Vui hội thưởng trà

07:47, 06/11/2013

Hoà giữa dòng người về Thái Nguyên dự Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, năm 2013, tôi cũng như mọi du khách có cảm nhận mình được sống những giây khắc vô tư, hồn nhiên hiếm hoi của đời người. Được ghé chợ quê thưởng thức các món ăn truyền thống; thăm làng nghề, xem người dân thu hái, chế biến chè theo cách truyền thống, được thưởng thức trà Thái Nguyên, Lâm Đồng, Phú Thọ và rất nhiều loại chè ngon của các nước trên thế giới hội về.

Đi hội uống trà, lại là trà ngon nhất của từng vùng miền, khi pha các trà nô, trà nương dùng củi thơm, đun nước trời (nước mưa), trà pha bằng ấm đất, khi chuyên nước ra chén còn kèm lời mời chào ngọt ngào, nên ai nấy khi nâng chén trà đều có cảm giác khoan thai, thoáng chút mơ hồ mình là "bậc quân vương" của xứ sở chè. Nhất là khi ngồi nhẩn nha với chén trà Thái Nguyên, loại trà được dân gian phong tặng thương hiệu "Đệ nhất danh trà", lòng chợt hoài niệm về vùng đất dưới chân núi Guộc, nơi phát tích cây chè Thái Nguyên.

 

Chuyện rằng: Từ đầu thế kỷ XX, Đội Năm (tức cụ Vũ Văn Hiệt), người xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đưa dân về chân núi Guộc khai phá đất đai, lập nên làng Guộc (Tân Cương, T.P Thái Nguyên) bây giờ. Trong thời gian ở đây, cụ Hiệt đã về Phú Thọ lấy hạt giống chè mang về trồng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình là Trà “Cánh hạc". Ngay thời bấy giờ, trà Cánh hạc đã chiếm được cảm tình của các bậc nho nhã, chính nhân quân từ ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh... Rồi đi xa hơn, Trà Cánh hạc được xuất sang nước Pháp và các nước có nền văn hoá trà lâu đời như Trung Quốc, Ấn Độ. Hơn 100 năm sau ngày cụ Hiệt mang chè về trồng, tức đầu thế kỷ XXI (năm 2004), người dân xóm Guộc mở Hội chè Xuân, với các hoạt động như thi chất lượng chè ngon, thi sao chè bằng chảo gang, thi pha trà, thưởng trà, ngoài ra còn có đấu võ, bình thơ… Để sau đó ngày hội làng chè được mở rộng lên cấp xã, cấp tỉnh, và từ năm 2011 trở thành Festival Trà mang tầm Quốc gia, thành lệ 2 năm 1 lần, Festival Trà được tổ chức tại Thái Nguyên. Ngoài sự tham gia của đại diện các vùng chè trong cả nước, Festival còn có người trồng chè ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Lào… tham gia. Festival với nhiều hoạt động phong phú như các hội thi: Búp chè vàng, bàn tay vàng, cây chè đẹp và người đẹp xứ trà…

 

 

Nhấp chén trà hôi hổi nóng, tôi nhớ lại ít hôm trước, ông Lương Văn Hoà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Cương đưa chúng tôi đi thăm nương chè và một số hộ sản xuất chè giỏi ở xã, ông tự hào: Chè Tân Cương đã khẳng định thương hiệu ở thị trường của hơn 100 nước trên thế giới. Hơn thế, chè Tân Cương là 1 trong 5 sản phẩm quốc gia được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc… "Hữu xạ tự nhiên hương", nhiều vùng chè của Thái Nguyên như: Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Minh Lập (Đồng Hỷ), La Bằng (Đại Từ)… bây giờ cũng đã trở thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn. Du khách trong nước, quốc tế đến đây luôn trầm trồ, thán phục về cách làm chè truyền thống của người Thái Nguyên. Nhìn những phụ nữ vục đôi bàn tay đảo chè trong chảo nóng, ông Lương Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã La Bằng cho biết: Cũng như các vùng chè khác, người trồng chè ở La Bằng có 2 phương pháp chế biến là thủ công và truyền thống. Cả 2 phương pháp chế biến này đều cho ra được sản phẩm chè móc câu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện trong xã có hơn 300ha chè, năng suất đạt gần 100 tạ/ha, sản lượng đạt gần 2.000 tấn/năm. Cây chè mang lại cho người dân trong xã số tiền hơn 55 tỷ đồng/năm.

