Tiếp sức cho hộ cận nghèo

08:36, 06/11/2013

Sau 6 tháng triển khai thực hiện Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Bình đã bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực. Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo động lực cho các hộ cận nghèo đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cơ hội thoát nghèo bền vững

 

 

Đầu năm 2012, gia đình anh Nguyễn Hữu Luận, xóm Chiễn 1, xã Nhã Lộng được công nhận thoát nghèo. Sau khi trả tiền vay vốn hộ nghèo cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện, gia đình anh muốn tiếp tục được vay nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển chăn nuôi nhưng lại không thuộc đối tượng được vay vốn. Trong khi vay vốn ngân hàng thương mại thì phải có tài sản thế chấp và chịu lãi suất cao. Đúng lúc đó, (tháng 4 năm 2013) Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo. Gia đình anh Luận đã làm các thủ tục cần thiết và được NHCSXH huyện cho vay 25 triệu đồng. Với số tiền này, anh Luận đã đầu tư mua một con bò giống và 1 con lợn nái để phát triển kinh tế gia đình. Có được nguồn vốn hỗ trợ kịp thời cộng với ý chí vươn lên và cần cù trong lao động, anh Luận tin gia đình mình sẽ thoát khỏi diện cận nghèo vào năm 2014.

 

Gia đình bà Nguyễn Thị Thành, tổ 1, thị trấn Hương Sơn cũng được công nhận thoát nghèo năm 2012 nhưng cuộc sống vẫn còn chưa hết khó khăn. Sau khi có chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi, gia đình bà đã được vay 30 triệu đồng. Với số vốn đó, gia đình đã mua 2 con lợn nái và nuôi hơn 100 con gà thịt. Sau hơn 5 tháng chăn nuôi, hiện nay, 2 con lợn nái đã sinh sản và đàn gà chuẩn bị được xuất chuồng. Theo tính toán của bà Thành, nếu việc chăn nuôi “thuận buồm xuôi gió” thì chỉ hơn 1 năm nữa là gia đình bà có thể trả hết nợ ngân hàng, đồng thời có thêm vốn để phát triển kinh tế và nuôi các con ăn học. 

 

Toàn huyện Phú Bình hiện có 6.991 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 19,6%) và 4.874 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 13,7%). Thực hiện Nghị quyết số 15 của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 6-2013 đến nay NHCSXH huyện đã tiến hành giải ngân 8 tỷ đồng cho hơn 300 hộ cận nghèo trên địa bàn huyện vay vốn sản xuất. Bình quân mỗi hộ được vay 25 triệu đồng. Từ nguồn vốn này hầu hết các hộ đã đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ. Qua kiểm tra của NHCSXH huyện, nguồn vốn vay đã được sử dụng đúng mục đích, các hộ cận nghèo được vay vốn đã đầu tư trồng gần 40ha rừng kinh tế, trên 10ha cây ăn quả, mua 40 con trâu, bò và 12 máy sản xuất nông nghiệp để phát triển chăn nuôi hộ gia đình và đầu tư làm dịch vụ. Qua đó đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động nghèo ở nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

 

Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng cho hộ cận nghèo thời gian qua, ông Dương Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng cho biết: Chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo đã đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo người dân, tiếp thêm động lực để họ vươn lên phát triển kinh tế, thoát khỏi nguy cơ tái nghèo. Bên cạnh đó, chính sách này còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương. 

 

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc NHCSXH huyện Phú Bình cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ cận nghèo được tiếp cận được với nguồn tín dụng chính sách theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH huyện Phú Bình đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của cấp trên. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát danh sách hộ cận nghèo để chính sách ưu đãi sớm đến tay hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Cùng với đó, trong quá trình cho vay, Ngân hàng luôn phối hợp với các địa phương giám sát việc cho vay đảm bảo đúng đối tượng, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích…

           

Mong muốn của các hộ cận nghèo…

 

Theo Quyết định 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hạn mức cho vay đối với hộ cận nghèo tối đa là 30 triệu đồng, lãi suất 0,845%/tháng (bằng 130% lãi suất cho vay với hộ nghèo). Có thể nói, với hạn mức và lãi suất cho vay như vậy là một sự tạo điều kiện rất lớn giành cho các hộ cận nghèo. Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, hầu hết các hộ cận nghèo được vay vốn đều cho rằng: hạn mức cho vay 30 triệu đồng là vẫn thấp bởi vì với số tiền đó rất khó để các hộ lựa chọn được hình thức đầu tư thực sự hiệu quả trong bối cảnh kinh kế khó khăn như hiện nay. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Tùng, xóm Kê, xã Tân Khánh được vay 20 triệu đồng theo chương trình vốn vay hộ cận nghèo nhưng khi đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 5 con lợn nái thì vừa hết vốn không có tiền đầu tư mua thức ăn chăn nuôi. Gia đình ông buộc phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cao để tiếp tục chăn nuôi. 

 

Bên cạnh đó, theo một số hộ gia đình, mức lãi suất 0,845%/tháng, tương đương 10,14%/năm là quá cao để đầu tư trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đầu tư chăn nuôi. Mới đây, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đang tiến hành giảm lãi suất, nhiều ngân hàng cho vay với mức lãi suất dưới 10%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo chỉ giảm từ 10,14 xuống 9,36%/năm. Mức lãi suất này cao hơn gần 2% so với mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo (7,8%/năm) và gần tương đương với lãi suất của các ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, nhiều người dân đã tỏ ra băn khoan, so sánh từ đó nảy sinh tâm lý e ngại khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Qua tìm hiểu, hầu hết các hộ cận nghèo đều mong muốn Chính phủ hạ mức lãi suất cho vay hộ cận nghèo xuống bằng lãi suất cho vay hộ nghèo hiện tại (7,8%/năm) và nâng hạn mức cho vay lên 50 - 70 triệu đồng/hộ. Có như thế, nguồn vốn ưu đãi mới thực sự trở thành “cú hích” giúp những hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững…