Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi đã tìm đến điểm giết mổ gia cầm của gia đình ông Phạm Quang Trung, tổ 4, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên). Theo quan sát của chúng tôi, khu vực giết mổ động vật của gia đình đã được dọn dẹp khá sạch sẽ. Ông Trung đã làm nghề này được 8 năm, trung bình mỗi ngày, cơ sở của ông giết mổ từ 100-120 con gia cầm các loại. Lông gia cầm được cho vào bao tải, túi ni lông rồi vận chuyển đi theo các xe thu gom rác thải, còn nước thải thì được xử lý bằng bể tự hoại.
Tương tự như gia đình ông Trung, anh Nông Văn Hoàn, một hộ làm nghề giết mổ gia cầm 2 năm nay ở tổ 8, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) cũng xử lý chất thải từ giết mổ gia cầm bằng cách thủ công như vậy. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải này vẫn không đảm bảo an toàn vệ sinh thú y bởi giả sử trong số những con gia cầm giết mổ tại đây mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là cúm gia cầm thì việc vận chuyển lông gia cầm bằng xe thu gom rác thải sẽ khiến cho mầm bệnh bị phát tán rất nhanh. Anh Nông Văn Hoàn chia sẻ: Hiện nay, tỉnh ta chưa có lò giết mổ tập trung nên chúng tôi phải giết mổ động vật tại gia đình. Biết là còn nhiều bất cập nhưng vì mưu sinh, chúng tôi vẫn phải duy trì hoạt động kinh doanh này.
Cùng với việc tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thú y thì để tiện cho việc buôn bán, tại các điểm chợ, người bán vẫn thực hiện việc giết mổ gia cầm tại chỗ dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Thói quen muốn mua nhanh, bán gọn của người dân đã làm cho tình trạng trên khó có thể giảm đi. Từ chợ lớn đến chợ nhỏ trong tỉnh đều có bán gia cầm sống, người bán sẵn sàng giết mổ tại chỗ cho khách theo yêu cầu. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát tại các chợ này là rất khó khăn và phức tạp. Thậm chí, tại nhiều chợ nhỏ không có bất kỳ hình thức giám sát nào.
Ghi nhận trên của chúng tôi cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý việc giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, đến thời điểm này, Thái Nguyên chưa có lò giết mổ tập trung, đạt tiêu chuẩn nên tình trạng kinh doanh giết mổ rải rác ở hộ gia đình vẫn khá phổ biến. Nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng này, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành quy định về điều kiện giết mổ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn. Theo đó, quy định này gồm 7 chương, 24 điều, trong đó có những nội dung đáng lưu ý như việc giết mổ động vật để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở hoặc điểm giết mổ tập trung, đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y, được cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm soát trước, trong và sau giết mổ; động vật đem giết mổ phải đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y; gia súc phải được chuyển đến cơ sở giết mổ ít nhất 6 giờ trước khi giết mổ; cơ sở giết mổ động vật, sơ chế động vật, sản phẩm động vật phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y như điểm, cơ sở giết mổ, sơ chế động vật phải theo quy hoạch của UBND các cấp, tách biệt với khu dân cư, các công trình công cộng, đường giao thông chính, có khu vực riêng nhốt động vật chờ giết mổ; điểm buôn bán động vật, sản phẩm động vật cũng phải là các chợ hoặc địa điểm nằm trong quy hoạch của UBND các cấp, tách biệt với các loại hàng hóa khác...; nơi tập trung sơ chế sản phẩm động vật phải được cơ quan chức năng cấp phép đăng ký kinh doanh. Cùng với đó, quy định này cũng yêu cầu động vật, sản phẩm động vật phải qua kiểm tra, có giấy chứng nhận kiểm dịch, có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y mới được phép vận chuyển…
Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Với chức năng nhiệm vụ được giao, chúng tôi sẽ chỉ đạo Chi cục Thú y cố gắng hết mình để làm tốt công tác kiểm dịch động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật và kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn về điều kiện thú y, quy trình vệ sinh thú y cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y theo quy định…
Để quy định được thực thi nghiêm túc, theo ý kiến của những người trong cuộc thì tỉnh ta cần nhanh chóng quy hoạch và xây dựng các khu giết mổ tập trung để giúp cho công tác quản lý tốt hơn cũng như cải thiện được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, các ngành chức năng phải làm tốt công tác phối hợp và xác định quyền hạn, tránh nhiệm của các bên để tránh chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm; phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể đối với cán bộ thú y trong việc kiểm soát, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm. Có thể giao chỉ tiêu cho các đơn vị từ tỉnh xuống huyện, xã xóa dần và giảm các điểm giết mổ nhỏ lẻ.
Đã đến lúc tỉnh cần sớm đưa quy định này đi vào cuộc sống bởi làm tốt công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không chỉ góp phần làm ổn định tình hình kinh tế, xã hội mà còn bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Ông Phạm Quang Phúc, Chi cục Phó Chi cục Thú y: Quy định này đi vào thực thi chắc chắn sẽ đưa công tác giét mổ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp. Đặc biệt, chỉ khi các điểm giết mổ tập trung được xây dựng thì tỉnh ta mới chấm dứt được tình trạng giết mổ, kinh doanh động vật trên một số tuyến đường, chợ cóc... Tuy nhiên, để giám sát được việc thực hiện quy định tại cơ sở thì không chỉ riêng cơ quan thú y mà các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền các địa phương cũng phải tích cực vào cuộc. |
Ông Phạm Quang Trung, tổ 4, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên): Theo tôi được biết, tỉnh ta đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, chỉ khi tỉnh không cho tồn tác các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thì điểm giết mổ tập trung mới có thể đi vào hoạt động một cách ổn định. |