Hiện nay, trên địa bàn T.X Sông Công có 41 trang trại và trên 120 gia trại chăn nuôi gà. Để góp phần đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng thịt gia cầm chất lượng cao và an toàn, vừa qua, Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai mô hình dự án chăn nuôi gà thịt an toàn theo quy trình VietGAHP tại T.X Sông Công và cho kết quả tốt.
Để được công nhận đủ tiêu chuẩn VietGAHP, trang trại chăn nuôi cần đạt 13 tiêu chí của quy trình bao gồm: địa điểm xây dựng trang trại; thiết kế chuồng trại, kho và thiết bị chăn nuôi; quản lý con giống; quản lý thức ăn, nước uống và nước vệ sinh; quản lý đàn gia cầm; quản lý dịch bệnh; bảo quản và sử dụng thuốc thú y; quản lý chất thải và bảo vệ môi trường; kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác; quản lý nhân sự; ghi chép lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; kiểm tra đánh giá nội bộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại. |
Sau khi tiến hành khảo sát 50 hộ dân chăn nuôi gà trên địa bàn thị xã, Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp đã quyết định chọn trang trại gà của gia đình chị Nguyễn Thị Hương Lan, ở xóm La Chưỡng, xã Tân Quang, để triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn theo quy trình VietGAHP. Ở Thái Nguyên, đây cũng là gia đình đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình này. Kết quả kiểm tra sau 18 tháng ở trang trại của chị Lan cho thấy, hầu hết các quy trình kỹ thuật VietGAHP đều đảm bảo các tiêu chí đề ra, đặc biệt chất lượng thịt gà qua phân tích đảm bảo chất lượng theo quy định như: Thịt gà không bị tồn dư kháng sinh độc hại, nấm mốc độc hại cũng như các chất hóc môn sinh trưởng. Ngoài ra, qua khảo sát còn cho kết quả, chăn nuôi gia cầm theo mô hình này còn đảm bảo ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sự an toàn chất lượng sản phẩm gia cầm cũng như môi trường, sức khỏe con người. Trang trại của gia đình chị Lan đã trở thành cơ sở chăn nuôi gia cầm đầu tiên của Thái Nguyên đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận VietGAHP.
Trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Hương Lan được xây dựng từ năm 2009, có tổng diện tích 864m2, được thiết kế thành 24 ô, một sàn nuôi, xây tường cấp 4, kiểu chuồng kín với quy mô 7.000 con gà/lứa. Lúc đầu gia đình chị chăn nuôi gia công cho Công ty JAPFA, một năm sau, chị tách ra chăn nuôi tự do, đến năm 2011, trang trại của gia đình chị được chọn đủ điều kiện làm điểm chăn nuôi theo mô hình VietGAHP. Sau khi chăn nuôi theo quy trình này, chị đã thấy được nhiều ưu điểm, chị cho biết: Lúc chưa áp dụng quy trình này do không ghi chép, theo dõi sát sao nên không nhớ và kiểm soát được quá trình chăm sóc và dịch bệnh để chủ động điều chỉnh phòng ngừa nhưng sau khi áp dụng quy trình này, nhờ có sự theo dõi thường xuyên và ghi chép đầy đủ trên sổ sách nên rất tiện cho việc quản lý thú y và chăm sóc. Đến nay, trung bình mỗi lứa từ 45-48 ngày, gia đình chị Lan xuất bán được gần 20 tấn gà sạch, tạo việc làm cho 4 lao động với thu nhập bình quân hơn 2,5 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ nuôi sống ở đàn gà đạt tới 96%, cao hơn các hộ chăn nuôi không thực hiện VietGAHP 2%, gà xuất bán có trọng lượng trung bình 3kg/con, mỗi lứa gia đình chị thu lãi gần 95 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí.
Theo chị Lan, trong số 13 tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận VietGAHP thì tiêu chí về quản lý con giống và môi trường chăn nuôi là 2 tiêu chí quan trọng. Hiện tại, toàn bộ đàn gà của trang trại đều là giống gà được chị nhập từ Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Đây là một trong những giống gà có mã đẹp, lông vàng, chân to, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Trước khi đưa vào chuồng nuôi, gà giống được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và xét nghiệm máu trước khi nhập chuồng. Ngoài ra, gà còn được bổ sung các loại vitamin C, gluco vào thức ăn, theo định kỳ từ 1-2 tháng/lần để tăng cường sức đề kháng, khả năng sinh trưởng, đảm bảo đúng quy trình và hàm lượng cho phép theo tiêu chuẩn. Để đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn, việc xây dựng và thiết kế chuồng trại phải đảm bảo nghiêm ngặt theo đúng quy trình. Chuồng nuôi được lắp đặt giàn mát, hệ thống quạt hút gió ở đầu và cuối mỗi ô chuồng, nhiệt độ trong chuồng phải luôn giữ ở mức từ 23 đến 25 độ C. Công tác tiêu độc, khử trùng bên ngoài chuồng trại luôn được thực hiện định kỳ từ 3-4 ngày/lần. Phân gà được thu dọn thường xuyên, đóng bao và xử lý trước khi đem ra ngoài trang trại. Theo chị Lan, thực hành chăn nuôi gà theo quy trình VietGAHP không những đảm bảo chăn nuôi an toàn bền vững mà còn giúp cho người tiêu dùng an tâm hơn với sản phẩm gà sạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Hoàng Thanh Thủ, cán bộ Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp cho biết: Chăn nuôi theo quy trình VietGAHP thực chất là một quy trình cụ thể để hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện theo đúng trình tự các bước của quy trình, làm sao đảm bảo giám sát chặt chẽ được các yếu tố đầu vào, các yếu tố đầu ra và liên quan đến quá trình chăn nuôi với mục đích tạo ra được sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh, đảm bảo sản phẩm không còn tồn dư các chất kháng sinh, các hất độc hại, hóc môn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, người chăn nuôi và bảo vệ môi trường.
Ở Thái Nguyên, quy trình VietGAHP đã được áp dụng thành công trên nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi cho kết quả tốt, song đây là lần đầu tiên thí điểm trên đàn gia cầm, sau sự thành công này, trong thời gian tới mô hình sẽ tiếp tục được tuyên truyền nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên.
Rõ ràng, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP đã và đang chứng minh đạt hiệu quả cao cả về năng suất và chất lượng, thực sự là một hướng đi mới có triển vọng cần được nhân rộng. Tuy nhiên, khó khăn của các hộ chăn nuôi thực hiện theo quy trình VietGAHP là thủ tục ghi chép quy trình chăn nuôi nhằm phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn rườm rà. Bên cạnh đó, không phải hộ chăn nuôi nào cũng có điều kiện để đầu tư chăn nuôi theo quy trình VietGAHP do thiếu vốn, thiếu quỹ đất và khó khăn về đầu ra cho sản phẩm… Để mô hình tiếp tục được nhân rộng, các cấp, các ngành chức năng cần tạo điều kiện hơn nữa cho các trang trại, nhất là về nguồn thức ăn chăn nuôi, tạo dựng thương hiệu gà sạch theo tiêu chuẩn VietGAHP, có chính sách hỗ trợ giá để thịt gia cầm sạch được đưa đến tay người tiêu dùng với giá thành hợp lý, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên thị trường về chất lượng sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGAHP qua đó tạo thế đứng vững chắc cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAHP.