Người có “bàn tay vàng”

15:40, 05/10/2013

Đó là anh Nông Văn Khải, xóm Vân Long, xã Hùng Sơn (Đại Từ), người đoạt giải Bàn tay vàng trong Hội thi sao chè tại Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ nhất. 

Khuôn mặt rạng ngời, anh Khải khoe: Chè Khuôn Gà giờ nổi tiếng thơm ngon, không kém gì các “đàn anh, đàn chị” như chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Trại Cài (Đồng Hỷ), La Bằng (Đại Từ)… Chè sản xuất ra đến đâu, tư thương vào mua hết đến đó. Cây chè không chỉ giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Đó là thành công lớn nhất của chúng tôi sau khi tham gia Festival Trà lần trước.

Cũng giống như những đứa trẻ khác sinh ra và lớn lên tại vùng chè, tuổi thơ của anh Khải gắn bó mật thiết với cây chè. Khi còn bé thì được bố mẹ gùi lên tận đồi chè xem người lớn thu hái, lớn lên một chút đã tập hái “một tôm, hai lá”. 14 tuổi, anh đã biết sao chè và được bố mẹ truyền dạy kỹ năng để có những mẻ chè ngon. Từ chỗ sao chè thủ công bằng chiếc chảo gang, đến những chiếc tôn quay hiện đại, cùng với thời gian, anh Khải đã tích lũy kinh nghiệm và trở thành người có đôi “Bàn tay vàng” của vùng chè Khuôn Gà này. Giơ đôi bàn tay chai sạn, sần sùi, nứt nẻ với những đường chỉ tay dính chặt nhựa chè, anh Khải cho biết: “Danh hiệu này là phần thưởng cao quý nhất từ trước tới nay mà tôi vinh dự đón nhận”. Hiện gia đình anh Khải có gần 3 mẫu chè trong đó có 1 mẫu trồng chè Keo Am Tích, 1 mẫu trồng chè TRI 777, 5 sào chè trung du và khoảng 1 sào chè lai LDP1. Anh “khoe”: Trước đây, gia đình bán chè ngon cũng chỉ được tối đa 150 nghìn đồng/kg búp khô, nhưng từ ngày đoạt giải “Bàn tay vàng” được nhiều người biết đến, chè của gia đình anh bán với giá trên 200 nghìn đồng/kg, thậm chí nhiều lúc khách hàng phải đặt trước mới có. Nhờ vậy, tổng thu nhập của gia đình anh từ chè hiện nay đạt trên 200 triệu đồng/năm. 

 

Cùng thưởng thức những tách trà xanh trong, thơm ngát giữa bầu không gian khoáng đạt với những dãy đồi núi chập trùng, câu chuyện của chúng tôi trở nên cởi mở hơn khi nói về cây chè và làm sao để có những sản phẩm trà ngon. Theo lời của anh Khải thì chè là cây gắn bó lâu đời với người nông dân nơi đây. Chè dễ trồng, dễ chăm sóc mà sức sống lại vô cùng mãnh liệt. Giống chè hiện nay cũng đa dạng, tùy thuộc vào từng loại mà người ta có cách chăm sóc và thu hái khác nhau. Muốn có một ấm trà ngon đòi hỏi phải rất kỳ công từ khâu chăm sóc đến khi chế biến ra sản phẩm cuối cùng. Nói về bí quyết của mình, anh Khải chia sẻ: Sau khi thu hái, chè nguyên liệu được mang về nhà rải đều trên sàn, trải mỏng để làm héo. Cứ sau một giờ lại đảo rũ một lần cho đến khi nào nhìn lá chè không còn bóng nữa thì mang đi diệt men. Sau khi diệt men khoảng 3-5 phút, nhìn chè đã chín đều thì cho ra làm nguội ngay, rồi cho vào cối vò khoảng từ 8-10 phút. Chè sau khi vò xong được rũ tơi và cho sang làm khô. Tới đây, chè được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1, chè làm khô ở nhiệt độ cao, thời gian từ 15-20 phút sau đó cho ra làm nguội, phân loại chè bị vụn ra. Giai đoạn 2 làm khô ở nhiệt độ 90 độ C, thời gian 30-45 phút cho đến khi nào ngửi thấy hương chè thơm, nhai chè thấy bã chè tan trong miệng là được. Khi chế biến, quan trọng nhất chính là yếu tố nhiệt độ và kinh nghiệm của người sao chè sẽ quyết định đến chất lượng sản phẩm chè cuối cùng.

Cùng anh Khải và Trưởng xóm Hoàng Văn Thìn đi dạo một vòng xung quanh xóm, chúng tôi cảm nhận được không khí náo nức, rộn ràng chuẩn bị cho Festival Trà lần thứ hai. Anh Thìn cho biết: Người dân xóm chúng tôi rất phấn khởi vì chưa bao giờ cây chè lại được tôn vinh và quan tâm như vậy. Tham gia Festival lần này, chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá sản phẩm chè đặc sản Khuôn Gà đến với người tiêu dùng. Đặc biệt, đây là cơ hội để người sản xuất, chế biến chè của địa phương nâng cao chất lượng chè cho phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay. Thời điểm này, chúng tôi cũng đã lựa chọn vài nương chè để tích cực chăm sóc, chờ đến ngày diễn ra Festival xem nương chè nào đạt tiêu chuẩn thì mang đi tham dự. Ngoài ra, chúng tôi cũng lựa chọn một đội gồm những nghệ nhân sao chè có tiếng để tham gia thi sao chè.