Vụ mùa vừa qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phổ Yên đã phối hợp với Viện Quy hoạch Nông nghiệp thực hiện mô hình trình diễn sử dụng phân viên nén dúi sâu NK cho cây lúa tại 2 xã Tân Phú và Tiên Phong (Phổ Yên). Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, sử dụng phân viên nén dúi sâu giúp tiết kiệm được 220kg/ha phân bón, sản lượng thóc tăng 8 tạ/ha.
Phân bón viên nén dúi sâu là loại phân dạng viên nén chứa 55% đạm urê và 45% Kaly clorua. Loại phân này chứa phụ gia để tan chậm, cả vụ chỉ cần bón một lần vào đầu vụ, vừa đơn giản, chủ động trong sản xuất, chống rửa trôi, bay hơi, vừa đủ dinh dưỡng cho cây. Ông Ngô Thành Đê, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Mô hình sử dụng phân viên nén dúi sâu được áp dụng ở gần 100 hộ dân xã Tân Phú với diện tích 5ha lúa Khang dân và trên 50 hộ dân xã Tiên Phong với diện tích 3ha giống Q ưu số 1. Qua theo dõi cho thấy, sử dụng phân viên dúi sâu, cây lúa phát triển mạnh, đẻ nhánh khỏe, tập trung, cứng cây, bộ lá xanh đậm; tỷ lệ nhánh hữu hiệu đạt cao, tăng khả năng chống, chịu sâu bệnh, chi phí thuốc bảo vệ thực vật thấp; thời gian trỗ bông tập trung, số bông trên khóm bình quân đạt từ 9 - 10 bông/khóm. Đến nay, diện tích lúa trên đã cho thu hoạch, năng suất đạt cao hơn 8 tạ/ha so với cách bón phân thông thường.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Phân bón Quốc tế (IFDC), với cách vãi thông thường, chỉ khoảng 30-40% lượng phân u rê được giữ lại trong đất cho cây lúa sử dụng, 60-70% còn lại bị tổn thất do rửa trôi và bay hơi. Chính vì vậy, sử dụng phân viên nén dúi sâu sẽ tiết kiệm đáng kể lượng phân bón, tăng năng suất do cây lúa hấp thụ đầy đủ và liên tục các chất dinh dưỡng. Thực tế trong vụ mùa vừa qua, thời tiết mưa nhiều, thường xuyên xảy ra các đợt lũ quét, ngập úng, nhiều diện tích lúa khó bón phân hoặc bón phân xong bị mưa lớn rửa trôi. Nhưng với việc chỉ cần bón phân viên nén một lần vào đầu vụ, các hộ dân tham gia mô hình đã bớt đi nỗi lo trong những trận mưa lớn. Bà Hoàng Thị Hà, Trưởng xóm Định Thành, xã Tiên Phong có 6 sào lúa tham gia mô hình nhận xét: Vụ vừa rồi, mưa nhiều, 6 sào lúa của gia đình tôi nhiều lần bị nước ngập và chảy tràn qua. Ban đầu tôi rất lo lắng, nhưng qua theo dõi, tôi thấy lúa sinh trưởng tốt hơn mọi năm, thân lúa cứng cáp, ít sâu bệnh. Tôi không bón thêm loại phân nào nhưng cuối vụ, 6 sào lúa của gia đình tôi vẫn cho năng suất cao hơn diện tích khác khoảng 30kg/sào.
Cũng như bà Hà, tìm hiểu thực tế tại nhiều hộ dân ở 2 xã Tân Phú và Tiên Phong, chúng tôi đều nhận được ý kiến, phân viên nén dúi sâu mang lại hiệu quả, tiết kiệm. Bà Trần Thị Ân ở xóm Thanh Vân, xã Tân Phú cho biết: Vụ mùa vừa qua, gia đình tôi cấy 5 sào thì có 1 sào sử dụng phân bón dúi. Khi thu hoạch, tôi thấy sào lúa sử dụng phân viên nén cây lúa cao, nhiều bông, chắc hạt và năng suất cao hơn 25kg so với những sào còn lại. Bà Lê Thị Thiện, Trưởng xóm Thanh Vân cho biết thêm: Gia đình tôi cũng có 3 sào lúa sử dụng phân viên nén dúi sâu. Bình thường, ngoài phân lân, mỗi sào lúa, gia đình tôi đều bón 8kg đạm và 8kg lân, mỗi vụ mất 3 lần bón, nhưng với 3 sào lúa này, gia đình tôi chỉ phải bón 10kg phân viên nén, tiết kiệm được 6kg phân bón.
Tuy nhiên, theo lời khuyên của các cán bộ nông nghiệp thì kỹ thuật bón phân viên nén dúi sâu có nhiều điểm khác biệt so với phương pháp bón phân thông thường. Quá trình làm đất, sau khi cày bừa kỹ, người dân cần tạo luống có chiều rộng 1,2-1,4 m, giữa các luống có rãnh rộng 25-30cm để thuận tiện cho việc tưới tiêu và chăm sóc lúa. Khi cấy lúa, bà con cũng chú ý cấy thẳng hàng theo từng băng để thuận lợi cho việc bón phân. Thời gian thuận lợi nhất để bón phân là sau khi cấy lúa 1-3 ngày, bà con dúi 1 viên phân vào giữa 4 bụi lúa sâu đến mu bàn tay (tương đương từ 7-8cm) theo hướng đi tới. Dúi xong viên nào, bà con dùng tay thoa bùn lấp kín ngay viên phân đó. Ngoài ra, bà con cũng chú ý, trong vòng 30 ngày đầu không được bước chân vào vị trí đã dúi phân để không làm xê dịch viên phân; khi làm cỏ và phun thuốc bảo vệ thực vật phải đi trên rãnh giữa các luống.