Một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2014 sẽ được các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận nhiều để đi đến quyết định tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XII là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP). Được biết, dự kiến đề ra GDP năm 2014 tăng 15% đang có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi. Để bạn đọc hiểu thêm những căn cứ đề ra chỉ tiêu dự kiến nêu trên, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đặng Xuân Trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Phóng viên: Năm 2013, Nghị quyết của HĐND tỉnh về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 9%, song thực tế chỉ đạt 6,7%, đồng chí có thể cho biết vì sao tỉnh ta lại chưa đạt được kế hoạch?
Đ/c Đặng Xuân Trường: Việc đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt 9% là dựa trên cơ sở: dự kiến giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng trong năm sẽ tạo ra tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng là 11%. Tuy nhiên, do khó khăn về thị trường tiêu thụ, vốn cho sản xuất, kinh doanh; năng lực cạnh tranh dẫn đến tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp - xây dựng giảm xuống còn 7,1%, tương ứng với giảm mức đóng góp cho tăng trưởng khoảng 1,7%. Trong đó phải kể đến sản xuất ngành Thép, là sản phẩm chủ lực của tỉnh nhưng gặp rất nhiều khó khăn, tiêu thụ chậm. Vì vậy, mặc dù có sự tăng năng lực sản xuất của một số ngành sản phẩm khai khoáng và mức tăng sản xuất của các nhóm sản phẩm khoáng sản phi kim loại, trang phục, cơ khí chế tạo, nhưng tính chung tốc độ tăng về giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn vẫn chỉ đạt ở mức tăng trưởng 5,7%.
Bên cạnh đó, một số dự án mới dự kiến đi vào hoạt động trong năm nhưng còn vướng mắc như: Dự án thép Thái Trung, do không có vốn lưu động sản xuất nên giá trị sản xuất thấp hơn dự kiến đạt khoảng 1.600 tỷ đồng; Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (goi tắt là DA Núi Pháo) còn vướng mặt bằng khai trường nên giá trị sản lượng khai thác chỉ đạt 14 triệu USD, thấp hơn dự kiến khoảng 1.300 tỷ đồng. Từ đó đã làm cho giá trị SXCN thấp hơn dự kiến 3.649 tỷ đồng (chủ yếu tập trung ở 2 dự án nêu trên). Bên cạnh đó, ngành dịch vụ, nông lâm nghiệp mức tăng trưởng giảm so với dự kiến, làm giảm mức đóng góp cho tăng trưởng tương ứng khoảng 0,6%. Từ những khó khăn trên dẫn tới tốc độ tăng trưởng thấp hơn kế hoạch đề ra là 2,3%.
Phóng viên: Với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về xây dựng kế hoạch, vậy ngành căn cứ vào đâu để đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 15%, trong khi thực hiện chỉ tiêu năm 2013 chưa đạt? Tính khả thi của chỉ tiêu trên khi dự báo kinh tế tuy sẽ phục hồi nhưng chưa bền vững?
Đ/c Đặng Xuân Trường: Theo tính toán phương án tăng trưởng năm 2014: Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 15% (tương ứng với GDP tăng 3.837 tỷ đồng, theo giá so sánh năm 2010). Trong đó nông, lâm, thủy sản tăng 4,5%; công nghiệp, xây dựng tăng 24%; dịch vụ tăng 10%. Cơ sở để ngành xây dựng phương án trên căn cứ vào dự báo kinh tế thế giới và cả nước có nhiều khả năng sẽ phục hồi, cùng các giải pháp điều hành của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tình hình thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ cải thiện hơn. Đối với tỉnh, ta, kết quả ổn định kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư năm 2013, đặc biệt là năng lực mới sẽ tăng thêm khi Dự án Núi pháo và Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung và các dự án phụ trợ được hoàn thành đi vào sản xuất đầu năm sẽ tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, việc làm, giá trị SXCN.
Cụ thể, với Dự án Núi Pháo, dự kiến giá trị sản xuất, xuất khẩu đạt trên 130 triệu USD, tương đương 2.860 tỷ đồng; năm 2013 sản xuất ước đạt 500 tỷ đồng, giá trị sản xuất tăng thêm năm 2014 là 2.360 tỷ đồng. Với chi phí trung gian ngành khai khoáng chiếm khoảng 47,6% giá trị sản xuất, tương ứng với 1.124 tỷ đồng, như vậy, dự án sẽ tạo ra giá trị tăng thêm 1.236 tỷ đồng. Với Dự án Sam sung, dự kiến sản xuất 80 triệu sản phẩm/năm. Phương án tính toán tăng trưởng kinh tế chỉ dự ước ở mức 20 triệu sản phẩm/năm (25% công suất), tương ứng giá trị sản xuất khoảng 28 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, giá trị tăng thêm chiếm khoảng 4% giá trị sản xuất, tương ứng với giá trị tăng thêm khoảng 1.120 tỷ đồng. Như vậy, 2 Dự án trên sẽ tạo ra cho nền kinh tế 2.356 tỷ đồng GDP tăng thêm, tương ứng với đóng góp cho nền kinh tế khoảng 8-9% tốc độ tăng trưởng. Nếu 2 Dự án này đi vào hoạt động như dự kiến, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 15% hoàn toàn có thể đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!