Hoạt động của các cơ sở sơ chế gỗ: Nhìn từ hai góc độ

10:14, 26/11/2013

Khoảng hai năm trở lại đây, trên địa bàn xã Tân Thành (Phú Bình) đã có tới 4 cơ sở sơ chế dăm gỗ xuất khẩu. Điều này đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm rừng trồng. Tuy nhiên, các cơ sở này cũng đã và đang làm ảnh hưởng nhất định đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương…

Đồng chí Đinh Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết:Tân Thành có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế đồi rừng của huyện Phú Bình. Toàn xã có 1.821ha đất lâm nghiệp thì 100% diện tích đã được phủ kín bằng rừng sản xuất, với những loại cây chủ yếu là keo lai và bạch đàn cao sản. Nếu như trước đây, trung bình mỗi năm, toàn xã chỉ trồng được trên dưới 100ha rừng, thì năm 2012, đã trồng được 215ha (trong khi chỉ tiêu huyện giao là 100ha), vượt 115% kế hoạch. Năm 2013, xã trồng được 171/150ha chỉ tiêu được giao. Cũng trong năm 2012 và 2013, số tiền thuế mà xã thu được từ việc người dân bán cây rừng đạt khoảng 40 triệu đồng (thuế 4%), cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2011 trở về trước. Trong tổng số 1.337 hộ dân, Tân Thành hiện có tới gần 1.100 hộ có rừng, nằm ở tất cả các xóm, trong đó, tập trung nhiều nhất là ở Na Bì, Cầu Muối, Tân Yên. Với nhiều hộ, rừng không chỉ được coi là “của để dành” mà đã trở thành nguồn thu nhập chính, giúp họ có điều kiện thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Không ít hộ có diện tích rừng lên tới hàng chục héc ta, như hộ các ông, bà: Trần Thị Lại, Trần Văn Quốc, xóm Na Bì; Nguyễn Văn Thâu, xóm Đồng Bầu Trong; Phạm Văn Thành, xóm Hòa Lâm… Hiện, nhu cầu chuyển nhượng đất rừng trong dân là rất lớn, nhưng số người bán hầu như không có.

 

Ông Hoàng Văn Hưng, xóm Na Bì nói: Nhà tôi có khoảng 8ha rừng. Trước đây, tôi phải đem gỗ về tận tỉnh Bắc Giang hoặc Bắc Ninh để bán, với chi phí khoảng 1,5 triệu đồng/20m3. Bây giờ thì khác, không những chúng tôi có thể bán ngay tại xã, với chi phí chỉ còn bằng 1/3 so với trước, mà những cây còi cọc hoặc những cành cây có đường kính từ 5-8cm trước đây chỉ bán được với giá bán củi, thì nay có thể bán theo cân, với giá 760 đồng/kg (cao gấp 1,5-2 lần so với giá bán củi). Đặc biệt, với những diện tích rừng trồng chưa đến tuổi khai thác nhưng không may gặp lũ, bão thì vẫn có thể bán được với giá cao cho các cơ sở sơ chế ván dăm, giúp giảm thiệt hại đáng kể cho người dân… Bởi thế, thu nhập từ nghề trồng rừng của người dân trên địa bàn xã hiện cao hơn trước từ 10-15% (đạt trung bình trên dưới 60 triệu đồng/ha đối với diện tích rừng trồng từ 6-7 năm).

 

Trong số bốn cơ sở sơ chế gỗ, Tân Thành có ba cơ sở chuyên băm và một cơ sở chuyên bóc. Trung bình mỗi cơ sở thu mua được từ 50-60 tấn gỗ/ngày, giải quyết việc làm cho từ 10-15 lao động, chủ yếu là lao động địa phương. Các cơ sở đều giao khoán sản phẩm cho người lao động, tính trung bình mỗi ngày, mỗi người cũng đạt thu nhập trên dưới 200 nghìn đồng. Đến cơ sở sơ chế gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Hưng Phát BG (có trụ sở ở tỉnh Bắc Giang) – cơ sở sơ chế gỗ lớn nhất xã Tân Thành, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, của hàng chục lao động. Anh Phạm Văn Tiếp, phụ trách cơ sở cho biết: Chi nhánh bắt đầu hoạt động từ tháng 3-2012, trung bình mỗi ngày sơ chế được khoảng 100 tấn gỗ, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động. Nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của cơ sở không chỉ ở xã Tân Thành mà còn thu mua được từ các xã lân cận trên địa bàn huyện và một số xã giáp ranh của huyện Đồng Hỷ. Sản phẩm của chúng tôi được xuất bán cho một công ty ở tỉnh Quảng Ninh, sau đó sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài để làm giấy và gỗ ván ép. Với số tiền đầu tư 4 tỷ đồng để mua giàn máy băm và bóc vỏ, công suất chạy máy của chúng tôi hiện là 350-400 tấn gỗ/ngày. Nhưng sản lượng thu mua được của cơ sở mới chỉ đạt khoảng 30% so với nhu cầu.

 

Hiệu quả mà các cơ sở sơ chế gỗ mang lại đối với người dân trên thực tế là khá rõ ràng và không thể phủ nhận, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, cũng theo đồng chí Đinh Văn Phượng, thì các cơ sở này cũng đã và đang làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, vì tất cả các cơ sở này đều nằm trong khu dân cư. Chỉ có khu vực bóc gỗ là không gây tiếng ồn, còn 3 cơ sở kia đều phát ra những âm thanh khá lớn khi chạy máy, có địa điểm nhiều hôm còn làm việc quá sớm và quá khuya, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, trong đó có việc học tập của con em họ. Xe vận chuyển gỗ to, cồng kềnh và nặng làm cản trở việc tham gia giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. Cùng với đó là tình trạng khói bụi khá nhiều thải ra từ các cơ sở khi tiến hành đốt vỏ mùn dư thừa trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, cũng chính từ việc tiêu thụ cây rừng dễ dàng và được giá nên nhiều hộ dân đã chủ động khai thác rừng sớm (có khi chỉ sau 4-5 năm trồng, thay vì 7-10 năm như trước kia) điều này đã và đang khiến khả năng dự trữ rừng và tài nguyên rừng trên địa bàn thấp, ảnh hưởng đến việc trữ nước ngầm.

 

Trước thực trạng này, trong thời gian tới, xã Tân Thành cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân trong việc trồng và khai thác rừng một cách hợp lý, hiệu quả; giám sát việc thực hiện cam kết của các cơ sở trong để chạy máy theo khung giờ quy định. Yêu cầu các cơ sở sớm có biện pháp giải quyết số vỏ mùn để không tiến hành đốt thủ công như hiện nay (được biết, cơ sở sơ chế gỗ băm của Chi nhánh Công ty TNHH Hưng Phát BG đã ký được hợp đồng với một nhà máy giấy để tiêu thụ lượng vỏ mùn này)…