 

Chuyện về chè, bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên cho biết thêm: Chè được xem là cây xoá đói, giảm nghèo và làm giàu của nông dân, hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 18.600ha chè, trong đó có gần 17.000ha chè kinh doanh, với năng suất ổn định 109 tạ/ha, sản lượng chè tươi hằng năm đạt gần 185.000 tấn/năm, tương đương gần 35.000 tấn chè búp khô… Tôi nhẩm tính, với giá trung bình 150.000 đồng/kg, như vậy cây chè đem lại cho người trồng chè Thái Nguyên số tiền hơn 5.000 tỉ đồng/năm.

 

Có thể nói từ sau năm 2000, Thái Nguyên đã có "cuộc cách mạng" về việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, xây dựng thương hiệu và hệ thống quản lý chè từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Nhân dân các vùng chè trong tỉnh không còn chặt phá, hoặc bỏ rơi cây chè để lấy đất trồng cây ăn quả như trước đây. Thể hiện rõ nhất là từ năm 2006, phong trào cải tạo đồi chè trong nhân dân phát triển mạnh, trong đó phải kể đến sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện và xã. Đó là bằng chính sách hỗ trợ cho nông dân đầu tư thâm canh, kết quả từ năm 2006 đến hết năm 2012, trung bình mỗi năm nhân dân các vùng chè của tỉnh trồng mới, trồng lại được 1.000 ha/năm, chủ yếu là các giống chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, Thuý Ngọc… Đặc biệt trong sản xuất, chế biến chè, người dân được tập huấn, hướng dẫn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

 

Theo báo cáo đánh giá của Sở Nông nghiệp - PTNT: Từ năm 2009, mô hình đầu tiên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được triển khai ở xã Hoà Bình (Đồng Hỷ), sau đó tiếp tục được triển khai tại nhiều địa phương. Đến nay toàn tỉnh đã có 15 mô hình chè VietGAP ở các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Định Hoá, Võ Nhai, Phổ Yên, Phú Lương và T.P Thái Nguyên, với tổng diện tích 200ha chè. Còn theo đánh giá của tỉnh: Việc thâm canh và chuyển đổi cơ cấu giống chè những năm qua đã làm tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, từ 46 triệu đồng/ha năm 2008, lên gần 70 triệu đồng/ha năm 2013. Hiện tại, chè Thái Nguyên chủ yếu phục vụ người tiêu dùng trong nước, lượng chè xuất khẩu sang các nước Trung Đông, một số nước châu Á và Đông Âu mới chiếm khoảng 30% so với tổng sản lượng chè của tỉnh/năm, giá xuất khẩu từ 1.400 đến 1.500 USD/tấn.

 

Về hội thưởng trà, đi giữa các miền chè thế giới thu nhỏ, được ngắm nhìn, bình ẩm cả trăm loại trà mà hình dung ra những nền văn hoá trà khác nhau trên thế giới, như: Trà kinh (Trung Hoa), Trà đạo (Nhật Bản), Trà Ô Long (Hàn Quốc)… rồi Việt Nam mình có Trà phong. Ngồi ẩm trà, nghĩ suy tôi nghiệm ra: Trà là loại cây lá không chỉ tích tụ sinh khí đất trời, mà chứa đựng trong nó cả những nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Bởi thế khi uống trà người ta thường chọn bạn tâm giao, ngồi thưởng trà để chia sẻ với nhau những niềm riêng của cuộc sống.