Với quan điểm phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh trong điều kiện hội phập kinh tế quốc tế; đảm bảo đủ nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân; đẩy mạnh điện khí hoá nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi…Trong năm 2010, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã lập Đề án "Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020”. Đề án đã được HĐND tỉnh khoá XI, kỳ họp thứ 14 ra Nghị quyết thông qua ngày 15-7-2010.
Trong Đề án quy hoạch, mặc dù các nhà hoạch định đã tính đến sự phát triển phụ tải của tỉnh trong tương lai khi một số cơ sở công nghiệp lớn, như: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II; Khu Công nghiệp (KCN) Sông Công mở rộng giai đoạn II; Dự án khai thác Khoáng sản Núi Pháo; Dự án Tổ hợp Khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình (Tổ hợp Yên Bình); KCN Tây Phổ Yên; KCN Nam Phổ Yên; KCN Điềm Thuỵ… đi vào hoạt động. Tuy nhiên, với việc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) quyết định đầu tư vào KCN Yên Bình và xây dựng Tổ hợp Công nghệ caoSamsung Thái Nguyên, gồm nhà máy sản xuất, gia công lắp ráp điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao (trị giá 2 tỷ USD), nhà máy chuyên về các bộ vi xử lý và mạch tích hợp (trị giá 1,2 tỷ USD) và một số nhà máy vệ tinh khác trong năm 2013, thì việc tăng cường các nguồn điện 220KV, 110KV mới và phát triển lưới điện cao thế, trung thế của Đề án trên trở nên lạc hậu so với nhu cầu thực tế.
Trước nhu cầu sử dụng điện của các nhà đầu tư trong KCN Yên Bình, đặc biệt là Tổ hợp công nghệ cao Samsung ước gần 400 MVA (trong đó năm 2013 sử dụng 126 MVA; năm 2014 là 200 MVA; năm 2015 là 34 MVA; năm 2016 là 32 MVA). Để bảo đảm đủ nguồn điện phục vụ các dự án trên, ngay từ những ngày cuối năm 2012, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã tham mưu cho Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương điều chỉnh quy hoạch phát triển điện của tỉnh (Quyết định số 7788/QĐ-BCT ngày 22-10-2013 của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển Điện lực Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020), đồng thời đề xuất với Tổng Công ty và Tập đoàn triển khai xây dựng các dự án đường dây, trạm biến áp 220kV và một số trạm phân phối 110kV với tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 2 năm 2014-2015…
Từ đầu năm đến nay, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã tổ chức khâu nối hàng chục buổi làm việc giữa Tổng Công ty, Tập đoàn Điện lực Việt Nam với UBND tỉnh và các nhà đầu tư để bàn thảo về cơ chế, phương án xây dựng và triển khai các giải pháp cung cấp điện ổn định, lâu dài cho hoạt động của các dự án trong KCN Yên Bình. Đặc biệt, ngay từ cuối tháng 3-2013, sau khi được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giao nhiệm vụ quản lý Dự án xây dựng đường dây 110 kV và TBA110/35/22kV cấp điện cho KCN Yên Bình với tổng vốn đầu tư 105,1 tỷ đồng, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã tập trung cao độ các nguồn lực, đồng thời phối hợp với UBND huyện Phổ Yên, UBND xã Hồng Tiến và thị trấn Bãi Bông làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng và hoàn thành đóng điện vào ngày 15-9-2013 (sau hơn 4 tháng thi công).
Việc đưa Dự án xây dựng đường dây 110 kV và TBA110/35/22kV cấp điện cho KCN Yên Bình vào hoạt động trong tháng 9-2013 là một minh chứng rõ nhất trong việc bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện phục vụ xây dựng, lắp đặt và hoạt động sản xuất của các nhà máy thuộc Tổ hợp Công nghệ cao Samsung của Công ty Điện lực Thái Nguyên nói riêng cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung. Trong thời gian tới, để đẩy nhanh các dự án cung cấp điện cho Tổ hợp công nghệ cao Samsung theo lộ trình, Công ty Điện lực Thái Nguyên tiếp tục tham mưu cho Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phối hợp với các nhà đầu tư thống nhất nhu cầu, tiến độ sử dụng điện và tiến hành bàn thảo các hợp đồng nguyên tắc theo Luật Điện lực để và đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tạo điều kiện về cơ chế nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các dự án lớn trên địa bàn.