Xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Đồng Hỷ

10:26, 21/10/2013

Vụ mùa năm nay, Trạm khuyến nông huyện Đồng Hỷ đã hướng dẫn nông dân ở các xóm: Luông, Gò Cao, Sơn Cầu, Vải của xã Hóa Thượng gieo cấy cùng một giống lúa lai TH 3-3 theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tập trung với diện tích 20ha. Đây là mô hình cánh đồng mẫu lớn đầu tiên trong huyện được thực hiện với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung với sản lượng lớn, chất lượng, hiệu quả cao và bền vững. Theo đánh giá của người dân, mô hình này bước đầu cho hiệu quả tốt.

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng mẫu lớn xóm Luông đúng lúc bà con nông dân trong xóm đang khẩn trương thu hoạch vụ lúa mới. Chị Ngô Thị Hằng, một người dân trong xóm vừa mải miết gom những bó lúa chín vàng vừa vui vẻ trò chuyện: Gia đình tôi có 6 sào ruộng thì có 4 sào tham sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, 2 sào cấy lúa Khang dân. Tuy ở đầu vụ mưa bão xảy ra liên tục, gây bất lợi cho việc sản xuất nông nghiệp nhưng được các cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn cách chăm sóc lúa theo đúng quy trình kỹ thuật nên cây lúa vẫn phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho thu hoạch đúng thời vụ. Ước chừng, năng suất lúa TH 3-3 sẽ đạt khoảng 2,3 tạ/sào, cao hơn so với cấy lúa Khang Dân từ 20-30kg/sào.

 

Có chung niềm vui được mùa như chị Ngô Thị Hằng, chị Dương Thị Phương, ở xóm Gò Cao (hộ có diện tích tham gia mô hình lớn nhất với 7 sào ruộng) cho biết: Tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn đã giúp tôi giảm đáng kể mọi chi phí như lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... Ngoài ra, nhờ tích cực thăm đồng, chủ động phun thuốc phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá nên diện tích lúa nhà tôi phát triển khá đồng đều, năng suất ước đạt trên 2 tạ/sào. Nếu như mô hình này được nhân rộng sang các cánh đồng khác sẽ là điều kiện tốt hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nông dân chúng tôi nâng cao hiệu quả sản xuất.

 

Được biết, mô hình cánh đồng mẫu lớn được thực hiện tại xã Hóa Thượng trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9-2013 với 114 hộ tham gia. Ngay từ đầu vụ sản xuất, xã đã tập trung, tổ chức tuyên truyền vận động ký cam kết đến từng hộ dân thực hiện mô hình. Quyền lợi của người dân khi tham gia vào cánh đồng mẫu lớn là được hỗ trợ 100% giống lúa TH 3-3, 50% phân bón lót NPK, toàn bộ phân Kali, tập huấn đầy đủ các quy trình kỹ thuật về ngâm, ủ giống, kỹ thuật sử dụng phân bón, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Qua theo dõi của cán bộ khuyến nông trên cánh đồng mẫu lớn, nông dân đã thực hiện gieo cấy đúng khung lịch thời vụ và tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc lúa. Đến thời điểm được thu hoạch, nếu so sánh giống lúa TH 3-3 gieo cấy tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với các giống lúa đối chứng như: Khang dân 18, Syn 6… có thể nhận thấy, giống lúa TH 3-3 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn từ 5-10 ngày so với giống đối chứng, tuy thời gian đầu gặp thời tiết không thuận lợi nhưng số dảnh vẫn đạt khá, bông to, dài. Mức độ nhiễm sâu bệnh và khả năng chống chịu của các ruộng ô mẫu là nhẹ hơn các ruộng khác; khả năng chống đổ và chịu nóng của ruộng ô mẫu được đánh giá ở mức tốt, lúa không bị đổ như các ruộng đối chứng. Năng suất lúa của ô mẫu đạt trên 63 tạ/ha (cao hơn 7 tạ/ha so với các ô đối chứng). Hiệu quả kinh tế của cánh đồng mẫu lớn cho lãi thuần cao hơn cánh đồng khác trên 5 triệu đồng/ha.

 

Nói về điểm khác biệt của mô hình cánh đồng mẫu lớn so với sản xuất nhỏ lẻ, bà Bế Thị Minh Thu, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Đồng Hỷ cho biết: Cánh đồng mẫu xóa dần kiểu sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, không theo một quy trình kỹ thuật thống nhất. Việc gieo cấy một loại giống lúa trên một cánh đồng, trong cùng một thời điểm rất thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Quá trình theo dõi, kiểm tra đồng ruộng và tiến hành phun trừ trên những ruộng nhiễm sâu bệnh kịp thời, đồng loạt sẽ tăng hiệu quả sử dụng thuốc, tiết kiệm được khoảng 10% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, do toàn bộ cánh đồng được gieo cấy, chăm sóc cùng một giống, trong cùng một khoảng thời gian nên lúa chín đồng loạt và cho thu hoạch cùng thời điểm. Đây là yếu tố quan trọng để có thể đưa máy móc vào khâu thu hoạch nông sản, giải phóng sức lao động, giải phóng đất, thuận lợi cho sản xuất vụ đông. Riêng việc áp dụng cơ giới hoá trong khâu thu hoạch có thể giảm chi phí được khoảng 100.000 đồng/ sào so với thu hoạch thủ công.

 

Tuy mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Đồng Hỷ mới triển khai thực hiện được 1 vụ, nhưng qua kết quả bước đầu cho thấy cách làm này đang được nông dân đồng tình ủng hộ. Thời gian tới, để đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp và góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của người dân từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục nhân rộng thêm nhiều cánh đồng mẫu lớn với quy mô lớn hơn.