Tính đến hết tháng 9-2013, các doanh nghiệp trên địa bàn còn nợ trên 262 tỷ đồng tiền thuế, trong đó tiền thuế nợ khó thu gần 26 tỷ đồng (do chủ doanh nghiệp chết, mất tích; doanh nghiệp không còn hoạt động; giải thể; lâm vào tình trạng phá sản); tiền thuế nợ có khả năng thu trên 233,76 tỷ đồng; tiền thuế chờ cấp có thẩm quyền xử lý gần 2,4 tỷ đồng.
Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, từ 1-7-2013, người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định bị phạt 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày; phạt 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày. |
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Việc chậm nộp thuế của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn là do kinh tế còn nhiều khó khăn đã tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh nên một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động (tính đến hết tháng 8-2013 có 310 doanh nghiệp tạm dừng hoặc ngừng hoạt động, tăng 43% so với cùng kỳ). Nhiều doanh nghiệp hàng hoá tiêu thụ chậm, khó khăn về tài chính nên khó hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Ngoài ra còn có những khoản thu gặp vướng mắc như: Đối với thuế xây dựng ngoại tỉnh, chủ yếu tập trung ở tuyến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên. Thuế giá trị gia tăng chỉ thu ở các nhà thầu phụ, nhưng các nhà thầu chính lại không được giải ngân (hoặc hoàn thuế) khoản thuế này cho nhà thầu phụ để nộp thuế cho địa phương. Chính vì vậy, xu hướng nợ thuế có chiều hướng gia tăng (đầu năm 2013, tỷ lệ nợ thuế chiếm 5,3%; đến thời điểm này đã tăng lên khoảng 7,9% tổng thu ngân sách). Điều đáng nói là các doanh nghiệp nợ thuế đa số là những doanh nghiệp có số thu lớn. Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, đến ngày 31-10, có 53 doanh nghiệp đang nợ với số tiền thuế lớn, điển hình như: Doanh nghiệp Anh Thắng nợ trên 13 tỷ đồng; Công ty cổ phần Luyện cán Thép Gia Sàng trên 8 tỷ đồng; Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ trên 6 tỷ đồng; Công ty cổ phần Kết cấu thép Thái Nguyên trên 2,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Kim khí Quỳnh Minh nợ trên 2,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Hà Căn nợ trên 7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Thái Hà nợ trên 4,23 tỷ đồng; Doanh nghiệp tư nhân Tân Phát Vượng nợ trên 5,2 tỷ đồng…
Để thu được các khoản nợ thuế, ngành Thuế đã phân loại nợ để có biện pháp xử lý (nợ khó đòi; nợ có khả năng thu; nợ chờ xử lý). Đồng thời áp dụng các biện pháp để đôn đốc thu nợ: từ nhắc nhở, động viên, mời doanh nghiệp đến cơ quan thuế cùng cam kết, cưỡng chế thu thuế. Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan: Từ tháng 4 đến tháng 9-2013, cơ quan thuế đã ra quyết định cưỡng chế thu nợ 168 doanh nghiệp, với số tiền trên 35 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ thu được 1 tỷ 692 triệu đồng. Lý do không thu được chủ yếu vẫn là do doanh nghiệp khó khăn về tài chính; hoặc đã ngừng hoạt động. Bên cạnh đó còn do ý thức chấp hành Luật thuế của một số doanh nghiệp rất kém, có biểu hiện trây ỳ nộp thuế. Để thu nợ, cơ quan thuế đã triển khai nhiều biện pháp cưỡng chế: trích tiền từ tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu; đình chỉ sử dụng hoá đơn; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên... Song, biện pháp cưỡng chế qua tài khoản và đình chỉ sử dụng hoá đơn vẫn là chủ yếu, nhưng thủ tục xử lý cưỡng chế qua tài khoản lại rườm rà đã tạo kẻ hở để doanh nghiệp lợi dụng, dẫn đến không thu hồi được nợ. Theo quy trình cưỡng chế thu nợ thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản thì: hàng tháng, cơ quan thuế lập danh sách những người nợ thuế bị cưỡng chế; gửi thông báo đến người nộp thuế để nhắc nhở trước; sau đó thu thập, xác minh, kiểm tra thông tin: nơi mở tài khoản của người nộp thuế, tra cứu dữ liệu tại cơ quan thuế, yêu cầu người nợ thuế cung cấp thông tin; làm việc với ngân hàng. Cuối cùng cơ quan thuế lập tờ trình đề xuất biện pháp cưỡng chế thuế và thủ trưởng cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế thuế. Tuy nhiên, việc thông báo cho người nộp thuế trước 10 ngày bằng biện pháp trích qua tài khoản đã “giúp” doanh nghiệp có thời gian chuyển tiền trong tài khoản để làm việc khác nên khi quyết định cưỡng chế thu hồi nợ đến nơi thì tiền trong tài khoản đã không còn…
Để hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2013, hiện nay, Cục Thuế đã và đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp có số thu lớn, nợ đọng ngân sách nhiều đến Văn phòng Cục để đối chiếu số liệu và chốt số nợ. Đồng thời, hai bên cùng trao đổi, tìm giải pháp thu hồi nợ. Trong đó, yêu cầu các đơn vị phải cam kết trả nợ hàng tháng. Đi đôi là tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp trây ỳ, có khoản nợ thuế trên 90 ngày. Giao cho các bộ phận kiểm tra từ Văn phòng Cục Thuế đến các Chi cục thuế đôn đốc các khoản nợ phát sinh hàng tháng; không để phát sinh nợ mới. Phối hợp với ngân hàng, Kho bạc, Tài chính trong thực hiện cưỡng chế thu nợ tiền thuế; phối hợp với doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư thu qua bên thứ 3. Về phía Cục Thuế, giao chỉ tiêu thu nợ để tính vào thi đua khen thưởng của từng phòng, từng chi cục thuế. Với những giải pháp trên, Cục Thuế phấn đấu đến ngày 31-12, tỷ lệ nợ thuế không quá 5% trên tổng thu ngân sách.