Đồng Vẽn - Gạo trắng, nước trong

08:26, 14/12/2013

Năm ngoái, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, sâu bệnh hại lúa khiến nhiều xóm, xã của huyện Đại Từ bị mất mùa nhưng ở Đồng Vẽn (Phú Lạc), năng suất lúa bình quân vẫn đạt gần 60tạ/ha (cao nhất huyện). Không chỉ thế, nhờ áp dụng phương thức canh tác tiên tiến, cấy giống lúa mới, gạo ở Đồng Vẽn còn không đủ bán cho tư thương. Nông dân Đồng Vẽn đã vươn lên bằng chính cây lúa, cây chè trên đồng đất quê hương.

Chúng tôi đứng giữa cánh đồng vi vút gió Đông, phóng tầm mắt ngắm những ruộng ngô sắp đến kỳ cho thu hoạch, bắp nào bắp đấy to dài, chắc nịch xanh biếc một màu. Xa xa, một số chân ruộng được trồng bí xanh, rau màu… Những ngôi nhà xây kiên cố thấp thoáng sau nương chè ngút xanh. Gặp những người nông dân đang hái chè, thấy chúng tôi, một chị ngừng tay tiếp chuyện: Trước kia, chỗ này là chân ruộng cao, chỉ cấy được một vụ, gia đình tôi cho san đất, trồng chè cành. Mình là nông dân, chỉ biết bám vào đồng ruộng để sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Để đạt hiệu quả cao, gia đình tôi luôn tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trồng các giống mới để nâng cao giá trị kinh tế cây trồng. Từ hộ thuộc diện nghèo, nay kinh tế đã ổn định.

 

Chị Vi Thị Nga, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Vẽn cho biết: Xóm có 60 hộ dân, 100% số hộ dân sống chủ yếu dựa vào cây lúa, cây chè, để đảm bảo đủ lương thực đã là điều khó khăn, chứ chưa nói đến chuyện làm giàu. Nhưng có lẽ nào lại bằng lòng sống trong nghèo khó? Làm cách nào để vươn lên thoát nghèo bằng chính những gì người nông dân đang có là bài toán khó, khiến các cán bộ xóm phải trăn trở nhiều. Và cuối cùng chúng tôi quyết định chọn giải pháp tích cực vận động bà con cải tạo đồng đất, xây dựng kênh mương, hồ đập kiên cố, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống chè, lúa mới cho năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng để tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích.

 

Với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, hơn 1.300m kênh mương nội đồng đã được kiên cố dẫn nguồn nước mát trong từ dòng suối Vẽn chảy về đập Pắc Phai rồi lan lỏa, tưới tắm cho 27ha đất lúa và 20ha đất chè. Nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu qủa kinh tế từ cây lúa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năm 2012, Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật cấy lúa theo phương pháp cải tiến SRI được thành lập, ban đầu đã thu hút tới 40 tham gia, đến giờ 100% số hộ thực hiện phương pháo cấy lúa SRI: Cấy thưa, cấy một rảnh, mạ non, không dùng thuốc trừ cỏ mà sử dụng cào cỏ sục bùn, chăm sóc đúng quy trình… Nếu như trước, người nông dân sử dụng 1kg thóc giống chỉ cấy được một sào thì nay là 3 sào; nhờ cấy thưa đã giảm được 2-3 công lao động/sào; không sử dụng thuốc trừ cỏ nên chất lượng gạo ngon, môi trường không bị ô nhiễm; chăm sóc đúng quy trình nên lúa ít sâu bệnh, năng suất cao hơn từ 0,5-1 tạ/sào. Đồng Vẽn không chỉ trở thành một trong những xóm sản xuất lúa tốt nhất xã Phú Lạc và cả huyện Đại Từ. Vụ mùa vừa qua, xóm được chọn thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng 1 giống lúa chất lượng cao DD2 trên diện tích 13ha với 77 hộ tham gia. Kết quả cho thấy: năng suất bình quân đạt gần 60tạ/ha, hạt gạo trong, đẹp; thổi cơm dẻo, thơm, ngọt đậm… khiến người tiêu dùng rất ưa chuộng, nên gạo sản xuất ra không đủ bán. Từ thành công này, xã Phú Lạc đang có kế hoạch nhân rộng mô hình ra toàn xã.

 

Ngoài cây lúa, cây chè cũng được coi là một thế mạnh để người dân Đồng Vãn thoát nghèo. Những giống chè cũ, cằn cỗi, cho năng suất thấp dần được thay thế bằng giống chè cành, cho năng suất, chất lượng cao, 50% số hộ trong xóm có thuận lợi về nguồn nước đã đầu tư sản xuất chè Đông, nâng cao thu nhập. Chị  Vi Thị Nga cho biết: Gia đình tôi có 3 sào lúa, 5 sào chè. Tôi luôn gương mẫu đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để bà con học theo. Mỗi năm, gia đình chị thu hái 6 lứa chè, năng suất đạt 15-17kg chè búp khô/sào/lứa; chăn nuôi thêm 2 lợn nái, lợn thịt, gà… để tận dụng nguồn thức ăn từ trồng trọt và tăng thêm thu nhập. Cũng như gia đình chị Nga, nhờ thâm canh cây lúa, cây chè, phát triển chăn nuôi, nhiều hộ trong xóm đã có đời sống khá, điển hình là gia đình ông Hứa Xuân Hường, bà Lương Thị Lợi, Bùi Thị Nhinh…

 

Kinh tế dần ổn định và phát triển, người dân Đồng Vẽn chung sức, đồng lòng xây dựng xóm văn hóa. Người dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng Nhà văn hóa; 1.000m đường giao thông trong xóm đã được bê tông đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; việc cưới, việc tang được tổ chức theo nếp sống mới… Ba năm liền Đồng Vẽn đạt danh hiệu xóm Văn hóa cấp huyện; Chi bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

 

Trước khi chia tay, chị Nga phân trần: Chúng tôi mới tạm bằng lòng với những gì đã đạt được, bởi xóm vẫn còn 13 hộ nghèo. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn được các cấp, ngành chức năng tiếp tục quan tâm mở các lớp tập huấn, giới thiệu các ngành, nghề mới để người nông dân có thêm cơ hội thoát nghèo làm giàu.