Tháng 11-1963, Đảng bộ xã Phú Lạc (tiền thân là xã Vinh Quang) được thành lập với 57 đảng viên. Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ xã Phú Lạc hiện có 167 đảng viên, tham gia sinh hoạt tại 21 chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, những năm gần đây, xã Phú Lạc trở thành điểm sáng của huyện Đại Từ trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Cây chè được xác định là cây trồng mũi nhọn của xã Phú Lạc đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Thực hiện nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ xã về phát triển cây chè, khoảng 7 năm trở lại đây, người dân Phú Lạc đã tích cực đưa các giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, LDP1, TRI 777… vào trồng, thay thế cho chè giống cũ đã thoái hóa. Toàn xã hiện có gần 400ha chè, trong đó có hơn 120ha chè cành, năng suất chè đạt bình quân 97tạ/ha, sản lượng đạt trên 3.400 tấn búp tươi/năm.
Đến gia đình anh Lương Văn Xuân, xóm Đại Hà, một trong những hộ dân mạnh dạn đi đầu trong việc đưa chè cành vào trồng, được anh cho biết: Trước đây, gia đình tôi có hơn 1 mẫu đất chuyên trồng chè giống Trung du. Do cây chè Trung du sinh trưởng chậm, lâu được hái, lại hay bị nhiễm sâu bệnh, số lượng búp trên tán chè ít và không đều nên mỗi lần thu hái sản lượng chè đạt thấp. Trung bình một năm, gia đình tôi chỉ thu hái được 5-6 lứa chè, giá bán từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg nên hiệu quả kinh tế không cao. Gia đình tôi đã mạnh dạn thay thế 1/2 diện tích chè trung du bằng giống chè Kim Tuyên mới chất lượng cao, với cây chè giống mới này ngay từ những năm đầu đã cho thu hoạch... Nương chè hiện đang bước sang năm thứ 7, mỗi năm cho gia đình thu hơn 6 tạ búp tươi. Hiện, chè Kim Tuyên dùng để chế biến chè xanh cho chất lượng tốt, giá bán đạt 150 nghìn đồng/kg trở lên. So sánh về hiệu quả kinh tế thì chè Kim Tuyên cho năng suất, chất lượng cao, giá bán gấp 3-4 lần so với chè trung du.
Không riêng gì cây chè, việc đưa những giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như lúa lai, ngô lai, khoai tây, bí xanh siêu quả, bí đỏ vào gieo trồng trên đồng đất Phú Lạc không phải là hiếm. Khi mới đưa vào trồng các giống cây mới này, người dân được cán bộ khuyến nông của huyện, xã thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc và phòng chống sâu bệnh nên những diện tích trên cho hiệu quả kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, việc người nông dân đưa những cây trồng mới vào sản xuất ở đây còn e dè. Để giúp người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Đảng bộ xã chỉ đạo nông dân xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng cho thu nhập cao từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên tại một số xóm tiêu biểu như Liên Minh, Na Thức, Đồng Vẽn. Mô hình được xây dựng với cơ cấu mùa vụ 2 lúa - 1 màu (xuân muộn - mùa sớm - rau màu vụ đông). Theo tính toán, vụ xuân năng suất lúa đạt 59 tạ/ha, vụ mùa đạt 56 tạ/ha, với giá trên thị trường là 7 nghìn đồng/kg, người dân có thể thu nhập trên 40 triệu đồng/ha. Vào vụ đông, nếu cây khoai tây năng suất đạt trung bình trên 2 tấn/ha, với giá 5 nghìn đồng/kg như hiện nay, nông dân thu về gần 20 triệu đồng. Tổng cộng cả 3 vụ, thu nhập của người đạt trên 60 triệu đồng/ha/năm.
Đồng chí Lưu Tuấn Vinh, Bí thư Đảng bộ xã Phú Lạc cho biết: Việc thay đổi nhận thức, tư duy cách làm ăn mới đối với người nông dân nơi đây không phải là việc làm “một sớm, một chiều” mà đòi hỏi cả một quá trình. Vì vậy, để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương được thực hiện tốt, chúng tôi không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng đưa những cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng khảo nghiệm, đồng thời nêu cao tính gương mẫu, tiên phong đi đầu của cán bộ, đảng viên.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế, đặc biệt là về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Phú Lạc đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (47%) vào năm 2005, đến nay đã giảm còn 23,2%, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Cùng với sự phát triển kinh tế, Đảng bộ xã Phú Lạc cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng. 5 năm trở lại đây, xã được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư vốn để nâng cấp hồ Cây Nhừ trị giá trên 1 tỷ đồng; đập Pắc Phai 250 triệu đồng; đập Đồng Phố 250 triệu đồng; đập Đồng Đình - Tân Lập trị giá 127 triệu đồng; xây mới 2.100m kênh mương nội đồng... Đến nay, các công trình thuỷ lợi đáp ứng được 60% diện tích sản xuất nông nghiệp toàn xã.
Cùng với đó, tuyến đường nhựa liên xã từ Hà Thượng qua Phục Linh, Tân Linh đến Phú Lạc rồi lên Đức Lương đã được trải nhựa phẳng phiu; tuyến đường liên xã Bản Ngoại - Phú Lạc đang được thi công. Ngoài ra, các công trình điện, trường, trạm… được quan tâm đầu tư xây dựng đã tạo nên diện mạo mới cho mảnh đất nghèo, gồm: Dự án xây dựng Trường Tiểu học Phú Lạc từ nguồn vốn ODA tài trợ 2,7 tỷ đồng xây 10 phòng học cao tầng; công trình Trạm Y tế xã từ vốn Atlantic 1,8 tỷ đồng xây nhà 2 tầng với 13 phòng bệnh; xây mới 6 phòng học Trường Mầm non xã trị giá trên 2 tỷ đồng; GPMB xây trụ sở làm việc của xã với diện tích 4.500m2…
Trong thời gian tới, Đảng bộ xã Phú Lạc tập trung nguồn lực xây dựng xã trở thành xã nông thôn mới. Để làm được điều đó, Đảng bộ và chính quyền nơi đây tiếp tục chỉ đạo người dân sản xuất thâm canh chè sạch để đưa sản phẩm chè Phú Lạc có giá trị hàng hóa cao. Đồng thời, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa để xây dựng mô hình sản xuất tập trung; nhân rộng các mô hình cho hiệu quả kinh tế từ 70 đến 120 triệu đồng/ha/năm; phát triển các mô hình chăn nuôi trang trại để nhân ra diện rộng, mạnh dạn đưa các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường...