Bước chuyển ở một xóm nghèo

09:53, 01/11/2013

Đèo Khê vốn được biết đến là xóm nghèo và cũng gặp nhiều khó khăn nhất của xã nghèo Tân Kim (Phú Bình). Vậy nhưng, chỉ sau hơn 4 năm có điện lưới Quốc gia và 2 năm có đường giao thông, bộ mặt nông thôn ở đây đã có những đổi thay đáng mừng…

Một ngày tháng 10, tình cờ tôi gặp lại một người dân ở xóm Đèo Khê mà trước đó tôi từng có dịp đến nhà trong một chuyến công tác, được biết: Đèo Khê giờ đã thay đổi rất nhiều - sự thay đổi không dễ thấy ở một xóm nghèo nhiều năm. Thông tin ấy đã thôi thúc tôi trở lại Đèo Khê sau gần 5 năm đặt chân đến mảnh đất này lần đầu tiên. Quả nhiên là đã có rất nhiều thay đổi, bởi lần này, khi chúng tôi trò chuyện với Bí thư chi bộ xóm cũng như nhiều người dân thì họ đều không còn kêu khó, kêu khổ nữa, mà hiển hiện trên khuôn mặt mỗi người là niềm vui, sự mãn nguyện với những gì mà xóm đã được đầu tư: có điện, có đường - những thứ mà trước đó, tất cả bà con chỉ dám “mơ” dẫu rằng con đường cấp phối còn có những chỗ gồ ghề. Đồng chí Đinh Huy Cường, Bí thư Chi bộ xóm phấn khởi so sánh: Thay vì phải mất cả nửa giờ đồng hồ để ra trung tâm xã (vào những ngày tạnh ráo, còn ngày mưa thì phải mất thời gian nhiều hơn, thậm chí là không đi được), nay chúng tôi chỉ mất khoảng 10 phút đi xe máy để đi trên đoạn đường dài 5km này. Nhiều người dân không còn phải đứng đợi con em mình từ lúc đưa đi đến lúc tan học nữa. Với 148 hộ, 630 nhân khẩu (trong đó có 2/3 là người dân tộc Nùng), hiện cả xóm có trên 20 hộ chăn nuôi từ 1.000 con gà/lứa trở lên; khoảng 40 hộ nuôi từ 500-700 con gà/lứa trở lên, còn lại là các hộ chăn nuôi lợn, gà có quy mô nhỏ hơn. Cùng với đó, hầu hết các hộ dân còn nuôi thêm chim bồ câu; một số hộ mở xưởng mộc, mua máy xay sát thóc, hàn xì, sửa chữa xe đạp, xe máy, bán hàng… kết hợp với trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi và trồng rừng. Hiện, cả xóm có trên 100 hộ có rừng, với tổng diện tích trên 100ha. Cũng nhờ có điện, nhiều vật nuôi mới đã được một số hộ dân bắt đầu đưa vào chăn nuôi thử nghiệm hoặc tăng số lượng đàn nuôi, như dúi, chim trĩ, chim bồ câu. Những gia đình có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm giờ không đếm hết trên đầu ngón tay (điều mà trước đây cả xóm chỉ có 1-2 hộ đạt được).

 

Nhờ đó, 3 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của xóm đã giảm tới 50% (từ 60% hộ nghèo, cận nghèo, xuống còn dưới 30%). Cũng theo đồng chí Bí thư, nói là hộ nghèo nhưng các gia đình này đã tự đảm bảo được về lương thực, không còn khó khăn như trước. 100% các hộ đều có ti vi; 80% số hộ trong xóm có tủ lạnh, hầu hết có nồi cơm điện và nhiều đồ dùng sinh hoạt cần thiết khác. Cũng nhờ có điện, việc thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Thay vì phải đến từng nhà thông báo họp xóm hay thu các loại quỹ, triển khai kế hoạch sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, bí thư chi bộ hay trưởng xóm chỉ cần đọc trên loa là bà con đều nắm được. Bởi thế, 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm, xóm tổ chức họp dân được từ 5-6 lần, còn trước đây cả năm chưa chắc đã tổ chức được 1 lần. Các loại quỹ, phí nhờ đó cũng được thực hiện tốt hơn, không còn bị “thủng” kế hoạch. Có điện, bà con cũng dễ dàng hơn trong việc chủ động tưới tiêu, nhờ đó, năng suất cây trồng được nâng cao, từ 1,4 tạ lúa/sào đã tăng lên 1,8 tạ/sào. Tính đến cuối năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xóm đã đạt khoảng trên dưới 20 triệu đồng/người/năm (gấp 2 lần so với trước khi có điện (tháng 6-2009), xấp xỉ mức bình quân chung của huyện dự kiến cho năm 2013 này). Đáng mừng hơn, trẻ em trong độ tuổi tiểu học đã không còn bỏ học và đã bắt đầu có các em theo học đại học, cao đẳng - điều mà trước năm 2008, cả xóm không có một ai. Hiện cả xóm có 7 cháu đã và đang học đại học, 6 cháu đang học cao đẳng. Đồng chí Bí thư Chi bộ phân tích: Điện, đường quả là quan trọng. Khi chưa có điện, các cháu rất khó khăn trong việc học bài, dẫn đến lười học, học dốt, bỏ học sớm. Không có đường cứ hôm nào trời mưa to là lại phải nghỉ.

 

 

Để cảm nhận rõ hơn sự thay đổi của xóm, chúng tôi đi một vòng quanh xóm. Điều rất dễ nhận thấy là có hàng chục ngôi nhà mới xây còn chưa kịp quét vôi ve đã hiện diện nơi xóm nhỏ, trong đó có cả những ngôi nhà 2, 3 tầng được xây theo kiểu biệt thự; gần cụm trường mầm non của xóm có khá nhiều hàng quán bán các mặt hàng gồm: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thịt lợn, đậu phụ, bánh kẹo, hoa quả… Nhờ đó, đã tạo thành trung tâm xóm. Cùng với đó, nhiều gia đình cũng đã và đang xây dựng những khu chuồng trại phục vụ cho việc chăn nuôi. Dừng xe tại gia đình ông Đinh Tuấn Nghĩa, gia đình vừa làm xong 5 ô nuôi lợn và đang hoàn thiện phần còn lại của ngôi nhà ngay bên cạnh ngôi nhà ông đang ở, ông cho biết đó là nhà của con gái ông. Rồi ông đưa chúng tôi ra thăm quan khu chuồng trại chăn nuôi lợn và đàn gà với hàng nghìn con mà ông vừa úm được vài ngày tuổi. Ông Nghĩa bảo: Nếu không có điện, có đường thuận lợi, gia đình tôi cũng không dám và cũng không có điều kiện để nuôi nhiều lợn, nhiều gà đến thế.

 

Thêm một lần kiểm nghiệm nữa lời các đồng chí cán bộ xóm và một số người dân, chúng tôi rẽ vào quán bán hàng trong xóm hỏi mua một gói bánh trứng, giá bán chỉ như ở trung tâm xã, không đắt hơn dăm ba nghìn đồng như trước. Chị chủ hàng bảo, không chỉ có bánh, kẹo, mà giá mua - bán hàng nông sản, cũng như các mặt hàng để phục vụ cho chăn nuôi giờ cũng đã ngang bằng với xã, bởi thế, giá trị hàng hóa của người dân làm ra so với trước đã nâng cao hơn rất nhiều. Giờ thì con chỉ cần chuyên tâm đầu tư cho việc làm ăn. Chắc chắn một ngày không xa, Đèo Khê sẽ trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế không chỉ của xã, mà còn là của huyện Phú Bình.