Khi nhận thức của người dân thay đổi

09:05, 26/11/2013

Xóm Hang Neo, xã Yên Lạc là một trong hai địa phương của huyện Phú Lương được công nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Để tạo thuận lợi cho người dân có thêm điều kiện duy trì và mở rộng mô hình, xóm đã được Dự án Qseap lựa chọn đầu tư xây dựng các công trình như: nhà sơ chế, máy hút chân không, giếng khoan, đường bê tông....

Ngày 22-10 vừa qua, 25ha chè của 42 hộ dân trong xóm đã được công nhận thực hiện thành công mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP sau 1 năm thực hiện. Đây cũng là một trong 5 địa phương của tỉnh được Dự án Qseap lựa chọn đầu tư một số hạng mục kể trên với tổng kinh phí lên tới gần 5 tỷ đồng. Ông Hoàng Văn Bừng, Trưởng nhóm 1, Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn phấn khởi nói: “Cách đây gần 1 năm, khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa quy trình sản xuất chè an toàn về với người dân, chúng tôi thấy khá phức tạp, cầu kỳ khi thực hiện. Nhưng sau khi được tập huấn về các quy trình sản xuất, thấy được lợi ích của việc làm chè an toàn, chúng tôi đã hoàn toàn đồng tình. Lúc đầu có 44 hộ (trong tổng số 78 hộ dân trong xóm) đăng ký tham gia thực hiện mô hình nhưng sau có 2 hộ đi làm ăn xa nên không tham gia nữa. Đến nay, 42 hộ còn lại đều đã được công nhận làm chè an toàn….”.

 

Ngay khi mô hình được triển khai, xóm Hang Neo đã bầu ra Ban Quản lý Tổ hợp tác, đồng thời, để nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người dân trong quá trình thực hiện, các hộ trong Tổ còn bầu thêm chức danh kiểm soát viên. Nhiệm vụ của kiểm soát viên là thường xuyên kiểm tra quy trình thực hiện của các hộ trong Tổ sản xuất. Anh Nghiêm Văn Ngọc, kiểm soát viên Tổ hợp tác cho biết: Thông thường, khoảng 1 tháng, chúng tôi tiến hành kiểm tra 2 đến 3 lần quy trình sản xuất chè của các hộ như: Có rào chắn nương chè, có cho các loại gia súc, gia cầm ra vào hay không, có ghi chép nhật ký nông hộ… và ngược lại, các xã viên cũng có thể kiểm tra quy trình thực hiện của kiểm soát viên, tổ trưởng hay tổ phó. Do đó, từ khi tham gia mô hình đến nay, chưa có một trường hợp nào vi phạm các chuẩn đã quy định trong quy trình sản xuất chè an toàn…”.

 

Ông Trần Như Sơn, cán bộ Ban quản lý Đề án Phát triển chè (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Người dân xóm Hang Neo rất nhiệt tình tham gia sản xuất chè theo chuẩn VietGap bởi từ trước, sản phẩm chè của người dân vẫn được làm theo kiểu truyền thống, chất lượng chè chưa được nâng cao trong khi đó, đời sống của người dân phụ thuộc chính vào cây chè nên khi triển khai mô hình sản xuất chè theo quy trình VietGAP, họ đều phấn khởi và nhiệt tình tham gia. Minh chứng rõ nhất là trong gần 1 năm thực hiện, chúng tôi tiến hành lấy mẫu chè 2 lần để kiểm tra thì 100%, sản phẩm chè đều đạt tiêu chuẩn. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian rất ngắn, 42 hộ dân trong xóm đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP. Đây cũng là một trong những lý do Dự án Qseap đã lựa chọn Hang Neo để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình, phục vụ người dân làm chè an toàn.

 

Hiện nay, các công trình đang xây dựng, dự kiến, khoảng 2 tháng nữa sẽ được đưa vào sử dụng. Đây sẽ là cơ hội để người dân xóm Hang Neo nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây chè, góp phần nâng cao thu nhập, đồng thời sẽ quảng bá được rộng rãi hơn nữa sản phẩm trà của xóm ra thị trường...”. Ông Hoàng Quốc Trung, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn khẳng định: Đến thời điểm này, có thể nói, 42 hộ dân trong xóm đã thuần thục với cách trồng, chăm sóc, chế biến chè theo quy trình VietGAP. Trong quy trình thực hiện, ghi chép nhật ký nông hộ được coi là một trong những khó khăn nhưng đến nay, công việc đó đã trở thành thói quen của người dân.

 

 

Nói về hiệu quả kinh tế mà mô hình đem lại, anh Lê Đình Lưu nhà có gần 17.000m2 chè (hộ có diện tích chè lớn nhất trong 42 hộ trong xóm sản xuất theo quy trình ViepGAP) nói: Từ khi diện tích chè của gia đình tôi được công nhận sản xuất chè an toàn, giá cả cũng đã tăng lên. Vào thời điểm này, với giống chè trung du, gia đình tôi bán với giá 95.000 đồng/kg (tăng khoảng từ 10.000- 15.000 đồng/kg so với trước), với giống chè cành, tôi bán với giá 170.000- 200.000 đồng/kg (tăng từ 50.000- 70.000 đồng/kg).

 

Anh Nguyễn Ngọc Tuân, một thành viên của Tổ hợp tác cho biết: “Chè sản xuất theo quy trình VietGap cho năng suất cao hơn so với cách làm chè truyền thống. Trong khoảng 5.000 m2 chè đạt chuẩn VietGAP (giống chè trung du), nay gia đình tôi thu được 2,7 tạ chè búp khô mỗi lứa, trong khi đó, trước kia, gia đình tôi chỉ thu được khoảng 2,2 tạ/lứa. Đây là thành công bước đầu khi chúng tôi tham gia mô hình. Chúng tôi hy vọng cùng với việc được đầu tư về trang thiết bị của Dự án Oseap trong thời gian không xa, sản phẩm chè an toàn của xóm Hang Neo sẽ ngày càng được nhiều người biết đến…”.