Năm 1959, theo tiếng gọi của Đảng, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và nam, nữ thanh niên từ khắp mọi miền Tổ quốc đã tụ hội về Thái Nguyên xây dựng Khu công nghiệp Gang thép đầu tiên của nước nhà. Sau hơn 3 năm kể từ ngày khởi công, với tinh thần lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, gian khổ, đến ngày 29-11-1963, vào lúc 8 giờ 30 phút, mẻ gang đầu tiên của Lò cao số 1 đã ra lò, đánh dấu một thời khắc đã đi vào lịch sử của Khu Gang thép Thái Nguyên. Và ngày 29-11 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của đội ngũ công nhân Gang thép Thái Nguyên.
Từ những nỗ lực và sự phấn đấu liên tục trong 50 năm qua, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và nhiều tổ chức đoàn thể, cá nhân trong Công ty đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đúng vào dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống công nhân Gang thép (29-11), Công ty vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. |
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (tiền thân là Khu Gang thép Thái Nguyên) được Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ra Quyết định thành lập ngày 4-6-1959, là một trong những công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá II (tháng 1-1958), nhằm xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Ngày 2-9-1960, công trường chính thức làm lễ khởi công đổ bê tông móng lót Lò cao số 1, mở đầu xây dựng các hạng mục công trình của Khu Gang thép. Ngày 21-6-1962, Bộ Công nghiệp nặng ra Quyết định số 361-BCN-Ng/KH2 thành lập Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập (giai đoạn từ năm 1959-1963), mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là vinh dự được đón Bác Hồ ba lần về thăm. Lần thứ ba cũng là lần cuối cùng Người về thăm Khu Gang thép vào ngày 1-1-1964, Bác đã dạy đội ngũ cán bộ, công nhân Khu Gang thép: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang; nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như thế”. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp các thế hệ công nhân, cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên Công ty Gang thép Thái Nguyên luôn khắc sâu và làm theo lời dạy của Người, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ trong quá trình xây dựng, phát triển Công ty và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.
Giai đoạn từ năm 1964-1974 là giai đoạn vừa sản xuất vừa chiến đấu. Do đúng vào thời điểm các công trình trọng điểm được triển khai thi công dồn dập, nhiều công trình ở giai đoạn sắp hoàn thành thì ngày 5-8-1964, giặc Mỹ bất ngờ tấn công, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Để chủ động đối phó với tình hình, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, thực hiện quyết định của Trung ương Đảng và Chính phủ, Công ty đã tạm ngừng xây dựng một số công trình trọng điểm, sơ tán thiết bị và xây dựng cơ sở chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, đồng thời động viên 13.000 cán bộ, công nhân lên đường nhận nhiệm vụ tại các ngành, các vùng, miền ở tuyến lửa. Chính trong giai đoạn này đã xuất hiện những câu khẩu hiệu hành động nổi tiếng như: “Khi Tổ quốc cần, sẵn sàng đổi máu lấy thép”, “Lao động quên mình vì sự nghiệp Gang thép của Tổ quốc”… Với tinh thần “bám máy, bám lò, coi vị trí sản xuất là vị trí chiến đấu”, đội ngũ cán bộ, công nhân Công ty Gang thép Thái Nguyên đã dũng cảm chiến đấu ngoan cường đánh trả máy bay của giặc Mỹ, bám trụ sản xuất dưới mưa bom bão đạn để dòng gang, dòng thép vẫn rực rỡ ra lò…
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, Công ty cũng bước sang một giai đoạn mới. Trong giai đoạn này (1975-1985), Khu Gang thép lại hừng hực khí thế tiến công, bắt tay vào khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại, khôi phục và phát triển sản xuất. Bằng trí tuệ và bản lĩnh kiên cường, lao động đầy sáng tạo của các cán bộ, công nhân viên (CNV), các sản phẩm thép của Công ty đã tỏa đi khắp mọi miền của Tổ quốc và có mặt trong các công trình trọng điểm của đất nước, như: Thuỷ điện Hoà Bình; thủy điện Yali; đường dây tải điện 500KV Bắc Nam; cầu Thăng Long; cầu Chương Dương... Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 1986-2005, thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã từng bước và nhanh chóng tiếp cận, vận dụng sáng tạo cơ chế quản lý mới; tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại, phát huy nội lực, đổi mới phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD), đa dạng hoá sản xuất và các loại sản phẩm, cải tiến quản lý, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Công ty đã triển khai thực hiện thành công Dự án đầu tư cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn I với tổng vốn đầu tư 695 tỷ đồng, nhằm khai thác tài nguyên trong nước; sử dụng 50-60% gang lỏng vào luyện thép, nâng cao năng lực sản xuất phôi của Nhà máy Luyện thép Lưu Xá lên trên 24 vạn tấn/năm; xây dựng Nhà máy Cán thép Thái Nguyên và đầu tư chiều sâu để nâng công suất ở một số đơn vị.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, từ ngày 1-7-2009, Công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với vốn điều lệ 1.840 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 65%. Sau hơn 4 năm SXKD theo mô hình quản lý mới, Công ty đã thích ứng nhanh với cơ chế quản lý của Công ty cổ phần; năng động, chủ động và quyết liệt trong điều hành sản xuất, tăng cường công tác quản trị Công ty, xây dựng các quy chế, quy định, chủ động bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao... Chính vì vậy, kết quả SXKD hàng năm của Công ty đều giữ được ổn định và có hiệu quả. Đặc biệt, trong năm 2010, Công ty đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.249 tỷ đồng, tăng 0,45% so với năm 2009; thép cán sản xuất đạt 592.861 tấn, tăng 3,8% so với 2009; tổng doanh thu đạt 8.362 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 302 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm năm 2009; lãi 281 tỷ đồng; bảo đảm việc làm cho trên 6.000 lao động với mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng...
Bước sang năm 2013, xuất hiện nhiều khó khăn do thị trường thép diễn biến phức tạp, sản phẩm thép tiêu thụ chậm và có sự cạnh tranh gay gắt... Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác dự đoán, dự báo và phân tích đúng tình hình, Công ty đã chỉ đạo quyết liệt trong việc tăng cường công tác quản lý trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung quản lý chặt chẽ nguyên vật liệu đầu vào; thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm, cắt giảm các chi phí, giảm các chỉ tiêu tiêu hao, cải thiện nhiều chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong sản xuất. Vì vậy, mặc dù trong bối cảnh chung ngành Thép gặp rất nhiều khó khăn nhưng Công ty vẫn duy trì SXKD ổn định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II, ngoài việc tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty còn tích cực phối hợp với Tổng thầu MCC để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cuối năm 2014 Dự án đi vào sản xuất…
Phát huy truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, CNV qua 50 năm xây dựng và phát triển, với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2013, chuẩn bị thật tốt về mọi mặt, sẵn sàng bước vào thực hiện kế hoạch năm 2014 và sớm đưa Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II vào sản xuất… Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã đề ra một số giải pháp, trong đó tập trung tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp; chủ động bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ; tiếp tục đầu tư chiều sâu về thiết bị công nghệ; giữ vững uy tín thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của thép TISCO trên thị trường. Qua đó góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Một số hình ảnh về Công ty:
Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty phấn đấu sẽ được hoàn thành, đưa vào hoạt động tháng 12-2014
Đoàn đại biểu T.P Salo (Phần Lan) thăm Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tháng 8-2012.
Dây chuyền cán thép của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên giữ cổ phần chi phối.