Luyện gang ở thời điểm khó khăn: “Khéo làm vẫn no”

08:54, 21/11/2013

Trong khi nhiều doanh nghiệp, cơ sở luyện gang trên địa bàn tỉnh thời gian qua phải trăn trở để giải bài toán thua lỗ triền miên do tác động xấu từ nền kinh tế, thì đáng ngạc nhiên là vẫn có một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này làm ăn có lãi, duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định và bảo đảm đời sống cho người lao động. Nhà máy Luyện gang Nam Son (Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên) có trụ sở tại xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) là một trong những trường hợp như thế.

Mấy năm gần đây, ngành Công nghiệp Luyện kim nói chung, trong đó có luyện gang trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí đầu vào liên tục tăng trong khi sản phẩm bán ra thị trường rớt giá khiến các nhà sản xuất điêu đứng. Không ít cơ sở luyện gang cho rằng, nếu cứ vận hành lò luyện thì thua lỗ là không tránh khỏi, nhưng nếu dừng sản xuất thì còn thua lỗ lớn hơn, bởi nguyên, nhiên liệu đắp đống, người lao động phải nghỉ, vốn nợ đọng nhiều… Vậy tại sao Nhà máy Luyện gang Nam Son, cơ sở mới đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2013 đến nay lại làm được điều ngược lại? Phải chăng, đơn vị này có cách làm đặc biệt nào đó hoặc chưa phải chịu nhiều tác động từ những khó khăn của nền kinh tế? Chia sẻ về vấn đề này, người đứng đầu Nhà máy, ông Chu Phương Đông cho biết: Thị trường khó khăn chung, cái cốt là cách giải quyết khó khăn đó như thế nào. “Khéo làm thì no, khéo co thì ấm”, câu nói đó rất phù hợp với hoàn cảnh của ngành luyện kim hiện nay.

 

Thực tế cho thấy, Nhà máy Luyện gang Nam Son cũng chịu những tác động xấu từ nền kinh tế giống bất kỳ cơ sở luyện kim nào, nhưng điều đáng nói là cách duy trì sản xuất, kinh doanh của họ lại khác. Đặc thù của ngành luyện kim là lợi nhuận không nhiều, trong khi vốn đầu tư rất lớn, nên nếu hoạt động không ổn định sẽ dễ dẫn tới phá sản. Bởi thế, có ít nhất 3 vấn đề cốt lõi được Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên đặt ra khi đưa Nhà máy luyện gang vào hoạt động, đó là: Chuẩn bị nguồn lực đầy đủ, quản lý chặt chẽ và điều hành chắc chắn.

 

Trước tiên là việc chuẩn bị nguồn lực, khi chính thức đưa dây chuyền luyện gang vào vận hành, Công ty đã dự trữ đủ lượng nguyên, vật liệu, tài chính, cơ sở hạ tầng và làm chủ được công nghệ vận hành Nhà máy. Đơn vị được cấp một số điểm mỏ quặng sắt và đã xây dựng các cơ sở sàng tuyển hiện đại để luôn chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Ngoài hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng Nhà máy, Công ty cũng đã sắp xếp một lượng vốn lưu động tối thiểu 30 tỷ đồng/tháng để đáp ứng yêu cầu vận hành liên tục của Nhà máy. Là dây chuyền sản xuất của Trung Quốc, nên sau khi chuyển giao, toàn bộ 150 cán bộ, công nhân của Nhà máy đã làm chủ được công nghệ, vận hành thành thạo. Bởi vậy, Nhà máy Luyện gang Nam Son không còn phải trả những khoản lương “khủng” cho các chuyên gia nước ngoài như một số đơn vị luyện kim khác.

