Cần nhân rộng mô hình Tổ dịch vụ bảo vệ thực vật

10:16, 09/12/2013

Chè là cây kinh tế mũi nhọn của xã Hóa Thượng (Đổng Hỷ). Hiện xã có trên 100ha chè, trong đó có gần 80ha chè kinh doanh (giống LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Trung du)… Khoảng 5 năm trở lại đây, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, chế biến được áp dụng đồng bộ trong sản xuất nên năng suất, chất lượng chè ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Để phòng trừ sâu bệnh hại cho cây chè, cũng như nhiều hộ dân làm chè trong tỉnh, người dân Hóa Thượng đang sử dụng một lượng khá lớn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Chị Đặng Thị Hiệp, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất chè là cần thiết, tuy nhiên, một thực tế là bà con trong xã đang phụ thuộc nhiều vào sự chỉ dẫn của người bán thuốc. Qua phỏng vấn của chúng tôi, có tới trên 80% số người mua thuốc BVTV về phun cho chè theo tư vấn của người bán thuốc, gần 20% số người mua thuốc qua tham khảo và tự mình quyết định. Đặc biệt, khi mua thuốc BVTV, người dân chưa quan tâm đến độ độc hại và thời gian cách ly. Thâm chí, có nhiều người còn phun thuốc tăng liều lượng do thói quen hỗn hợp thuốc hoặc sử dụng một số loại thuốc chỉ dùng trên cây lúa như Regell, Sieuray, Shecpa… để phòng trừ sâu bệnh cho cây chè dẫn đến hiện tượng sâu hại kháng thuốc, làm dịch hại bùng phát. Điển hình là vào tháng 5, 6, 7 vừa qua, rầy xanh gây hại tăng đột biến trên một số nương chè trong xã, có những nương bị cháy rầy… Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các sản phẩm chè thường có dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức cho phép…

 

Bên cạnh việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách thì có tới hơn 80% số hộ trong xã tự phun thuốc BVTV và xấp xỉ 20% số hộ thuê người phun. Ông Nguyễn Văn Minh, một người dân ở xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng cho hay: Dụng cụ phun thuốc BVTV chủ yếu là dùng bình 16-18 lít, chạy bằng bình ắc quy. Người phun thuốc hầu hết không hiểu biết về thuốc BVTV nên chưa tuân thủ nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả trên cây chè; chưa chấp hành đầy đủ các quy định về sử dụng thuốc (không có bảo hộ lao động, hoặc có nhưng không đầy đủ); kỹ thuật pha, phun thuốc chưa đúng cách, nồng độ tăng, liều lượng giảm nên hiệu quả phòng, trừ dịch hại chưa cao. Khi pha thuốc xong, các vỏ bao bì vứt bừa bãi ngay tại nơi phun thuốc, trên nương chè đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, chất lượng sản phẩm…

 

Tháng 8 vừa qua, được sự giúp đỡ của Tổ chức CropLife Việt Nam, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã thực hiện thí điểm mô hình Tổ dịch vụ bảo vệ thực vật trên cây chè tại xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) với mục tiêu sản xuất chè theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng, người sống xung quanh và môi trường sinh thái, hạn chế thấp nhất số người dân tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV và cung cấp dịch vụ phòng trừ dịch hại trên cây chè, các loại cây trồng khác với chất lượng dịch vụ tốt nhất... Chị Hiệp cho biết thêm: Với phương pháp điều tra phỏng vấn trực tiếp kết hợp kiểm tra thực tế, chúng tôi đã lựa chọn được 30 hộ ở xóm Văn Hữu có đủ các điều kiện tham gia thực hiện mô hình trên diện tích 5ha. Theo đó, 30 hộ dân đã lựa chọn 3 nông dân tích cực nhất tham gia Tổ dịch vụ. Được cán bộ Cục BVTV, Trung tâm BVTV phía Bắc, Chi cục BVTV tỉnh phổ biến, tấp huấn, các thành viên của Tổ dịch vụ đã nắm được khái niệm về thuốc BVTV, cách phân loại thuốc, kỹ thuật sử dụng cũng như phun thuốc…

 

Đến nay, sau 4 tháng đi vào hoạt động, bước đầu Tổ dịch vụ đã phục vụ tốt hoạt động phun thuốc BVTV cho các hộ dân trong mô hình 5ha và 40 hộ dân ngoài mô hình với mức thu dịch vụ là 25 nghìn đồng/bình thuốc trừ sâu, bệnh; 30 nghìn đồng/bình thuốc trừ cỏ. Tổ dịch vụ BVTV đã tạo được lòng tin với người dân trong vùng, giúp bà con sản xuất ra được sản phẩm chè an toàn do giúp người trồng chè chọn đúng thuốc, phun đúng thời điểm; giảm được 30-50% số lần phun thuốc/lứa chè, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư; thời gian cách ly đảm bảo…

 

Việc thực hiện Tổ dịch vụ BVTV bước đầu đã mang lại hiệu quả tuy nhiên theo ông Ngô Tiến Dũng, Cục phó Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thì hiện nay, mô hình này vẫn chưa mở rộng được địa bàn hoạt động sang các vùng chè khác. Bởi vậy, trong thời gian tới, Chi cục BVTV tỉnh cần có sự hỗ trợ để nhân rộng mô hình này trên địa bàn.