Từ nhiều năm nay, cây chè cành đã gắn bó với người dân ở xã Bá Xuyên, T.X Sông Công và mang lại thu nhập chính cho nhiều gia đình. Hiện, người dân đang tích cực nâng cao kiến thức trồng, chăm sóc chè, sản xuất và chế biến chè an toàn để tiến tới xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm chè Bá Xuyên với mục tiêu phát triển bền vững.
Bá Xuyên là xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2001, xã đã tận dụng những thuận lợi từ điều kiện địa hình có nhiều đồi núi, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, có nguồn nước từ Hồ Núi Cốc theo dòng sông Công chảy qua để khuyến khích người dân trồng và phát triển cây chè cành, phát triển kinh tế. Đến nay, xã đã khuyến khích được 750 hộ (chiếm 76% số hộ trên toàn xã) tham gia trồng khoảng 150 ha chè cành thay thế vào diện tích đất ruộng cao và đất trồng màu cho năng suất thấp của xã. Với diện tích trên, sản lượng chè của xã đạt gần 900 tấn chè búp khô/năm.
Ông Đặng Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên cho biết: Việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè của các hộ nông dân xã nhỏ lẻ, các hộ dân chế biến và tự tiêu thụ nên còn nhiều hạn chế về mẫu mã, bao gói bảo quản sản phẩm chè. Bên cạnh đó, sản phẩm chè Bá Xuyên chưa xây dựng được thương hiệu riêng nên chưa được nhiều người biết đến. Để khắc phục điểm yếu này, bên cạnh tích cực mở rộng diện tích chè cành, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc chè, thời gian qua, chúng tôi chú trọng đến tuyên truyền, phổ biến cho người dân trồng và chế biến chè an toàn để từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Bá Xuyên. Hàng năm, xã phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã và các doanh nghiệp tổ chức khoảng 4 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và chế biến chè an toàn, chè sạch cho bà con. Sau khi được tập huấn, người nông dân đã từng bước thay đổi tập quán thâm canh, tuân thủ kỹ thuật chăm bón, thu hái và chế biến chè đảm bảo theo quy trình an toàn, tạo ra những sản phẩm chè ngon.
Chúng tôi gặp bà Trần Thị Hồng, Trưởng xóm đang hái chè dưới soi và được biết: Xóm Chũng Na có 64 hộ thì 100% số hộ trong xóm đều tham gia trồng chè cành với tổng diện tích là 5,5 ha. Nhờ trồng chè nên đời sống người dân tương đối khá, nhiều hộ có thu lãi từ cây chè lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh lợi nhuận từ cây chè, chúng tôi ý thức được việc sản xuất chè an toàn là rất cần thiết, trước tiên là bảo vệ sức khỏe của chính những người làm chè. Bởi, khi chăm bón và sao chè người làm chè phải hứng chịu những tác động xấu từ thuốc hóa học trước tiên. Vì vậy, hiện gần 100% số hộ trong xóm đã chuyển sang sản xuất chè an toàn. Chúng tôi đã dùng các loại phân bón sinh học, phân hữu cơ thay vì phân đạm như trước kia đồng thời cũng chuyển từ thuốc trừ sâu hóa học sang dùng thuốc trừ sâu thảo mộc. Hơn nữa, chè cũng chỉ được thu hái khi đã đủ thời gian cách ly theo quy định.
Xóm Ao Cang cũng có khoảng 98% số hộ làm chè cành. Gia đình bà Nguyễn Thị Nhung là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi từ trồng màu sang trồng chè cành của xóm. Với 6 sào chè cành giống LDP1, mỗi năm gia đình bà thu được 1,1 tấn chè búp khô, doanh thu đạt trên 160 triệu đồng. Từ khi làm chè, gia đình bác đã thoát nghèo, xây được nhà 2 tầng kiên cố thay thế ngôi nhà đất lúc trước, nuôi được 2 con ăn học, sắm được ti vi, xe máy… Bà Nhung cho biết: Bây giờ cây chè cành đã trở thành cây nuôi sống cả gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong xóm. Được tham gia các lớp tập huấn chúng tôi hiểu rõ, muốn có sản phẩm có thương hiệu và chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì phải tuân thủ các quy trình sản xuất chè an toàn từ các công đoạn chăm bón, thu hái đến chế biến và bảo quản. Vì thế, bà con chúng tôi cùng bảo nhau phải xây dựng bằng được thương hiệu chè Bá Xuyên bằng những hành động cụ thể để sản xuất ra loại chè tốt nhất của địa phương.
Không chỉ ở Chũng Na, Ao Cang, cây chè cành đã có mặt ở tất cả 12/12 xóm của xã Bá Xuyên. Từ năm 2001 đến nay, người dân của xã đã tích cực chuyển đổi những chân ruộng cao, những diện tích trồng cây màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chè cành. Từ chỗ chỉ có trên 100 hộ (chiếm 20% số hộ của xã) tham gia trồng chè cành với tổng diện tích 10ha năm 2001, đến nay, xã có gần 750 hộ (chiếm 76% số hộ) tham gia với diện tích lên tới gần 150 ha, sản lượng chè đạt khoảng 900 tấn búp khô/năm. Với giá bán vào thời điểm này từ 100 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/kg chè khô, các diện tích chè cành đều cho doanh thu từ 180 triệu đồng đến 270 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và cây màu như trước.
Ông Đặng Văn Cảnh cho biết thêm: Gần đến Festival Trà 2013, người dân xã Bá Xuyên vui hơn vì hai câu lạc bộ làm chè an toàn của xã là Câu lạc bộ sản xuất, chế biến chè Chũng Na và Ao Cang đã được công nhận và trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Như vậy là từ nay sản phẩm chè của gần 70 thành viên với diện tích 12 ha trong 2 câu lạc bộ sản xuất, chế biến chè an toàn đã được đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam thẩm định và công nhận đạt các tiêu chí theo quy định. Thời gian tới, từ nền tảng là 2 câu lạc bộ này, chúng tôi sẽ thành lập Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Bá Xuyên. Bên cạnh tiếp tục khuyến khích người dân trồng và sản xuất chè an toàn, chúng tôi sẽ huy động người dân, các đoàn thể, doanh nghiệp đóng góp xây dựng nhà xưởng sản xuất, và các trang thiết bị chế biến, đóng gói chân không phục vụ sản xuất, đóng gói sản phẩm chè. Đồng thời nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm chè an toàn, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm. Từ đó có thể sản xuất chè an toàn theo hướng bền vững để tạo dựng thương hiệu chè Bá Xuyên có uy tín trên thị trường.