Mặc dù trong năm 2013 kinh tế thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng, nhiều nền kinh tế lớn chưa có dấu hiệu phục hồi, nhưng Việt Nam vẫn được nhìn nhận là quốc gia đã có những chỉ dấu về sự thoát đáy của khủng hoảng, kinh tế đã có nhiều cải thiện.
Dự ước tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam năm 2013 đạt 5,42%. Mức tăng này cho thấy đã có sự phục hồi khi GDP năm 2012 chỉ đạt 5,25%. Cơ cấu và quy mô nền kinh tế cho thấy khu vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp có xu thế tăng, khu vực nông lâm nghiệp, thuỷ sản giảm dần. Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2013 đạt mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây (6,04%).
Nét nổi bật nhất trong năm 2013 là các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng khá ngoạn mục với số vốn đăng ký đạt 21,6 tỷ USD, tổng số vốn giải ngân ước đạt 11,5 tỷ USD, đây là số vốn FDI đạt cao nhất trong vòng 4 năm qua. Ngành công nghiệp chế biến có số vốn FDI lớn nhất, chiếm gần 77% tổng số vốn FDI đăng ký năm 2013. Thái Nguyên là một trong số các tỉnh, thành phố có số vốn FDI cao nhất cả nước trong năm 2013. Một số dự án được cấp phép đầu tư có số vốn FDI lớn đó là: Lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) 2,8 tỷ USD; Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 (2,018 tỷ USD); Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên 2 tỷ USD... Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 cả nước đạt 132,2 tỷ USD, tăng, tăng 15,4% so với năm 2012; kim ngạch nhập khẩu năm 2013 đạt 131,3 tỷ USD tăng 15,4% so với năm trước. Như vậy năm qua Việt Nam đã xuất siêu 0,9 tỷ USD. Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 ước đạt 2.618 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012.
Về tổng thu ngân sách Nhà nước, năm 2013 ước đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 986,2 nghìn tỷ đồng. Như vậy năm 2013, bội chi ngân sách ở mức 195,4 nghìn tỷ đồng, ở mức 5,3% GDP, vượt mức đề ra từ đầu năm (4,8%) …
Với những tín hiệu nền kinh tế được cải thiện trong năm 2013, kinh tế đất nước trong năm 2014 được dự báo sẽ còn gặp không ít khó khăn, nhưng dự báo sẽ tiếp tục phục hồi và có bước tăng trưởng tốt lên. Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng tưởng kinh tế (GDP) năm 2014 đạt khoảng 5,8%, chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%. Chính phủ cũng đặt mục tiêu trong năm 2014: bội chi ngân sách Nhà nước 5,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%- 2%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động…
Đối với tỉnh ta là một trong những địa phương có bước phát triển kinh tế khá ổn định trong năm 2013, đặc biệt là có nhiều dự án đàu tư trực tiếp nước ngoài sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014. Vì vậy Thái Nguyên đã đề ra tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 15%; giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN tăng 55 %; kim ngạch xuất khẩu tăng 5,78 lần; thu ngân sách tăng 20 %; tạo việc làm mới cho 22 nghìn lao động; GDP bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người… Nếu phấn đấu đạt được các mục tiêu trên, kinh tế tỉnh ta sẽ có bước phát triển đầy triển vọng và ở mức cao trong các địa phương cả nước.