Là hoạt động nằm trong chương trình Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, năm 2013, Hội thảo về sản phẩm trà và phát triển ngành Chè được tổ chức lần này giống như điểm nhấn quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ của chè Thái Nguyên mà là chè của cả nước. Hội thảo là tiếng nói của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất và các tổ chức, cá nhân đã và đang hoạt động trong lĩnh vực chè. Mỗi ý kiến tham luận là một định hướng, một đề xuất sát thực góp phần làm nên giá trị bền vững cho cây chè Việt.
Chủ đề của Hội thảo lần này là: Sản phẩm trà và xúc tiến đầu tư phát triển ngành Chè, xúc tiến đầu tư và du lịch tại Festival Trà. Tại đây, đại diện các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã trồng, chế biến, xuất khẩu chè trong tỉnh và các tỉnh có thế mạnh về cây chè; các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển sản phẩm trà; đại biểu một số nước là thành viên của Hiệp hội Chè thế giới; đại biểu một số cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh, Hiệp hội Chè Việt Nam, Bộ Công Thương, Hội Nông dân tỉnh, Hiệp hội Chè của tỉnh, đại diện các tỉnh trong khu vực… sẽ cùng tham gia thảo luận về sản phẩm trà Thái Nguyên, trà Việt Nam.
Nội dung của Hội thảo là giới thiệu tiềm năng kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu, khảo sát và xúc tiến đầu tư, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, các đại biểu sẽ đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm trà; tổ chức ký kết hợp tác đầu tư trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trà và các loại hình đầu tư khác.
Ông Đôn Văn Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Công Thương) cho biết: Là một trong những hoạt động chính của Festival, Hội thảo mang ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển quy mô sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè; mô hình gắn kết giữa phát triển ngành Chè với phát triển du lịch; thu hút các nhà đầu tư, xúc tiến các hoạt động mở rộng thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành Chè tỉnh ta và cả nước.
Tại Hội thảo sẽ có 24 bài phát biểu tham luận của các đại biểu, trong đó có 9 bài tham luận được trình bày trực tiếp trên diễn đàn. Bài viết đề dẫn do lãnh đạo Sở Công Thương trình bày tại Hội thảo nêu bật những nét khái quát về thực trạng phát triển của ngành Chè Thái Nguyên và cả nước, đồng thời chỉ rõ những vấn đề đang đặt ra đối với hoạt động sản xuất, tiêu thụ chè trong giai đoạn hiện nay.
Đề dẫn khẳng định: Với giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 70 triệu đồng/ha, cây chè đang là cây “xóa đói, giảm nghèo”, giúp vươn lên làm giàu cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Năm 2012, toàn tỉnh đã xuất khẩu được trên 7.000 tấn chè búp khô, thu được trên 10 triệu USD, chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức của ngành Chè hiện nay rất lớn. Một số sản phẩm chè của chúng ta còn chưa thật sự đảm bảo chất lượng, tính ổn định trong từng loại sản phẩm chưa cao; năng suất chè của chúng ta còn ở mức trung bình; sản phẩm chè còn nghèo nàn về chủng loại; đầu tư cho công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm chưa thỏa đáng…
Bài tham luận của đại diện Cục Chế biến - Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đề xuất: Cần phải tái cơ cấu ngành Chè theo hướng sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó tập trung chuyển nhanh sang sản xuất hàng hóa lớn, phát triển trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến và đổi mới cơ chế, chính sách tạo nguồn phát triển. Đại diện Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thì phân tích, chỉ ra những điểm mạnh cũng như hạn chế thông qua một số mô hình chế biến chè của tỉnh. Còn đại diện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lại khai thác khía cạnh chế biến, kinh doanh chè theo hướng hộ gia đình quy mô nhỏ của người nông dân, qua đó khẳng định: Cần phải đánh giá đúng mức vai trò to lớn của các cơ sở chế biến chè quy mô nhỏ tại các hộ gia đình. Người Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều làm chè theo quy mô nhỏ nhưng lại đạt giá trị rất lớn.
Một số tham luận khác cũng chỉ ra rằng cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm trà thông qua việc phát triển Nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên, hay cần có giải pháp mở rộng tiêu thụ sản phẩm trà trên nhiều thị trường khác nhau, trong đó có cả những thị trường khó tính. Có ý kiến cho rằng muốn phát triển bền vững ngành Chè Thái Nguyên thì cần đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa sản xuất và tiêu thụ...
Tại Hội thảo lần này, điều đáng quan tâm là dù một số tham luận không trình bày trực tiếp trên diễn đàn, nhưng cũng là những bài viết tâm huyết, giàu tính thực tiễn, là những tiếng nói từ cơ sở, cụ thể như: Tình hình phát triển cây chè ở Đại Từ; tiềm năng, vị thế cây chè trong phát triển kinh tế - xã hội của T.P Thái Nguyên, hay những đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao vai trò của cây chè đối với phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Hà Giang; băn khoăn với cây mũi nhọn của tỉnh Phú Thọ…
Ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên: Để ngành Chè phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự chung tay, thống nhất giữa cơ quan quản lý, các nhà khoa học, người trồng chè và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Sự thống nhất phải xuyên suốt từ khâu định hướng, hoạch định cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Để phát triển ngành Chè cần quan tâm xây dựng thương hiệu trên cơ sở đầu tư trong tất cả các khâu trồng, chăm sóc và chế biến. Hơn nữa, phải chú trọng đến hoạt động khuyến công, khoa học công nghệ, quy hoạch vùng trồng chè để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trà; cần loại bỏ hẳn tình trạng các công ty thu mua trà theo thời vụ và làm ăn không có uy tín; không nên quá chú trọng xuất khẩu chè mà bỏ trống thị trường nội địa…
T.S Dương Trung Dũng, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên: Thời điểm hiện nay, rất cần có nhiều giải pháp phát triển cho ngành Chè. Cụ thể như xác định các tiểu vùng lợi thế để đầu tư mô hình; thay thế dần diện tích trồng chè cũ bằng chè giống mới; gắn các cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu; đầu tư phát triển sản xuất chè theo hướng nông trại, hàng hóa tập trung; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi nông thôn và các cơ sở chế biến chè…
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên: Các doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã sản xuất chè cần liên kết chặt chẽ để phát triển theo chuỗi giá trị ngành Chè. Sự liên kết đó cần có một cơ chế rõ ràng để phân định vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của mỗi bên, đồng thời có chính sách khuyến khích và hỗ trợ liên kết.
Ông Nguyễn Chương, đại diện Sở Công Thương Tuyên Quang: Cây chè đang được xem là cây trồng chính của tỉnh Tuyên Quang. Tỉnh đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành Chè tiếp cận vốn để đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong cơ cấu giống, thu hái, chế biến chè. Hiện nay, diện tích chè của tỉnh Tuyên Quang đang là 8.149ha, sản lượng đạt trên 11.000 tấn/năm. |