Cùng với một số địa phương khác trong cả nước, tỉnh ta có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xếp trong tốp đầu cả nước. Hiện, sau khi có sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD của dự án lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hoá đã trở thành địa phương có vốn đầu tư FDI lớn nhất trong cả nước tính từ đầu năm đến nay với số vốn đạt 2,9 tỷ USD. Tỉnh Thái Nguyên sau khi tiếp tục tăng đầu tư của Samsung đã đạt vốn đầu tư FDI 2,15 tỷ USD, đứng thứ 2. Tiếp theo là T.P Hải Phòng đứng thứ 3 vởi số vốn đăng ký 1,95 tỷ USD.
Tính từ đầu năm đến nay, đã có 50 tỉnh, thành phố trong cả nước có vốn FDI đăng ký đầu tư. Các quốc gia đứng đầu trong đầu tư trực tiếp vào Việt Nam là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Vốn đăng ký mới và tăng thêm của 3 nước nói trên chiếm trên 75,4% tổng số vốn FDI được các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam (tính đến hết tháng 9 năm nay). Theo thông tin của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì tính đến ngày 20- 9-2013, cả nước thu hút được hơn 15 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy mặc dù tình hình kinh tế thế giới chưa thoát ra khỏi khủng hoảng, ảnh hưởng lớn đến đầu tư phát triển của các quốc gia, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến khá hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, và trên thực tế vốn FDI đã tăng so với năm trước. Vốn FDI đến hết tháng 9 đã hoàn thành kế hoạch đề ra của cả năm 2013.
Theo Tạp chí điện tử Kinh tế và Dự báo - cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong những tháng đầu năm nay các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm với tổng số trên 400 dự án được đăng ký đầu tư mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,969 tỷ USD, chiếm 86,4 % tổng số vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đo, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 và đứng thứ 3 thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.
Về xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 9 tháng năm 2013 đạt 63, 95 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm 66,29% tổng kim ngạch xuất khẩu; xuất khẩu không kể dầu thô đạt 58,45 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 60,59% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó nhập khẩu của khu vực FDI đạt 54,499 tỷ USD, tăng 24,8 % so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 65,42% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 9 tháng năm 2013, khu vực FDI xuất siêu 9,45 tỷ USD.
Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào nước ta, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Nghị quyết nêu rõ một số giải pháp rất thiết thực và mạnh mẽ như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư; điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư; hoàn thiện tiêu chí cấp Giấy chứng nhận đầu tư; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đầu tư. Đây được coi sẽ là động lực mới để giúp các địa phương trong cả nước tăng cường thu hút, sử dụng và quản lý tốt, hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.