Phụ nữ Phú Tiến làm kinh tế giỏi

16:09, 19/10/2013

Với 591 hội viên sinh hoạt tại 10 chi hội, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Tiến (Định Hóa) đã có nhiều biện pháp khuyến khích, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình như: giúp vốn, tập huấn về khoa học kỹ thuật (KHKT), thành lập các nhóm sở thích… Từ phong trào thi đua của Hội đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi.

Mô hình kinh tế hiệu quả đầu tiên chúng tôi đến thăm quan là mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Thịnh, Chủ tịch Hội LHPN xã. Với 3 sào ruộng, 3 ha rừng và một mẫu ao thả cá, trung bình mỗi năm, gia đình chị Thịnh thu về trên dưới 150 triệu đồng tiền lãi. Chị Thịnh chia sẻ: Được sự quan tâm của Hội LHPN Huyện Định Hóa, Hội LHPN xã Phú Tiến được tiếp nhận Dự án “Phụ nữ Thái Nguyên phát triển kinh tế hợp tác” được thực hiện 4 năm từ 2008 đến 2012, chúng tôi được hỗ trợ tập huấn về KHKT, con giống cho các nhóm sở thích, tổ hợp tác…, từ đó phong trào phát triển kinh tế được chị em tích cực hưởng ứng. Gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi những chân ruộng hiệu quả sản xuất thấp sang thành ao thả cá, nuôi trung bình 20-30 con lợn thịt, vịt đẻ trứng khoảng 300 con, nuôi 20 con dê, trồng cây keo...

 

Rời nhà chị Thịnh, chúng tôi đến thăm gia đình chị Châm Diệu Huyền, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn 6. Nhìn ngôi nhà ba tầng khang trang đang trong giai đoạn hoàn thiện, ít ai có thể ngờ chủ nhân của ngôi nhà đã từng có thời gian chật vật với cuộc sống mưu sinh và gia đình nằm trong diện hộ nghèo của xã. Chị Huyền tâm sự: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn nhất trong xóm, cả nhà 4 miệng ăn chỉ biết trông vào vài sào ruộng cạn. Nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của chị em trong Hội LHPN xã, Chi hội Phụ nữ xóm mà từ năm 2009, gia đình tôi được tham gia mô hình nuôi ong của Dự án “ Phụ nữ Thái Nguyên phát triển kinh tế hợp tác” và được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội (CSXH) huyện để phát triển kinh tế gia đình. Được biết, từ hai thùng ong ban đầu, nay gia đình chị Huyền đã có tới hơn chục thùng ong. Trung bình mỗi tháng, đàn ong của gia đình cho từ 25-30 lít mật, với giá bán trung bình 150 nghìn đồng/lít, chị Huyền cũng thu về trên dưới 4 triệu đồng/tháng tiền lãi. Ngoài nuôi ong, chị Huyền còn đầu tư chuồng trại nuôi 200 con ngan, gà và nuôi thêm lợn thịt. Chị Huyền cho biết, chị đã trả hết số nợ vay ngân hàng trước đó.  

 

Ở Phú Tiến, ngoài chị Thịnh, chị Huyền còn rất nhiều chị em làm kinh tế giỏi như: chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn 2 chế biến lâm sản thu nhập 200 triệu đồng/năm; chị Đặng Thị Châm ở thôn 5, với mô hình trồng nấm cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm; chị Nguyễn Thị Chuyển ở thôn 5, chị Ma Thị Thơm, chị Nguyễn Thị Định cùng ở thôn 6, chị Nguyễn Thị Kỳ ở thôn 7… với các mô hình chăn nuôi tổng hợp dê, vịt, gà, ngan, ong, cá, lợn.

 

Chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động của Hội trong phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi, chị Nguyễn Thị Thịnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Tiến cho biết: Hội luôn chú trọng về công tác xóa đói, giảm nghèo, vận động hội viên tích cực tham gia các lớp tập huấn KHKT chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ khi Hội tiếp nhận Dự án “Phụ nữ Thái Nguyên phát triển kinh tế hợp tác”, chị em được tham gia vào các nhóm sở thích, tổ hợp tác, được tập huấnKHKT. Hiện nay, trên địa bàn toàn xã, có 12 nhóm sở thích về chăn nuôi với nhiều loại hình như: nuôi ong, nuôi lợn thịt, lợn nái, gà mía, vịt đẻ trứng, nuôi cá, nuôi dê và 1 tổ hợp tác nấm ATK. Các nhóm này hoạt động có hiệu quả, chị em biết áp dụng KHKT đem lại hiệu quả kinh tế cao, như nhóm: nuôi cá, nuôi vịt đẻ trứng, nuôi dê, nuôi lợn, nuôi gà… đem lại thu nhập bình quân từ 3 triệu đến 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Hội còn tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện cho hội viên vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, Hội quản lý 3 tỷ đồng với 5 tổ vay vốn, luôn đôn đốc các tổ trả gốc và lãi theo quy định của Ngân hàng, không có nợ quá hạn. Về hoạt động quỹ Hội, hiện toàn xã có 10/10 chi hội gây quỹ với số quỹ trên 60 triệu đồng nhằm giúp cho hội viên nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Cùng với đó, Hội còn vận động được 32  chị em ở chi hội thôn 6 và thôn 1 thực hiện nhóm VSLA (nhóm quỹ tiết kiệm và cho vay vốn tại thôn), với hơn 70 triệu đồng tiền quỹ, nhóm đã giúp được nhiều chị em vay vốn để tăng gia sản xuất…

 

Có thể nói, bằng các biện pháp cụ thể, hiệu quả, Hội LHPN xã Phú Tiến đã giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Kết quả bình xét hộ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ hằng năm đều giảm từ 3-4%. Kinh tế phát triển, tạo điều kiện để chị em tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương, chăm lo xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực: no ấm, bình đẳng, hạnh phúc và cùng tiến bộ.