Đảm bảo đủ nguồn hàng trong dịp Tết Nguyên đán

14:57, 19/12/2013

Do thói quen tích trữ hàng hóa cho 3 ngày Tết nên vào những ngày giáp Tết luôn tạo áp lực lớn về nguồn cung và giá cả so với những ngày bình thường, nhất là những mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ uống…

Để chuẩn bị nguồn hàng và tránh sự tăng giá đột biến vào những ngày giáp Tết, ngay từ tháng 9-2013, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát lại nguồn cung, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2014, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu của nhân dân; bình ổn thị trường và giá cả; không để xảy ra sốt hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm, chất đốt. Đồng thời, có tờ trình gửi UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch cân đối cung cầu, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.

 

Năm 2013, Sở Công Thương đề xuất nhóm các mặt hàng thiết yếu cho đời sống cần cung cầu, bình ổn là: dầu ăn, gạo tẻ thường, thực phẩm (quy đổi ra thịt lợn); nhóm hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất là các loại phân đạm, phân NPK (quy đổi ra đạm URE). Qua đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tính toán và đề xuất giải pháp bình ổn giá đối với mặt hàng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến để tỉnh tạm ứng nguồn Quỹ dự trữ tài chính của tỉnh cho Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp dự trữ và luân chuyển bình ổn giá vật tư nông nghiệp năm 2013 và đầu năm 2014 là 10 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp đã nhận kinh phí thực hiện bình ổn giá một số mặt hàng phân bón.

 

Tuy nhiên, đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, mặc dù Sở Công Thương đã có văn bản gửi các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu kinh phí bình ổn, song đến ngày 15-12 đã hết thời gian nhưng cũng chỉ có 1 đơn vị đăng ký tham gia bình ổn giá. Qua tìm hiểu ở một số doanh nghiệp chúng tôi được biết: Tâm lý doanh nghiệp không muốn tham gia bình ổn là do: Năm nay, lãi suất ngân hàng không còn cao nữa; thời gian vay dài hơn và tiếp cận vốn vay ngân hàng không còn khó khăn. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp vay tiền từ nguồn bình ổn giá của tỉnh thì số tiền vay không lớn (vì nguồn kinh phí của tỉnh hạn hẹp), thời hạn vay ngắn hơn. Bên cạnh đó, theo dự báo, sức mua thị trường năm nay không tăng; giá cả không có biến động lớn. Nếu vay tiền từ quỹ bình ổn phải cam kết giảm giá 5%, như thế sẽ không có tác dụng lớn.

 

Anh Trần Huy Luân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Minh Cầu, cho biết: Theo dự báo, thị trường năm nay sẽ không có biến động nhiều về giá cả; sức mua sẽ hạn chế hơn mọi năm. Vì vậy, doanh nghiệp mua hàng cũng cầm chừng, bán đến đâu thì mua đến đó. Đối với việc thực hiện bình ổn giá, từ Tết năm 2013, chúng tôi đã không đăng ký tham gia bình ổn giá. Tết 2014 này, chúng tôi cũng không đăng ký, chúng tôi muốn tỉnh tập trung nguồn kinh phí này cho một vài đơn vị để họ làm cho “ra tấm ra món".

 

Bên cạnh đó cũng có đơn vị rất muốn tham gia bình ổn giá với một lý do khác. Anh Phạm Việt Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Trung tâm công nghệ phần mềm Thái Nguyên (chuyên kinh doanh điện máy và lương thực, thực phẩm) cho hay: Doanh nghiệp  đã có văn bản kiến nghị được vay 3 tỷ đồng. Song chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán mà chưa được vay. Hiện nay, trong kho hàng, Công ty đã dự trữ một lượng hàng hóa với giá trị trên 10 tỷ đồng để phục vụ  vào dịp Tết. Theo dự báo, năm nay nhu cầu tiêu dùng không tăng cao, giá cả không biến động, nếu chúng tôi tham gia bình ổn giá có nghĩa phải giảm giá 5% so với thị trường. Điều đó, doanh nghiệp kinh doanh sẽ không có lãi, song vì nhiệm vụ chính trị, chúng tôi vẫn muốn thực hiện và cũng là để lường trước sự tăng giá vào những ngày Tết. Hơn nữa, đây cũng là cách để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Vì vậy, nếu được vay nguồn kinh phí này, tỉnh cần nhanh chóng xem xét để cấp kinh phí sớm giúp doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa sớm.

 

Vào thời điểm này, đến các siêu thị, cửa hàng lớn, chúng ta đều bắt gặp không khí tập kết hàng hóa vào kho và hàng hóa được bày bán đầy ắp các gian hàng, nhất là các mặt hàng bánh, kẹo, giò, thịt, các loại đồ uống... Tuy nhiên, sức mua của thị trường còn phụ thuộc nhiều vào thu nhập của người dân; khả năng kích cầu của các nhà bán lẻ. Vì vậy, bên cạnh việc nắm bắt nhu cầu, chuẩn bị đủ lượng hàng hóa, các doanh nghiệp còn thực hiện các chương trình nhằm kích cầu người tiêu dùng như: giảm giá; tặng nhiều phần quà hấp dẫn; mở các điểm bán hàng lưu động để tạo thuận lợi cho khách hàng. Đi đôi với việc chủ động ký kết với các nhà sản xuất về nguồn hàng đảm bảo cung ứng hàng hóa, các doanh nghiệp còn cam kết ổn định giá cả. Để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, Sở Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xây kế hoạch tăng cường kiểm tra đối với các doanh nghiệp về việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết; kiểm soát về giá nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ tăng giá, gây mất ổn định thị trường.