Nhọc nhằn nghề hái măng rừng

14:24, 16/11/2013

Khoảng đầu tháng 9 đến đầu tháng 10 âm lịch hàng năm là thời điểm nông nhàn, bởi thế bà con dân tộc các thôn bản ở Định Hóa lại tranh thủ đi rừng hái măng đem ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.

Theo lời chỉ dẫn của người giới thiệu, chúng tôi tìm đến thôn Đồng Vinh 1, xã Điềm Mặc (Định Hoá) để tìm hiểu về công việc này. Đây là một trong số 28 thôn bản khó khăn của xã. Cả thôn có 57 hộ dân, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 37%. Người dân ở đây chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp theo hình thức tự cung tự cấp. Sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 440kg/ người/ năm, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn nên bà con không thể trông chờ vào hạt thóc, hạt ngô… mà phải tìm đến việc hái măng rừng.

 

Theo chân một nhóm người ở thôn Đồng Vinh 1 đi hái măng, chúng tôi men theo con đường đầy đất đỏ nhầy nhụa sau một trận mưa, tiến vào cánh rừng cách thôn chừng 13km vượt qua Núi Hồng, giáp với địa phận xã Hùng Lợi của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Đi qua nhiều khe nước với những hòn đá bám đầy rêu trơn trượt, sau hơn hai tiếng rưỡi chúng tôi cũng đến được cánh rừng nơi bà con đang hái măng.   
 

Măng là một loại sản vật của núi rừng có thể chế biến thành rất nhiều món ăn trong gia đình. Theo kinh nghiệm của các mẹ, các chị thì măng thường mọc nhiều nhất vào mùa mưa, từ tháng 1 đến khoảng tháng 2 âm lịch là mùa măng đắng, tháng 5 đến tháng 6 là mùa rộ măng nứa và tiếp đến tháng 9 đến tháng 10 âm lịch bà con xã Điềm Mặc đi hái măng giang. 

 

Bắt đầu từ rất sớm, khi mặt trời chưa mọc, sương còn đọng ướt trên các tán lá cây là lúc các bà, các mẹ, các chị đi vào rừng hái măng. Có lẽ do đặc thù của công việc và địa hình nên bà con ở đây đi vào rừng ăn mặc rất kín, họ thường trùm khăn kín đầu, chân đi 1 đôi ủng cao su, đeo bên hông là 1 con dao cùng 1 đôi sọt hoặc bao để đựng măng. Mỗi loại măng đều có một cách thu hái riêng, nếu như măng đắng đầu mùa người hái phải dùng chân để dò măng dưới lớp thảm mục của rừng và đào xuống rất sâu mới lấy được thì măng giang lại được lấy từ những cây cao quá đầu người.

 

Mới nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng để lấy được măng giang phải cần có sức khoẻ và cả sự khéo léo. Người hái phải bẻ sao cho phần măng non gẫy ra khỏi cây rơi xuống đất. Tiếp đến là công việc bóc vỏ, măng giang là loại măng rất ngứa, vỏ dầy đòi hỏi người bóc phải có nhiều kinh nghiệm. Đến khi măng được xếp đầy vào hai bên sọt thì cũng là 2h chiều, vạt áo, khăn mũ, quần áo của họ ướt sũng mồ hôi và lấm lem đất, khuôn mặt đỏ bừng vì nóng… Từng gánh măng nặng trĩu trên vai khiến chiếc đòn gánh bị võng xuống được bà con quẩy xuống dốc về phía chân rừng rồi nhanh chóng đem về nhà để kịp giờ mang ra chợ chiều.

 

Đằng sau gánh măng tươi ngon được bày bán thành một dãy dài là những  khuôn mặt mệt mỏi của một ngày lao động vất vả. Hơn năm tiếng đồng hồ ròng rã trên rừng, bà con cặm cụi kiếm tìm mới được chục cân măng. Quả thật, lấy được gánh măng đã khó nhưng đến khi đi bán còn khó hơn, họ bị lái buôn ép giá, người mua hàng mặc cả nên chỉ bán được 7.000đồng /kg, trong khi giá măng giang cùng thời điểm này ở chợ trung tâm T.P Thái Nguyên lên tới 15.000đồng/kg. Giá măng rẻ nhưng người dân vẫn phải bán bởi nếu không bán hết thì ngày hôm sau măng sẽ bị thâm lại không bán được nữa. Trung bình một ngày bà con thu nhập được từ khoản bán măng là 80.000 đến 100.000 đồng. 

 

Chị Phạm Thị Nga, 46 tuổi, người có hơn 20 năm kiếm sống bằng công việc hái măng rừng trong thôn Đồng Vinh 1 chia sẻ: “Đi tìm măng vất lắm! 5h sáng bắt đầu đi vào rừng, gói cơm, mang nước đi theo, nhiều hôm bị trượt chân ngã không may va phải cây bị chảy máu, bị đau chân nhưng vẫn phải cố đi tiếp để chiều có măng ra chợ bán lấy tiền đong gạo, mua sách vở và tiền đóng học cho con, ngày lấy được nhiều thì bán được khoảng 80.000 đồng”. Em Lưu văn Đức, 16 tuổi (hiện là học sinh lớp 10), cư trú ở thôn Đồng Vinh 1 cho hay: “Đi tìm măng mệt lắm, về là phải tắm ngay vì rất ngứa. Nhiều đêm em chỉ biết nằm gãi, chẳng thể nào ngủ được". Chỉ những vết sẹo, vết trầy xước trên tay, chân của mình Đức nói vui đó là "kỷ niệm" của những lần đi rừng. Em tự hào bảo rằng, mệt thì có mệt nhưng cũng nhờ măng mà Đức tự mua được sách vở đi học.

 

Xã Điềm Mặc có tổng diện tích rừng tự nhiên là 1653,56 ha. Nhờ có lợi thế tốt về rừng tự nhiên nên bà con ở đây có thể tìm kiếm những sản vật từ rừng đặc biệt là măng, song qua nhiều năm nay, do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt  nên một số loại cây bụi như cây nứa đang có nguy cơ bị suy giảm mạnh. Theo chị Phạm Thị Hằng, cư trú tại thôn Đồng Vinh 1 cho biết : “ Ngày trước đi tìm măng cũng vất vả, nhưng còn dễ kiếm, giờ nhiều người đi lấy và rừng cũng lụi đi nhiều nên phải đi rừng xa mới có măng”.

 

Hái măng là chấp nhận sống chung với muỗi, vắt, rắn, rết, ong và nhiều rủi ro khác…Vẫn biết kiếm được đồng tiền từ công việc này là rất vất vả, nhưng thu nhập từ những gánh măng đã phần nào đỡ đần người dân trong những lúc khó khăn để đợi chờ một mùa thu hoạch mới. Ra về, nhưng hình ảnh những bước chân liêu xiêu cùng với gánh măng rừng nặng trĩu trên vai người dân Điềm Mặc khiến tôi day dứt liệu họ còn có thể cố gắng được bao lâu nữa để bám trụ với công việc nhọc nhằn này? Hơn thế nữa, hái măng rừng còn là hành vi vi phạm Luật Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

 

Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng này, đồng thời ổn định và từng bước nâng cao đời sống của người dân nơi đây, thiết nghĩ chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể địa phương cần có những giải pháp hiệu quả và dài hơi. Đặc biệt là lưu tâm vấn đề: Làm thế nào để người dân sống được từ rừng, đất rừng nhờ quản lý tốt và phát triển được sản xuất trên chính những mảnh rừng này.