Không ngại tìm hướng đi mới

10:38, 07/12/2013

Sau nhiều năm làm thuê kiếm sống xa nhà, anh Trần Văn Hưng (xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ) đã trở về quê lập nghiệp. Bằng ý chí phấn đấu của một đảng viên trẻ, đến nay, anh đã là chủ cơ sở gia công cơ khí tổng hợp có uy tín, trừ chi phí, mỗi tháng có thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng.

Xuất thân trong một gia đình nông dân khó khăn, học hết lớp 9, anh Hưng đã quyết định thôi học để ở nhà phụ giúp bố mẹ. Nhiều năm làm nông nghiệp vất vả nên anh luôn nuôi chí học nghề để có thể thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vươn lên làm giàu. Năm 2001, anh đã xin theo học lớp đào tạo nghề Điện cơ do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. Sau khóa học 6 tháng, anh xin học việc tại một cơ sở sửa chữa điện cơ, điện dân dụng ở T.P Thái Nguyên với mức học phí 2 triệu đồng/tháng. Hết 1 năm học việc, anh được nhận vào làm thuê tại đó với mức thu nhập 300 nghìn đồng/tháng. Thời gian này, anh luôn ấp ủ mong muốn được về quê hương lập nghiệp. Ngoài thời gian đi àm thuê (sáng đi, tối về), anh luôn tham gia nhiệt tình các hoạt động đoàn thể ở địa phương nên đến năm 2004, anh được kết nạp vào Đảng. Khi đó anh tròn 23 tuổi. Năm 2005, khi Văn Hán có điện lưới Quốc gia, anh đã quyết định mở cửa hàng sửa chữa điện dân dụng, điện cơ tại nhà và nhận lắp đặt mạng lưới điện sinh hoạt cho các hộ dân trong xã.


Nhận thấy, đời sống nhân dân trong xã ngày càng khá lên, nhu cầu xây dựng của bà con cũng lớn nhưng cả xã chưa có một xưởng cơ khí nào. Nhà nào muốn làm cửa hoa, cửa xếp, khung nhôm - sắt, cửa kính, mái tôn… đều phải ra tận thị trấn Chùa Hang hoặc T.P Thái Nguyên mua vật liệu và thuê thợ từ nơi khác đến làm nên chi phí khá cao. Trong khi đó, một số thanh niên trong xã có tay nghề cơ khí lại đi làm thuê xa nhà, trong số ấy, có 2 em họ của anh. Hưng tính, nếu mở xưởng cơ khí tổng hợp chuyên về nhôm kính, sắt thép, mái tôn… sẽ vừa đáp ứng nhu cầu xây dựng của bà con địa phương vừa có thể hỗ trợ cho việc sửa chữa điện dân dụng mà anh đang làm. Nhận thấy làm nghề nào cũng phải có kiến thức và trình độ học vấn nên anh vừa quyết tâm theo học lớp bổ túc văn hóa để hoàn thành bậc trung học phổ thông vừa tranh thủ thời gian để tự học nghề qua sách vở, đi thực tế tại các xưởng cơ khí ở thị trấn Chùa Hang, T.P Thái Nguyên.

 

Sau khi tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm, bằng số tiền tích cóp được cộng với vay mượn và sự hỗ trợ từ gia đình, anh đầu tư mua máy cắt, máy hàn sắt thép, vật liệu mở rộng cơ sở, đồng thời gọi 2 người em họ có tay nghề cơ khí về làm cho xưởng của mình. Nhờ ham học hỏi, có năng khiếu với nghề cùng với uy tín tạo dựng được trong quá trình làm điện cơ mà xưởng cơ khí của anh sớm được nhiều người biết đến. Không chỉ nhận làm các công trình theo yêu cầu mà anh còn tư vấn cho khách hàng những kiểu mẫu phù hợp, có chất lượng. Cho đến thời điểm này, xưởng cơ khí tổng hợp của anh vẫn là cơ sở đầu tiên và duy nhất của xã.

 

Để thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh, anh đã mua chiếc xe tải nhỏ 1,25 tấn để phục vụ cho công việc. Hiện nay, xưởng của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.


Anh Trần Xuân Luật, một công nhân của xưởng nói: Tôi may mắn được anh Hưng nhận nghề điện cơ (từ năm 2007) rồi theo anh học cơ khí. Hoàn cảnh gia đình tôi vốn khó khăn, bản thân lại chưa học hết lớp 12, nhưng giờ tôi đã có việc làm ổn định, thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng.

 

Nhận xét về anh, đồng chí Lường Văn Hoan, Thường trực Đảng ủy xã Văn Hán nói: Mỗi khi được yêu cầu, anh Hưng luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho các học viên lớp đào tạo nghề hàn xì của xã mượn xưởng, máy móc để thực hành. Anh còn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo các học viên từ những kinh nghiệm thực tế của mình. Sự phấn đấu, nỗ lực của anh Hưng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn làm lợi cho địa phương.


Nói về dự định sắp tới, anh Hưng cho biết: Tôi đang có kế hoạch mở thêm đại lý vật liệu xây dựng để cung ứng dịch vụ xây dựng trọn gói (gồm: xi măng, sắt thép, cơ khí tổng hợp, điện dân dụng) cho bà con. Nếu thuận lợi, cơ sở của tôi sẽ giải quyết việc làm cho thêm từ 5 đến 7 lao động.