Lâu nay, trong suy nghĩ của nhiều người thì Võ Nhai là một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, khái niệm thu hút đầu tư ở địa phương này ít được nhắc đến. Thực ra, Võ Nhai cũng có không ít tiềm năng để phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và những tiềm năng này đang dần được “đánh thức”…
Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, Võ Nhai khó có thể so sánh với các địa phương khác về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu hút đầu tư. Nhưng ngược lại, Võ Nhai sở hữu những tiềm năng, lợi thế nhất định mà không phải địa phương nào cũng có. Đó là nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và có trữ lượng khá lớn, với nhiều chủng loại quan trọng như: chì, kẽm, vàng sa khoáng, sắt. Ngoài ra là tài nguyên đá vôi có trữ lượng lên tới khoảng 200 triệu tấn, cùng nhiều loại đất sét, đất hiếm. Điều này tạo cho Võ Nhai có lợi thế so sánh lớn để phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, huyện còn có tiềm năng lớn về đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp (hiện có khoảng 60.000ha đất có rừng) để phát triển mạnh ngành nghề chế biến, kinh doanh lâm sản. Nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến nông sản cũng khá phong phú như: ngô, mía, chè, thuốc lá, đậu tương…
Một tiềm năng, lợi thế rất đáng kể nữa của huyện là tài nguyên du lịch sinh thái và gắn với các địa danh lịch sử. Phong cảnh sơn thủy hữu tình với những dãy núi đá vôi hùng vĩ, thung lũng, nhiều sông, suối nhỏ, thác nước, hang đá… đã được thiên nhiên ban tặng. Trên địa bàn còn có khá nhiều di tích lịch sử văn hóa, như: Di chỉ khảo cổ học Mái Đá Ngườm (xã Thần Sa), rừng Khuôn Mánh lịch sử, hoặc những địa điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ở và làm việc. Đó là tiềm năng rất lớn để huyện thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, lịch sử, du lịch cộng đồng, qua đó tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Những tiềm năng, lợi thế này đã và đang được huyện khai thác, phát huy bằng nội lực cũng như quan tâm tạo điều kiện để thu hút đầu tư. Trên địa bàn huyện có Cụm công nghiệp Trúc Mai (thuộc địa phận xã Lâu Thượng) đi vào hoạt động từ năm 2006, đến nay đã thu hút được 5 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp (chủ yếu là chế biến khoáng sản, lâm sản), với tổng số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng, diện tích đất đã giao cho các nhà đầu tư là trên 12ha (hiện có 3 đơn vị thuê đất đã đầu tư sản xuất). Nói về lý do quyết định đầu tư vào Cụm công nghiệp Trúc Mai, ông Bùi Văn Khánh, Giám đốc Công ty CP sản xuất gang Hoa Trung cho biết: “Trước khi đầu tư vào đây, chúng tôi đã khảo sát 2 địa điểm khác trên địa bàn tỉnh. Cụm công nghiệp này có vị trí khá thuận lợi về giao thông (cạnh Quốc lộ 1B), tương đối gần nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất gang. Hơn nữa, tôi khá ngạc nhiên và hài lòng khi lãnh đạo huyện cũng như cơ quan chuyên môn tiến hành các thủ tục một cách rất nhanh chóng và có thái độ thân thiện với nhà đầu tư. Chúng tôi gần như không gặp khó khăn gì trong giải phóng mặt bằng và quá trình chuẩn bị đầu tư”.
Về khai thác khoáng sản, trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có khá nhiều nhà đầu tư được cấp phép, trong đó có những đơn vị đang triển khai hiệu quả các dự án, qua đó đóng góp tích cực cho ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần đẩy lùi tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, như: Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long, Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, Doanh nghiệp tư nhân Việt Cường và một số đơn vị khai thác đá, đất sét.
Cũng từ những tiềm năng sẵn có và sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền, cơ quan chức năng mà những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Võ Nhai luôn tăng trưởng khá (thường ở mức gần 20%/năm), năm 2012 đạt 581 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2011. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương tăng trưởng gần 30%/năm - năm 2012 đạt 43 tỷ đồng, tăng 32 tỷ đồng so với năm 2006, phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 90 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện hiện có 55 doanh nghiệp, hợp tác xã, trong khi năm 2006 chỉ có 2 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Có thể nói, những kết quả ở thời điểm hiện tại chưa phản ánh đúng tiềm năng, lợi thế của huyện Võ Nhai, nhất là trong thu hút đầu tư phát triển du lịch (hầu hết các thắng cảnh trên địa bàn vẫn ở dạng tiềm năng chưa được “đánh thức”, trong khi đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên của huyện). Ông Nông Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, ưu tiên phát triển các cụm, điểm công nghiệp nông thôn (mục tiêu đến năm 2015 có trên 50% trung tâm cụm xã có cụm, điểm công nghiệp); khuyến khích đầu tư khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản và du lịch sinh thái, đi kèm với phát triển hệ thống thương mại. Huyện cũng sẽ huy động, lồng ghép các nguồn vốn để đẩy mạnh hoạt động khuyến công, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp. Đồng thời cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, cam kết đảm bảo cho các nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng kế hoạch…