Những năm gần đây, nhất là năm 2013 này, ngành Công nghiệp xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) của tỉnh đã gặp phải những khó khăn nhất định. Các doanh nghiệp (DN) xây dựng thì điêu đứng vì nhiều công trình thi công dở dang, nợ đọng vốn đầu tư, còn những DN sản xuất VLXD thì hàng tồn kho lớn, công suất chỉ đạt 50% so với thiết kế. Tuy vậy, nhiều DN vẫn duy trì được sự ổn định và đứng vững trên thị trường. Trong bài viết này xin được nêu hai trong số hàng trăm trường hợp như thế.
Những ngày gần đây, tại Nhà máy gạch Gia Phong - Thái Nguyên, nằm trên địa bàn xã Trung Thành (Phổ Yên), dường như không khí làm việc trở nên sôi động và khẩn trương hơn lúc trước. Trên 120 lao động của Nhà máy đang thực hiện quy trình sản xuất theo kế hoạch “nước rút” nhằm đạt mục tiêu sản xuất từ 14 triệu đến 16 triệu viên gạch nung trong năm 2013.
Theo ông Dương Như Duy, Giám đốc Nhà máy thì do tình hình tiêu thụ gặp khó khăn nên nhiều tháng liền đơn vị chỉ sản xuất đạt 70% công suất thiết kế. Do đó, kết thúc 10 tháng, Nhà máy mới cho ra lò 12 triệu viên gạch, đạt khoảng 60% kế hoạch năm. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, buộc đơn vị phải tăng công suất, cường độ lao động và mở rộng thị trường tiêu thụ. Được biết, do thị trường thời gian qua gặp khó khăn nên giá gạch của Nhà máy bán ra giảm đáng kể, từ 1.400 đồng/viên loại A1 xuống còn 1.050 đồng/viên. Đây là mức giá giao bán thấp nhất của Nhà máy từ trước đến nay, nên thời điểm này gần như đơn vị sản xuất chỉ hòa vốn. Mặc dù theo thiết kế ban đầu, Nhà máy có 2 dây chuyền sản xuất với công suất 36 triệu viên gạch/năm, nhưng hiện nay, Nhà máy mới chỉ dám vận hàng 1 dây chuyền. Dù thế thì trong năm đơn vị vẫn luôn để tồn kho hàng triệu viên gạch. Ông Dương Như Duy cho biết: Thị trường dịp cuối năm này dự báo sẽ ấm lên, nên chúng tôi mới đẩy mạnh sản xuất, hy vọng sẽ bù lại phần nào những thiếu hụt trước đó…
Khó khăn và những nỗ lực vượt khó, ổn định hoạt động của Nhà máy gạch Gia Phong là một trong số gần 1.800 DN, cơ sở sản xuất VLXD của tỉnh hiện nay. Vậy, đối với các DN xây dựng, trực tiếp đứng ra thi công các công trình, dự án thì sao? Chúng tôi xin dẫn chứng ra đây trường hợp của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ, một DN xây dựng thường xuyên phải ứng vốn thực hiện các dự án hạ tầng trên địa bàn. DN này chủ yếu tham gia thực hiện các dự án hạ tầng giao thông cấp tỉnh. Tuy giá trị đầu tư không quá lớn, nhưng nhà thầu thường phải ứng vốn trước để thi công nên cũng gặp không ít khó khăn, bất lợi.
Với vốn điều lệ không nhiều (21 tỷ đồng), vốn lưu động lại thường vay từ ngân hàng nên dù chỉ ứng vốn mỗi công trình từ 5 đến 10 tỷ đồng, nhưng với DN cũng đã là rất cố gắng. Gói thầu thi công đoạn từ ngã ba Quán Vuông đi trung tâm xã Phú Đình, thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến tỉnh lộ 264, dài 5km là một trong những gói thầu do Công ty ứng vốn 100% để thi công. Giá trị đầu tư gói thầu là 15 tỷ đồng được triển khai từ năm 2009. Sau 10 tháng thi công, nhà thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Qua kiểm tra chuyên môn, gói thầu được đánh giá là đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn đề ra. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn còn nợ vốn xây lắp của Công ty khoảng 3,7 tỷ đồng. Tương tự, một số gói thầu khác do đơn vị ứng tiền thi công giờ cũng đang bị chủ đầu tư nợ lại với tổng số tiền lên tới cả chục tỷ đồng. Năm 2013, tình hình kinh tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn, các dự án xây dựng hầu như thiếu vốn trầm trọng nên càng ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty. Dù vậy, vì trách nhiệm trước sự phát triển chung của tỉnh, Công ty vẫn đảm nhiệm thi công tiếp 3 dự án giao thông khác trên địa bàn huyện Đại Từ.
Ông Đào Hữu Huệ, Giám đốc Công ty cho biết: Khó khăn nhất hiện nay một phần là do thiếu vốn, một phần do mặt bằng thi công chưa được giải phóng triệt để. Do vậy, tiến độ thi công bị chậm lại, khiến nhà thầu phải điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng, điều chỉnh vốn do trượt giá, tiền lương thay đổi… Trước thực tế đó, giải pháp của Công ty chính là làm đâu chắc đấy, thi công những công trình cấp bách trước, không đầu tư dàn trải, thực hiện những dự án vừa sức mình để tránh rủi ro lớn dẫn đến phá sản.
Như vậy, qua hai trường hợp trên có thể nhận thấy tình cảnh khó khăn mà các DN ngành xây dựng đang gặp phải là rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, trong gian khó cũng phải ghi nhận những cố gắng mà nhiều DN đã làm được để có thể vượt qua thời điểm bế tắc. Qua đây cũng đề nghị, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của mỗi DN, rất cần sự giúp sức, ủng hộ của các cấp chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh trong vai trò “bà đỡ” cho DN. Sự giúp sức đó có thể là tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng hơn đối với DN; dành nguồn tài chính thích hợp để giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản; các tổ chức hội DN khuyến khích hội viên tiêu thụ, trao đổi hàng hóa, sản phẩm của nhau và ưu tiên sử dụng các sản phẩm VLXD sản xuất trong tỉnh cho các công trình xây dựng để giảm lượng hàng tồn kho. Ngoài ra, cũng có thể còn là tạo điều kiện về chính sách hỗ trợ thuế, vốn vay ngân hàng hay các thủ tục hành chính khác… Tất cả những điều đó cộng lại sẽ tạo nhiều cơ hội để cộng đồng các DN nói chung, trong đó có các DN ngành xây dựng và sản xuất VLXD của tỉnh nói chung vững vàng hơn trong sản xuất, kinh doanh.