Huống Thượng ngày ấy - bây giờ

08:46, 20/12/2013

Mùng 1 Tết Ất Mùi năm 1955, nhân dân xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm công trường xây dựng đập Thác Huống. Hơn 50 năm trôi qua nhưng trong tâm tưởng của người dân nơi đây vẫn luôn khắc sâu những lời căn dặn của Người và luôn coi đó là động lực để phấn đấu, vươn lên, xây dựng xã Huống Thượng ngày càng giàu đẹp, no ấm.

Chúng tôi đến xã Huống Thượng vào một ngày cuối năm, bên chén trà nóng tỏa hương thơm ngát, ông Vương Xuân Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Huống Thượng cho chúng tôi xem những tài liệu còn lưu lại về công trình đập Thác Huống và ngày Bác Hồ về thăm công trường. Qua đó, chúng tôi được biết: Đập Thác Huống nằm xen giữa địa phận phường Gia Sàng (thành phố Thái Nguyên) với xã Đồng Liên (Phú Bình) và xã Huống Thượng (Đồng Hỷ).

 

Đập được xây dựng trên 1 con thác lớn có tên là Ghềnh Chảo (khi ấy, thác Ghềnh Chảo thuộc xã Huống Thượng). Đập nằm trong công trình thủy nông Bích Động được khởi công xây dựng năm 1922, đến tháng 6-1929 thì đập được khánh thành. Tháng 6-1952, giặc Pháp cho nhiều tốp máy bay ném bom phá sập cầu, vỡ đập Thác Huống và một số điểm của công trình thủy nông Bích Động khiến việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do không có nước canh tác.

 

Trước tình hình đó, năm 1954, Chính phủ đã huy động hàng vạn dân công đi khôi phục trên toàn bộ tuyến kênh dài hơn 52km cùng các kè đập của công trình thủy nông Bích Động, trong đó có đập Thác Huống. Đến nay, con đập này đã được nâng cao, mở rộng và là công trình thủy lợi quan trọng làm nhiệm vụ dâng nước sản xuất nông nghiệp, đảm bảo việc tưới tiêu cho các cánh đồng của 2 huyện Đồng Hỷ, Phú Bình và một số địa phương lân cận của tỉnh Bắc Giang.

 

Đập Thác Huống hiện đang đảm bảo việc tưới tiêu cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp của 2 huyện Đồng Hỷ, Phú Bình và một số địa phương lân cận của tỉnh Bắc Giang.

 

 

Theo lời giới thiệu của ông Bằng, chúng tôi tìm đến nhà bà Ngô Thị Tính, ở xóm Già, xã Huống Thượng, người từng làm việc tại công trường đập Thác Huống. Bà Tính năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng còn khá minh mẫn, nghe chúng tôi gợi lại những kỷ niệm về Bác Hồ, như khơi đúng mạch của niềm cảm xúc lâu nay, bà hồ hởi đưa chúng tôi đi thăm lại đập Thác Huống và kể: Đúng vào mùng 1 Tết Ất Mùi năm 1955, chính tại nơi đây, Bác Hồ đã đến chúc Tết các anh chị em, cán bộ, dân công ở lại công trường. Bác vui mừng khi thấy nhân dân xã Huống Thượng đã vì lợi ích chung, huy động nhân công, vật lực để sửa chữa con đập Thác Huống hoàn thành, giúp hàng nghìn mẫu ruộng ở các địa phương khác có nước tưới tiêu.

 

Sau khi nghe đồng chí Ngô Thị Tính và đồng chí Bê (người Bắc Ninh) thay mặt anh chị em báo cáo với Bác những thành tích đơn vị đã đạt được, Người đã ân cần căn dặn:…phải thi đua làm nhanh, làm tốt và tiết kiệm để bà con nông dân chóng có đủ nước cấy, mức sản xuất được nâng cao thì đời sống mọi người sẽ được ấm no hơn… Phải thực hiện đoàn kết, phải coi trọng xây dựng hợp tác nông nghiệp, chống lối làm ăn riêng lẻ,… phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. 

 

Vinh dự và tự hào khi được Bác Hồ về thăm, những năm qua, xã Huống Thượng luôn khắc ghi lời dạy của Bác để phấn đấu xây dựng quê hương. Xác định được những khó khăn đặt ra của một xã thuần nông, Đảng bộ xã Huống Thượng đã đặc biệt chú trọng đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. UBND xã đã tập trung xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn; khoanh vùng sản xuất chăn nuôi tập trung, chuyên canh trồng lúa cao sản và các loại rau màu có giá trị kinh tế cao. Toàn xã hiện có 454ha lúa, trong đó diện tích lúa lai các loại chiếm khoảng 20%; diện tích rau màu là 130ha chuyên trồng các loại rau: bắp cải, su hào, đỗ, cà chua... Nhằm thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bên cạnh việc trồng lúa và rau màu, xã còn khuyến khích bà con trồng mía và hoa trên diện tích gần 20ha. Ngoài ra, việc phát triển chăn nuôi cũng đang được coi là kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Nhiều hộ đã có thu lãi từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng/hộ/năm như mô hình nuôi lợn nái của bà Phạm Thị Toan, ở xóm Giàng; mô hình kinh tế tổng hợp của anh Lê Trung Dư, ở xóm Cậy… Ông Vương Xuân Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Huống Thượng cho biết: Đời sống của bà con giờ đã ổn định hơn trước rất nhiều.

 

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 17 triệu đồng/người/năm (tăng 6 triệu đồng so với năm 2011); 10/10 xóm đã có nhà văn hóa; Trạm Y tế và 3/3 trường học của xã đã đạt chuẩn Quốc gia; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo… Là địa phương được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Đồng Hỷ, xã Huống Thượng đang tích cực thực hiện các giải pháp để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vào năm 2015…

 

Hy vọng với sự đồng thuận, đồng lòng của người dân nơi đây, xã Huống Thượng sẽ vượt qua những khó khăn để xứng đáng với tình cảm mà Bác Hồ kính yêu đã dành cho.