 

Dù đã chuẩn bị tốt nguồn lực nhưng vẫn là chưa đủ nếu công tác quản lý không khoa học và thiếu chặt chẽ. Đối với Nhà máy Luyện gang Nam Son, công tác quản lý được áp dụng chặt chẽ ngay từ những bộ phận nhỏ nhất, công đoạn đơn giản nhất. Ngay từ việc nhập kho, xuất kho, bố trí lao động, vận hành máy móc thiết bị sao cho tiết kiệm nhất nhưng vẫn đạt hiệu quả cao nhất. Anh Hứa Quốc Toản, Trưởng ca trực tại bộ phận Lò cao của Nhà máy cho biết, ngoài tiết kiệm nguyên liệu, thời gian, bảo đảm không để dừng lò (tránh tốn kém khi phải khởi động lại), chúng tôi còn đề xuất với Nhà máy tiến hành thu hồi xỉ và khí bụi lò cao để tuyển, thu hồi lại tiếp tục làm ra sản phẩm.

 

Ông Chu Phương Đông, Giám đốc Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên cũng đưa ra ví dụ rất thực tế là: Ngay như chuyện dùng máy xúc lật hay máy xúc đào cho từng phần việc khác nhau thôi cũng cần phải có cách quản lý sao cho chặt chẽ, phù hợp. Nếu không quản lý tốt thì nhiều khi công nhân lại thực hành quy trình ngược, tức là sử dụng máy xúc đào để đưa nguyên liệu vào lò luyện và dùng máy xúc lật để chuyển nguyên liệu từ mỏ lên xe vận tải. Khi đó, thời gian, công sức cũng như lượng tiêu hao nhiên liệu cho một đơn vị sản phẩm sẽ tốn kém hơn rất nhiểu so với sử dụng đúng phương tiện.

 

 

Đã ổn về nguồn lực, chặt chẽ trong quản lý thì cần phải có phương pháp điều hành cẩn trọng, chắc chắn và nhịp nhàng. Khi thị trường gặp khó khăn, phải biết cân đối giữa sản xuất và đầu ra sản phẩm, lựa chọn những sản phẩm có thị trường để tập trung sản xuất, tránh để tồn kho, dẫn tới thiếu hụt nguồn thu. Có lợi thế là vận hành lò cao, sử dụng nguồn than cốc là chủ yếu nên khi giá điện sản xuất tăng, giá than giảm thì mức độ ảnh hưởng của Nhà máy là không đáng kể, nếu không muốn nói là có lợi so với những cơ sở sử dụng điện để nấu luyện là chính. Thay vì nhập khẩu than cốc giá cao, thời gian qua, Nhà máy đã tìm và kết nối được với Công ty CP Năng lượng Hòa Phát để tiếp nhận nguồn than cốc giá hợp lý đưa vào sản xuất. Bởi vậy, dù đầu ra của ngành luyện gang thấp, nhưng đơn vị vẫn thu lãi từ 500 đến 700 nghìn đồng/tấn gang luyện thép và trên 1 triệu đồng/tấn gang đúc.

 

Thời gian qua, Công ty cũng đã chỉ đạo các bộ phận mở rộng khai thác thị trường. Khi thị trường gang đúc có đầu ra thì Nhà máy tập trung ra lò những sản phẩm phục vụ cơ khí chế tạo, ngược lại khi ngành thép có thị trường thì ưu tiên sản xuất gang luyện thép. Từ khi ra mẻ gang đầu tiên đến nay, Nhà máy đã sản xuất được trên 30 nghìn tấn gang các loại và hiện chỉ còn tồn kho khoảng 2 nghìn tấn. Sản phẩm gang đúc của Nhà máy tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh: Hải Phòng, Nam Định (phục vụ các làng nghề), còn gang luyện thép bán cho một số đơn vị: Doanh nghiệp Trung Thành, Công ty CP Hòa Phát, Công ty Thép Miền Nam…

 

Theo lãnh đạo Công ty, nếu không làm tốt 3 điểm cốt lõi trên thì thời gian qua Nhà máy đã không thể trụ vững được như hiện tại. Tính đến hết tháng 10-2013, Nhà máy đạt doanh thu 230 tỷ đồng, phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt con số 300 tỷ đồng. Thời điểm hiện nay, khi thị trường có chiều hướng ấm dần lên thì Công ty đang đặt mục tiêu đẩy công suất vận hành Nhà máy lên 80%- 90% so với thiết kế, thay vì 60% - 70% ở những tháng trước.