Giá trị sản xuất công nghiệp: Sẽ tăng đột biến

09:45, 11/12/2013

Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ tăng 5,7% so với năm trước và không đạt kế hoạch đề ra. Nhưng bước sang năm 2014, tỉnh ta lại xây dựng kế hoạch tăng gần gấp 10 lần năm trước. Đây quả là con số gây chú ý đặc biệt đối với những ai quan tâm. Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, đồng chí Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương đã có những trao đổi, làm rõ về vấn đề trên.

Đồng chí Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương: “Sở dĩ xây dựng kế hoạch tăng mạnh là bởi, hai khu vực công nghiệp địa phương và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có chiều hướng tăng đột biến…”


Vì sao không đạt?

 

Về lý do giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 không đạt kế hoạch đề ra và có tốc động tăng trưởng chậm, đồng chí Đinh Khắc Hiển giải thích: Kế hoạch đề ra năm 2013 là phải đạt giá trị 34.529 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước, song thực tế chỉ thực hiện được 30.880 tỷ đồng. Kết quả đạt thấp là bởi cả tăng trưởng nội tại lẫn năng lực mới tăng thêm đều thấp so với dự kiến. Tăng trưởng nội tại chỉ đạt trên 1.490 tỷ đồng trong khi kế hoạch đề ra là 2.652 tỷ đồng. Mặc dù chúng ta kỳ vọng nhiều vào năng lực mới tăng thêm, nhưng kết thúc năm giá trị tăng thêm chỉ đạt 160 tỷ đồng/2.120 tỷ đồng theo kế hoạch. Có một số dự án có khả năng đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 thì đều đạt thấp hơn dự kiến: Dự án cán thép Thái Trung dự kiến đạt giá trị 1.500 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt 66 tỷ đồng; Dự án khai thác mỏ đa kim Núi pháo dự kiến đạt 550 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ đạt 68 tỷ đồng; các dự án chế biến khoáng sản khác dự kiến đạt 70 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt trên 30 tỷ đồng. Do thị tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục khó khăn, hai sản phẩm mũi nhọn, chiếm tỉ trọng lớn của tỉnh là sắt thép và xi măng lại có tăng trưởng âm nên kéo giá trị sản xuất công nghiệp thụt xuống.

 

Cơ sở để xây dựng kế hoạch tăng cao

 

Mặc dù năm 2013 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh không đạt kế hoạch đề ra, song điều bất ngờ là năm 2014, ngành Công Thương lại xây dựng kế hoạch tăng tới 55% (tương đương với 49.380 tỷ đồng) so với năm trước. Lý giải về vấn đề này, ông Đinh Khắc Hiển cho biết: Sở dĩ xây dựng kế hoạch tăng mạnh là bởi, hai khu vực công nghiệp địa phương và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có chiều hướng tăng đột biến. Cụ thể: Công nghiệp địa phương sẽ tăng khoảng 2.850 tỷ đồng, trong đó tăng nội tại khoảng 650 tỷ đồng, tăng do đóng góp của Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo (năm 2014 đi vào hoạt động ổn định) khoảng 2.200 tỷ đồng. Khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dự kiến tăng 14.173 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng nội tại khoảng 130 tỷ đồng, tăng do đóng góp từ Dự án điện tử Samsung khoảng trên 14.000 tỷ đồng. Đây là hai dự án có quy mô lớn, tính khả thi cao, trong đó đặc biệt là Dự án điện tử Samsung, theo cam kết của nhà đầu tư thì sẽ chính thức đi vào hoạt động và cho ra sản phẩm vào cuối quý I, đầu quý II năm 2014. Ngoài ra, theo nhận định chuyên môn thì năm 2014 cũng là năm mà nền kinh tế sẽ có những bước phục hồi đáng kể, giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc hơn.

 

Và một số vấn đề quan tâm khác

 

Đối với những khó khăn trong phát triển các cụm công nghiệp (CCN), người đứng đầu Sở Công Thương chia sẻ: Thực tế hiện nay cho thấy, không ít dự án đăng ký đầu tư vào các CCN của tỉnh nhưng chưa triển khai  hoặc triển khai rất chậm so với tiến độ đề ra. Nhiều nguyên do được các chủ đầu tư đưa ra như: khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn… Có một số nhà đầu tư đăng ký vào CCN nhưng đã chuyển giao tới vài dự án đầu tư khác nhau nhưng cuối cùng vẫn chưa thể triển khai. Một số chủ đầu tư dự án khi vào CCN phải tự lo xây dựng hạ tầng vì thiếu nhà đầu tư hạ tầng CCN.

 

Thực tế thì các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng vì thiếu nhà đầu tư thứ cấp nên không dám bỏ vốn xây dựng hạ tầng. Cũng có trường hợp đã đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng CCN phải bỏ giữa chừng hoặc xin trả lại dự án. Một nghịch lý hiện nay là có CCN đã hoàn tất đầu tư hạ tầng, song lại không thu hút được dự án đầu tư. Theo quy định của Chính phủ thì cấp huyện được phép thành lập Ban phát triển hạ tầng CCN để giúp chính quyền địa phương quản lý tốt hơn, song hiện tại tỉnh ta chưa làm được điều này. Ngành Công Thương đang đề nghị nếu không thành lập được ở cấp huyện thì cấp tỉnh nên có Ban phát triển hạ tầng CCN trực thuộc Sở.

 

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã được công nhận là làng nghề, nhưng thực tế không phải làng nghề nào cũng phát triển tốt từ sau khi được công nhận. Theo đồng chí Đinh Khắc Hiển thì tiêu chí để xét duyệt trở thành làng nghề hiện nay không khó. Việc công nhận dễ, nhưng duy trì và giữ gìn làng nghề thì lại không dễ chút nào. Mặc dù hiện nay ngành Công Thương chưa có chương trình khảo sát đánh giá về hoạt động của các làng nghề, song thực tế cho thấy đã có không ít người dân chưa ý thức được lợi ích cũng như vai trò của mình khi tham gia làng nghề. Sở Công Thương thời gian qua đã rất quan tâm đến sự phát triển của các làng nghề thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, hỗ trợ các dự án đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn. Cứ định kỳ 5 năm, Ngành lại tiến hành rà soát làng nghề một lần. Nếu làng nghề nào không giữ được các tiêu chí theo quy định thì sẽ bị thu hồi…