Trong khi nhiều lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đang chịu cảnh ảm đạm chung thì điều đáng mừng là hoạt động sản xuất bột barit xuất khẩu tại Công ty TNHH Doanh Trí (xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ) lại có chiều hướng sáng sủa. Lúc khó khăn nhất, đơn vị này vẫn có được những đơn hàng xuất khẩu đều đặn với giá chào bán cao và ổn định.
Nói “đầu tư nhỏ” là bởi với một dây chuyền sản xuất công nghiệp có quy mô khép kín từ sàng tuyển quặng thô đến chế biến và cho ra sản phẩm tinh xuất khẩu, nhưng Công ty TNHH Doanh Trí chỉ đầu tư với mức khiêm tốn (hơn 6 tỷ đồng), trong đó riêng thiết bị máy móc đã chiếm tới tên 4,3 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất bột barit của Công ty mới được đầu tư xây dựng và chính thức đi vào vận hành từ tháng 8-2012 với công suất thiết kế là 20 nghìn tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm chính của Nhà máy là bột barit tiêu chuẩn API cung cấp cho ngành Dầu khí, sản phẩm phụ là bột barit tỷ trọng cao cung cấp cho ngành sơn và ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Dây chuyền của Nhà máy gồm: máy sàng tuyển, máy nghiền hàm, lò sấy quay, máy nghiền mịn (con lắc cao áp), hệ thống đóng bao bì. Trong đó, chỉ có hệ thống máy nghiền là nhập từ Trung Quốc, còn lại đều được gia công trong nước nên đã hạn chế rất nhiều chi phí đầu tư. Ông Nguyễn Mạnh Cương, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Việc đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất bột barit chủ yếu do nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng, trong đó có 230 triệu đồng thụ hưởng từ kinh phí khuyến công địa phương năm 2013.
Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, Công ty TNHH Doanh Trí là đơn vị đầu tiên và duy nhất khai thác và sản xuất bột barit xuất khẩu. Công ty hiện được tỉnh cho phép khai thác tận thu quặng tại Mỏ barit xã Lục Ba (Đại Từ) với công suất khai thác khoảng 7.200 tấn/năm và đang hợp tác với Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang để khai thác Mỏ barit Lăng Cao, thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang với công suất khoảng 10.000 tấn/năm.
Công ty cũng đã tạo dựng được mối quan hệ bạn hàng khá tốt với những doanh nghiệp xuất khẩu uy tín trong nước là: Công ty Hóa chất và Khoáng sản VMC - Hà Nội và Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí DMC. Đây là hai bạn hàng truyền thống đứng ra tiêu thụ cơ bản các sản phẩm bột barit cho Công ty. Thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu này, bột barit của Công ty đã có mặt ở rất nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như: Mỹ, Nga, Mailaisia, Indonesia…
Do sử dụng quặng barit có hàm lượng cao (trên 93%), nên tỉ lệ khối lượng nguyên liệu đầu vào so với sản phẩm đầu ra của Nhà máy không chênh nhau là bao. Nếu các loại khoáng sản khác phải mất từ 2 đến 3 tấn nguyên liệu mới cho ra được 1 tấn sản phẩm thì tại Nhà máy chế biến bột barit chỉ cần 1,1 tấn nguyên liệu đầu vào là có thể cho ra 1 tấn sản phẩm. Là dây chuyền tự động hóa nên lượng công nhân trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất tại Nhà máy cũng chỉ cần 35 người, sản xuất 2 ca. Bởi vậy mà mức lương trung bình của người lao động trong Nhà máy đạt khá cao, trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian qua, thị trường mặc dù khó khăn, nhưng với sản phẩm luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, nên Công ty vẫn có những đơn hàng đều đặn, từ 800 tấn đến 2.000 tấn/đơn hàng. Không chỉ có 2 bạn hàng xuất khẩu truyền thống mà hiện nay, một số đơn vị xuất khẩu khác trong nước cũng đã tìm đến đặt quan hệ bạn hàng với Công ty. Điều đáng nói là trong khi các sản phẩm khoáng sản, luyện kim khác đang rớt giá trầm trọng thì bột barit của Công ty xuất đi vẫn giữ ở mức giá 2,3 triệu đồng/tấn. Trao đổi với chúng tôi, ông Ma Quang Thái, Giám đốc Công ty cho biết: Với mức giá trên, đơn vị sẽ thu về lợi nhuận khoảng 25%, sau khi trừ lãi ngân hàng, trả lương công nhân và những chi phí khác, doanh nghiệp vẫn còn tích lũy khoảng 10%. Đây là mức giá khá ổn, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay. Từ tháng 8-2012, khi bắt đầu cho ra sản phẩm đến nay, tổng doanh thu của Nhà máy đã đạt gần 40 tỷ đồng.
Tuy hiệu quả là vậy, nhưng về lâu dài, sự ổn định của Nhà máy vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, nguồn nguyên liệu cung cấp lâu dài cho chế biến là yếu tố quan trọng nhất. Để duy trì hoạt động ổn định cho Nhà máy, các ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu tham mưu cho tỉnh tạo điều kiện cấp thêm mỏ nguyên liệu cho doanh nghiệp.