Những năm qua, phong trào Thanh niên lập thân, lập nghiệp được tuổi trẻ huyện Đại Từ tích cực hưởng ứng. Nhiều đoàn viên, thanh niên bằng ý chí, khát vọng đã đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện. Anh Trần Văn Tuân, xóm Cua 2, thị trấn Quân Chu là một trong những tấm gương như thế.
Trong cái lạnh se se của một buổi chiều đầu mùa Đông, chúng tôi đến thăm gia đình anh để tìm hiểu về cách làm giàu từ trang trại chăn nuôi của gia đình. Đến nơi, mặc dù công việc đang rất bận, nhưng anh vẫn dành cho chúng tôi một khoảng thời gian để trò chuyện. Anh tâm sự: Tôi sinh năm 1992, trong một gia đình làm nông nghiệp. Những năm tháng tuổi thơ, tôi đã chứng kiến cuộc sống nghèo khó, vất vả của gia đình và những người dân quê mình quẩn quanh với nghề trồng lúa, trồng chè, chưa biết cách làm thêm nghề phụ để tăng thu nhập. Nhiều thanh niên địa phương lớn lên hầu hết đều rời xa quê hương, đi tìm việc làm nơi đất khách để nuôi sống bản thân. Cũng giống như các thanh niên khác, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi thi đỗ vào Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên với mơ ước sau này về công tác tại các cơ quan Nhà nước. Song, với niềm đam mê làm kinh tế, mong muốn góp một phần sức lực của mình vào sự phát triển của mảnh đất Quân Chu - tôi quyết định ở lại địa phương để tham gia phát triển kinh tế.
Ban đầu được sự giúp đỡ, định hướng của bố mẹ, Tuân đã vay mượn thêm vốn liếng từ anh em, bạn bè đầu tư mua 50 con lợn siêu nạc về nuôi. Không biết là do may mắn hay là “mát tay” với nghề mới này mà trong quá trình chăn nuôi, Tuân gặp nhiều thuận lợi. Xuất bán lứa lợn đầu tiên, Tuân đã có lãi và tiếp tục dồn vốn tăng quy mô đàn lên 100 con. Cứ như vậy đàn lợn của Tuân tăng dần qua các lứa. Tuy nhiên, Tuân nhận thấy, kiểu làm ăn như mình vẫn manh mún, nhỏ lẻ và để thực hiện ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, đồng thời, mong muốn tạo công ăn việc làm cho thanh niên chưa có việc làm ở địa phương, Tuân quyết định “làm ăn lớn” bằng cách xây dựng trang trại chăn nuôi.
Tháng 5 năm 2012, Tuân bắt đầu xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ trang trại chăn nuôi có diện tích 1ha, đầu tư mua con giống về nuôi, quy mô 1.100 con lợn siêu nạc/lứa với tổng số vốn ban đầu là 3 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, Tuân cho biết thêm: “Khi mới bắt đầu mở trang trại, tôi gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, dịch bệnh thường xuyên xẩy ra, thời tiết bất thường, nhưng khó khăn nhất đó là nguồn vốn để đầu tư xây dựng và mua con giống. Trong khi đó nguồn vốn lớn nhất mà tôi có được khi ấy là ý chí quyết tâm làm giàu”. Khó khăn là vậy, song với vốn kiến thức tự học hỏi, tích lũy được từ các lần đi thăm quan các mô hình trai trại ở trong và ngoài tỉnh cùng với ý chí vươn lên làm giàu của tuổi trẻ, đến nay quy mô trang trại của Tuân đã phát triển, mỗi lứa xuất bán 2 nghìn con, đảm bảo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 25 lao động mùa vụ với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó để tận dụng nguồn thải trong quá trình chăn nuôi lợn, Tuân cho thả cá chim trắng và cá rô Phi đơn tính, sau 1 năm xuất bán trừ chi phí cũng thu lãi 100 triệu đồng.
Ngoài ra, với 6ha còn lại của trang trại, Tuân mạnh dạn trồng cây sấu siêu quả, dùng nước thải của chăn nuôi để chăm bón, một mặt tiết kiệm được chi phí, mặt khác sẽ xử lý không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình chăn nuôi. Như vậy, mô hình trang trại tổng hợp của Tuân hàng năm đã đạt tổng doanh thu trên 6 tỷ đồng, cho thu lãi trên 70 triệu đồng/tháng. Dự kiến trong thời gian tới, Tuân sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, đưa các giống vào sản xuất, mở rộng khuôn viên trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào một số khâu trong chăn nuôi, xây dựng thêm 1-2 dẫy chuồng nuôi lợn thịt siêu nạc với quy mô 1000con/lứa/dãy để tăng quy mô trang trại lên 3000-4000 con/lứa.
Để mô hình trang trại của tôi phát triển và được nhân rộng hơn, đồng thời thu hút được nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, Tuân mong muốn tổ chức Đoàn các cấp tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng quan tâm đến công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới cho các trang trại trẻ, đồng thời tạo điều kiện về nguồn vốn ưu đãi để các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn thực sự phát triển bền vững và ngày càng mở rộng...