quen canh tác cũ, biết cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, sản phẩm chè VietGAP của Tân Linh cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ông Cao Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ hiệu quả của mô hình chè an toàn ở xóm 11, chúng tôi đang vận động nhân dân tiếp tục nhân rộng ra các xóm khác. Hiện tại, xã đang tích cực tuyên truyền tới đông đảo người dân bằng nhiều hình thức, đặc biệt là lồng ghép vào các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật tại xã”.
Những năm qua, được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và PTNT, chè Tân Linh đã được quy hoạch phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2011, các chuyên gia chè của Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã tiến hành đánh giá chất lượng chè hiện có của xã. Đồng thời, thực hiện các cuộc kiểm tra nghiên cứu về khí hậu, thổ nhưỡng để lựa chọn loại giống đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Năm 2012, xã đã có bản đồ quy hoạch chè, trong đó, vùng chè phía Tây bao gồm 3 xóm 5, 6, 11 chuyên để phát triển các sản phẩm chè chất lượng cao; vùng chè phía Bắc bao gồm các xóm 1, 2, 3, 4 và vùng chè phía Đông bao gồm các xóm 7, 8, 9, 10 được quy hoạch là 2 vùng chè tập trung. Còn lại, khu vực phía Nam không quy hoạch vì nằm trong diện tích bị ảnh hưởng của Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo. Hiện nay, theo lời khuyên của các chuyên gia, Tân Linh cũng đang thực hiện quy hoạch 2 giống chè LDP1 và Kim Tuyên. Theo số liệu thống kê của xã, hằng năm, năng suất, sản lượng chè của Tân Linh đều thay đổi theo hướng tích cực. So sánh với năm 2011, năm 2012, năng suất chè của xã là 105 tạ/ha (cao hơn 6 tạ/ha), sản lượng gần 5.800 tấn (cao hơn 350 tấn).
Theo ông Nguyễn Phan Vĩnh, Chủ tịch UBND xã: Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi giống chè trung du già cỗi, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhất là các phương pháp sản xuất chè an toàn. Xã cũng đang tính đến các phương án để quảng bá rộng rãi thương hiệu chè Tân Linh đến đông đảo người tiêu dùng.