Mới đấy mà đã tròn nửa thế kỷ trôi qua, những người thợ thép Thái Nguyên có quyền tự hào về bề dày truyền thống vẻ vang của mình. Ngày ấy 29-11-1963, mẻ gang đầu tiên được ra lò tại lò cao số 1, chính thức đánh dấu sự ra đời của ngành luyện thép đầu tiên của nước nhà.
Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, miền Bắc tiến lên xây dựng XHCN. Và, tại mảnh đất Thái Nguyên giàu truyền thống cách mạng đã được Đảng, Chính phủ, Bác Hồ quyết định cho xây dựng Khu công nghiệp Gang thép. Quyết định ấy đã mở ra trang sử mới cho đồng bào Việt Bắc - Thái Nguyên. Cả vùng rừng núi bỗng chốc bừng sáng! Hàng vạn con người từ mọi miền Tổ quốc đã về đây chung tay dựng xây Khu Gang thép đầu tiên của đất nước được đàng hoàng, to đẹp. Công trình thể hiện niềm tin, sự tự hào, kiêu hãnh của triệu trái tim Việt trong những năm tháng đất nước còn đầy gian khó. Với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo của hàng vạn cán bô, công nhân viên ngày đêm bám sát công trường, những hạng mục, công trình đã được nhanh chóng hoàn thành. Đúng 8 giờ 30 phút, ngày 29-11-1963, thời khắc không thể quên trong ký ức của những người thợ thép - thời khắc mẻ gang đầu tiên được ra lò thắng lợi trong niềm hân hoan vui sướng khôn tả!
Những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Gang thép Thái Nguyên là mục tiêu bắn phá ác liệt của kẻ thù. Những lúc như thế, bản lĩnh, ý chí của những người thợ thép lại được tôi luyện cứng rắn như thép, như gang, tất cả đã dũng cảm đứng lên vừa tham gia chiến đấu, vừa đảm bảo sản xuất được ổn định. Trong bom đạn giặc thù, đã có nhiều người con ưu tú của Tổ quốc - những người thợ thép đã ngã xuống để Khu công nghiệp Gang thép được bình yên!
Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, những người thợ thép Thái Nguyên lại khẩn trương bắt tay vào khôi phục hậu quả chiến tranh, nhanh chóng ổn định sản xuất, tiếp tục góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, khi đất nước đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, những người thợ thép đã biết phát huy truyền thống, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đổi mới công nghệ, phương thức quản lý… từ đó đã tạo ra thế và lực mới cho Gang thép Thái Nguyên mà nay được chuyển thành Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên; làm nên thương hiệu TISCO nổi tiếng, có chỗ đứng vững chắc trên thương trường trong và ngoài nước.
Thuận lợi và khó khăn luôn đan xen, đặc biệt thời gian gần đây, sự khó khăn vẫn đang bao chùm mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty phải sản xuất cầm chừng; tốc độ thanh khoản, tiêu thụ hàng hóa chậm… Tuy vậy, nhưng những người thợ thép vẫn luôn biết linh hoạt phát huy những điểm mạnh, dần khắc phục khó khăn mở hướng đi mới được phù hợp hơn, đó là những phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng một cách triệt để; phong trào tiết kiện, phát huy hết công suất vận hành của máy móc trong sản xuất, kinh doanh; tìm nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện Dự án mở rộng sản xuất gang thép giai đoạn II… Cũng nhờ những phong trào như thế mà việc làm và đời sống của gần 6 nghìn cán bộ, công nhân viên Công ty vẫn giữ được sự ổn định.
Tròn một nửa thế kỷ đã đi qua với bao thăng trầm và thử thách, thế nhưng những người thợ thép vẫn luôn có tinh thần lạc quan, biến gian khó, biến những trăn trở thành hành động thiết thực. Hiện nay, công suất sản xuất thép cán của Công ty đạt 550.000 tấn/năm; hệ thống phân phối với 5 chi nhánh đặt tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, văn phòng bán hàng tại T.P Hồ Chí Minh và mạng lưới các nhà phân phối tại các tỉnh thành phố trong cả nước. Sản phẩm thép TISCO được sử dụng vào hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia như thuỷ điện Hoà Bình, Yaly, Sơn La, đường dây tải điện 500 KV Bắc Nam, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, cầu Thăng Long, Chương Dương và nhiều công trình khác; thâm nhập được vào thị trường quốc tế như Canada, Indonesia, Lào, Campuchia.
Nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, trong lòng những người thợ thép Thái Nguyên luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ khi Người về thăm Khu Gang thép Thái Nguyên lần thứ ba ngày 1-1-1964: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang…”. Lời dạy ấy luôn là động lực cổ vũ để những người thợ thép viết tiếp trang sử vẻ vang của mình trên bước đường đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đưa Gang thép Thái Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân!