Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp vùng núi phía Bắc (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) được thành lập tháng 8-2008, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực lâm nghiệp, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Sau hơn 5 năm xây dựng và phát triển, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, song với nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ cùng với sự đầu tư, hợp tác của các tổ chức, cơ quan đối tác trong và ngoài nước, Trung tâm đã từng bước khẳng định thương hiệu trong việc sản xuất và cung cấp giống cây lâm nghiệp, giống cây dược liệu chất lượng cao trong nước.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trong những năm gần đây, cơ sở vật chất của Trung tâm đã được đầu tư đầy đủ trang thiết bị đồng bộ, hiện đại để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng. Đặc biệt, với việc áp dụng thành công công nghệ sinh học nuôi cấy tế bào, giâm hom, Trung tâm đã nhân giống thành công nhiều loại cây quý hiếm (gồm cây trồng rừng, cây dược liệu, cây ăn quả, cây công nghiệp, hoa và cây cảnh) như: Sưa đỏ, Gừng gió, Ba kích, Sa nhân, Đinh lăng, Trám, Lát, Giổi xanh, Dâu tây, Ngót rừng, Xong mật... mỗi năm có khả năng sản xuất từ 6- 8 triệu cây giống chất lượng cao cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Bên cạnh việc tập trung triển khai hàng chục chương trình, đề tài nghiên cứu ở các cấp khác nhau (dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế, đề tài cấp bộ, ngành và cấp tỉnh) trong lĩnh vực giống cây lâm nghiệp, cây dược liệu; xây dựng chính sách phát triển lâm nghiệp và vùng cao ở các tỉnh, thành trong cả nước…, Trung tâm còn tích cực triển khai các dự án về lĩnh vực lâm nghiệp, phát triển nông thôn, bảo tồn đa dạng sinh học tại các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Đặc biệt, thực hiện Dự án Đầu tư phát triển giống lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2015 theo Quyết định số 2815/QĐ-UBND ngày 30/10/2009 của UBND tỉnh, các chuyên gia của Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp-PTNT) thiết lập và triển khai có hiệu quả một số rừng giống, vườn giống cây đầu dòng của một số loài cây lấy gỗ, cây đặc sản rừng có giá trị kinh tế cao tại các huyện Đại Từ, Phú Lương, Phú Bình, Định Hóa; tổ chức hỗ trợ cho Sở Nông nghiệp-PTNT xây dựng các chương trình, dự án liên quan công đến tác bảo vệ, phát triển rừng, đồng thời rà soát, xây dựng các phương án bảo vệ rừng hồ Núi Cốc, rừng đầu nguồn ở huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai và Phú Lương; phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Lương sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào và chuyển giao kỹ thuật trồng thâm canh cây Ba kích trên diện rộng (hiện đang triển khai tại các xã Yên Đổ, Vô Tranh, Phủ Lý, Tức Tranh và Ôn Lương…).
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, từ chỗ chỉ có 3 cán bộ, đến nay Trung tâm đã có 60 cán bộ, trong đó có trên 70% có trình độ sau đại học. Ngoài việc thu hút được 40 cộng tác viên là các nhà khoa học có uy tín trong nước và quốc tế, Trung tâm còn hợp tác với nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành Trung ương, viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước và nước ngoài về lĩnh vực lâm nghiệp và môi trường.
Với sự giúp đỡ và hợp tác khoa học của CSIRO và Trung tâm Cải thiện giống cây rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), cho đến nay, Trung tâm đã xây dựng được các vườn vật liệu giống cây mẹ có chất lượng cao. Đặc biệt, nhờ liên kết và hợp tác toàn diện với Viện Khoa học sự sống (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) trong việc nghiên cứu và sản xuất các loại cây lấy gỗ và làm dược liệu có giá trị kinh tế cao bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, trong những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp vùng núi phía Bắc luôn là một địa chỉ tin cậy trong việc sản xuất và cung cấp giống cây lâm nghiệp và dược liệu chất lượng cao trong nước.