Định Hóa là huyện miền núi, có tổng số 24 xã, thị trấn (đa số là xã vùng khó khăn). Đời sống của người dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp nên thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo của huyện cao hơn so với bình quân chung của tỉnh. Tính đến cuối năm 2012, số hộ nghèo toàn huyện chiếm tỷ lệ 24,81%, hộ cận nghèo chiếm 28,31% (tổng số hộ toàn huyện là 24.942 hộ).
Nhằm thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện, trong nhiều năm qua, Phòng Giao dịch (PGD) Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Định Hóa đã có nhiều cố gắng phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến người dân đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện nay, Ngân hàng đã và đang triển khai 9 chương trình cho vay, với doanh số 406.843 triệu đồng, 41.188 lượt hộ vay vốn (tính từ năm 2003 đến năm 2012).
Từ đầu năm đến hết tháng 9-2013, PGD thực hiện giải ngân được 63.734 triệu đồng, với 2.920 lượt khách hàng vay vốn. Số khách hàng còn dư nợ là 16.399 hộ, trong đó hộ nghèo là 6.426 hộ. Để đảm bảo đồng vốn vay có hiệu quả, Ngân hàng thường xuyên phối hợp tích cực với các tổ chức đoàn thể và thành lập 447 tổ tiết kiệm vay vốn quản lý đồng vốn, tư vấn trồng cây gì, nuôi con gì có hiệu quả. Đi đôi là bám sát các chương trình kinh tế, các đề án gia trại và tập trung trọng điểm nguồn vốn cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, nguồn vốn ưu đãi được triển khai đúng đối tượng, đúng mục đích. Qua triển khai cho vay đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Các mô hình này thu hút được nhiều lao động vào làm việc, đặc biệt là hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định.
Trong đó phải kể đến mô hình của anh Ma Tử Hảo ở xóm Sơn Vinh 2, xã Sơn Phú. Trước đây, gia đình anh vô cùng khó khăn do không có đất canh tác; nhà bị chập điện, tài sản, vật dụng trong gia đình cháy hết, hai vợ chồng trở nên tay trắng. Anh được Ngân hàng cho vay 15 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để mua 1 con bò, 4 cặp dê sinh sản. Sau 2 năm, gia đình anh đã trả được cả gốc và lãi. Anh lại được Nhà nước hỗ trợ tiền để xây dựng nhà theo Quyết định 167. Năm 2012, gia đình anh tiếp tục vay 20 triệu đồng phát triển nuôi bò và dê. Hiện nay, gia đình đang nuôi 4 bò mẹ sinh sản, 24 con dê, trong đó có 10 con dê sinh sản. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh có lãi từ 35 đến 40 triệu đồng. Không những thế, anh còn hỗ trợ dê giống cho những hộ nghèo trong thôn mua chịu và trả nợ sau khi dê mẹ đẻ. Anh bảo: Cuối năm nay, gia đình tôi sẽ xin ra khỏi hộ nghèo để dành sự giúp đỡ của Nhà nước cho hộ nghèo khác còn khó khăn hơn, cùng vươn lên thoát nghèo.
Điểm mới năm nay là, bên cạnh việc cho vay 9 chương trình, Ngân hàng còn tích cực triển khai cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ ngày 23-2-2013 về tín dụng với hộ cận nghèo. Cho đến thời điểm này, Ngân hàng đã giải ngân cho vay 10 tỷ đồng, với 421 hộ cận nghèo được vay vốn. Đây là một trong hai PGD của tỉnh cho vay với số tiền lớn (cùng với PGD NHCSXH huyện Đại Từ).
Anh Ma Đình Lương, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Định Hóa cho biết: Hiện nay, huyện có trên 7 nghìn hộ cận nghèo, như vậy, nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay cần đến 50 tỷ đồng, song, năm 2013, huyện mới được phân bổ 10 tỷ đồng. Với số tiền ít ỏi, Ngân hàng tham mưu cho Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện lựa chọn những xã có nhiều hộ cận nghèo để cho vay. Mức vay đảm bảo bình quân bình quân 20 triệu đồng/hộ bà con mới có điều kiện mua một con trâu, hoặc bò giống; hoặc đảm bảo đầu tư cho chăn nuôi (chuồng trại, mua giống, thức ăn). Vì hộ cận nghèo đã nghèo rồi mà đầu tư quá ít cũng “đầu voi đuôi chuột”. Hiện tại, có 3 xã hộ cận nghèo chưa được vay vốn. Vì vậy, Ngân hàng đang tiếp tục đề nghị được phân bổ thêm nguồn vốn 10 tỷ đồng nữa để triển khai đến 100% xã và có thêm nhiều hộ cận nghèo được vay vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh để có cơ hội thoát nghèo bền vững.
Mặc dù công việc cuối năm rất bận rộn, nhưng anh Ma Đình Lương vẫn cùng chúng tôi đi thăm một số mô hình cho vay hộ cận nghèo. Đến gia đình anh Ma Văn Nội (vợ là Hứa Thị Hòa), ở xóm Làng Hà, xã Trung Hội, nhìn, nghe gia cảnh của anh, tôi mới hiểu chủ trương cho vay hộ cận nghèo là hoàn toàn đúng đắn. Anh cho biết: Gia đình anh chỉ có 1 sào ruộng và 3 sào chè. Trong khi đó, nhà có 4 người, 2 con còn nhỏ nên vợ anh thường xuyên phải ở nhà chăm sóc con và nuôi thêm con lợn, con gà, hái chè, cấy lúa. Còn anh phải đi làm thợ xây bên ngoài, nhưng công việc cũng không ổn định. Năm 2007, gia đình anh được xét vào diện hộ nghèo nên năm 2010, được Nhà nước hỗ trợ tiền để xây dựng nhà theo Quyết định 167 và được công nhận thoát nghèo cùng năm đó. Tuy nhiên, tính tổng thu nhập của cả nhà cũng chỉ khoảng trên 2 triệu đồng/tháng, nên cuộc sống vẫn không ổn định vì vừa lo ăn, mặc, các chi phí khác còn lo trả nợ tiền nhà. Năm 2013, nhờ có nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo, gia đình anh đã được vay 20 triệu đồng để mua một con trâu cái. Anh rất vui nói với chúng tôi: chỉ 2 năm nữa thôi là con trâu này sẽ sinh sản, thì gia đình sẽ có lãi từ những con nghé, vì một con nghé đang tuổi vực cày cũng bán được 20 triệu đồng. Đây là món tiền lớn để gia đình tôi có thể trang trải cho những việc lớn như trả nợ cho ngân hàng hay lại đầu tư chăn nuôi lớn hơn để tăng thêm thu nhập.