Làm gì để quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp? (Kỳ I)

15:06, 28/12/2013

Vật tư nông nghiệp (VTNN) là tư liệu sản xuất quan trọng quyết định năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ chất lượng VTNN lại không hề dễ dàng khi tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng…

Vật tư nông nghiệp kém chất lượng – Ai chịu thiệt?

 

Nhu cầu lớn

 

Hơn 70% dân số của Thái Nguyên sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2013, tổng diện tích gieo trồng các loại cây của tỉnh là trên 120 nghìn ha, trong đó cây lương thực có hạt hơn 91 nghìn ha, cây lấy củ có chất bột là 10 nghìn ha và cây công nghiệp hằng năm là 6 nghìn ha, còn lại là rau màu các loại. Ngoài ra, tỉnh ta còn có gần 19 nghìn ha chè; nuôi trồng gần 5 nghìn ha thủy sản; chăn nuôi 540 nghìn con lợn và 5,6 triệu con gia cầm…

 

Nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, năm 2013, nông dân trong tỉnh phải sử dụng trên 200 nghìn tấn phân bón, thuốc thú y và hàng chục nghìn tấn thức ăn chăn nuôi. Để đáp ứng nhu cầu của người nông dân, hệ thống cửa hàng kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và phân bổ rộng khắp ở cả 9 huyện, thành phố, thị xã với  khoảng 1.800 cơ sở, trong đó có xấp xỉ 400 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, 500 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, hơn 110 cơ sở sản xuất giống cây trồng, trên 200 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV và 300 cơ sở kinh doanh phân bón... Đó là chưa kể các ‘cửa hàng” di động kinh doanh mặt hàng này trong các dịp chợ phiên, chợ cóc…ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở kinh doanh VTNN đang khiến cho việc quản lý chất lượng mặt hàng này gặp nhiều khó khăn.

 

Người nông dân chịu thiệt

 

Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được xem là cứu cánh của nhà nông. Khi sâu bệnh hoành hành, nông dân sẽ tìm đến các loại thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại. Có cung ắt có cầu, vì vậy các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này đua nhau mọc lên. Tuy nhiên người bán cứ bán, người mua cứ mua, còn chất lượng mặt hàng như thế nào thì chỉ khi người nông dân sử dụng, thấy không hiệu quả mới biết mình mua phải thuốc BVTV kém chất lượng.

 

Chị Mai Thị Lành, một người dân ở xóm Mãn Chiêm, xã Hồng Tiến (Phổ Yên) cho biết: Vụ đông năm nay, tôi trồng 2 sào rau bắp cải. Thấy xuất hiện sâu ăn lá bắp cải, tôi ra chợ mua thuốc BVTV về phun mà chẳng thấy có kết quả gì. Tôi nghĩ mình đã mua phải thuốc BVTV “rởm” nhưng chẳng biết phải kêu ai vì nếu có đến “bắt đền” thì chủ cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV lại cho rằng tại tôi pha thuốc không đúng liều lượng, phun không đúng cách mặc dù tôi đã thực hiện theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì…

 

Trường hợp của chị Lành không phải là ngoại lệ bởi còn rất nhiều nông dân trong tỉnh mua thuốc BVTV về sử dụng phải chịu cảnh tiền mất, tật mang khi sâu bệnh không được khống chế mà còn bùng phát mạnh hơn, ảnh hưởng lớn năng suất cây trồng. Thực tế này cho thấy khi thuốc BVTV kém chất lượng, người bán cho rằng người mua không biết cách sử dụng, còn người mua lại cho rằng người bán kinh doanh mặt hàng kém chất lượng, chứ chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra làm trọng tài vì người mua không làm đơn khiếu kiện. Chị Lành chia sẻ: Chỉ vì 100 hoặc 200 nghìn đồng mà kiện tụng nhau mất thời gian lắm, thôi thì chúng tôi đành chịu thiệt, lần sau không mua thuốc ở cửa hàng đó nữa.

 

Tương tự như mặt hàng thuốc BVTV, các loại thuốc thú y cũng được bán rất phổ biến trên thị trường, nhưng chất lượng mặt hàng như thế nào thì người mua chỉ biết đặt niềm tin vào người bán. Chị Hà Thị Thao, một người dân ở xóm Gốc Vải, xã Yên Đổ (Phú Lương) cho hay: Gia đình tôi nuôi được gần 100 con gà thả vườn. Mỗi khi thấy gà bị mắc bệnh dịch tả là tôi lại mua thuốc về tiêm. Chủ cửa hàng yêu cầu tôi kể các triệu trứng bệnh của đàn gà rồi lấy thuốc đưa cho tôi nhưng rất nhiều lần tôi đã tiêm thuốc phòng, trừ bệnh rồi mà gà vẫn chết cả đàn, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Có lẽ chất lượng thuốc kém nên hiệu quả điều trị bệnh không cao.

 

Bên cạnh nỗi lo thuốc BVTV, thuốc thú y kém chất lượng, người nông dân trong tỉnh còn phải đối với mặt với thực trạng phân bón, giống cây giả; thức ăn chăn nuôi kém chất lượng. Ông Dương Minh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT thừa nhận: Tình trạng kinh doanh VTNN kém chất lượng vẫn đang diễn ra trên địa bàn. Trong 9 tháng năm 2013, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra 92 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón, trong đó phát hiện 25 cơ sở kinh doanh vi phạm về chất lượng sản phẩm (không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, bán hàng không đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn công bố, quá hạn sử dụng…). Đặc biệt, chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm nghiệm 8 mẫu giống lúa của 12 cơ sở, trong đó phát hiện 4 mẫu vi phạm do chất lượng không đạt tiêu chuẩn cơ sở đã công bố. Đó là các giống lúa Hoa ưu 109 cấp giống xác nhận 1 của Tổng Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình; Khang dân 18 cấp giống siêu nguyên chủng của Công ty cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh; Nếp 97 cấp giống nguyên chủng của Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Ninh; lai GS 1, cấp giống lai F1 của Công ty cổ phần Đại Thành. Các lỗi vi phạm đều đã xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt gần 50 triệu đồng.

 

Hết thanh tra, kiểm tra lại vi phạm

 

Việc kiểm soát chặt chẽ VTNN đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng, vật nuôi… là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng nông sản. Song, đến nay, dù đã có các quy định về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống… nhưng việc thực thi của các doanh nghiệp còn rất hạn chế.  Phân bón giả, kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật ngoài luồng, không đạt yêu cầu, giống không đảm bảo chất lượng… tràn lan trên thị trường gây thiệt hại cho nông dân. Trong khi, việc đảm bảo chất lượng VTNN dường như mới chỉ dừng lại ở sự quan tâm, vào cuộc của ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương vẫn đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, để quản lý chất lượng VTNN, mỗi năm, ngành Nông nghiệp cũng chỉ tiến hành thanh, kiểm tra theo đợt, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt theo quy định. Hết đợt thanh, kiểm tra, vi phạm sẽ tiếp tục tái diễn... Hơn nữa, chế tài xử phạt vẫn còn nhẹ vì các vi phạm đều chỉ bị xử lý hành chính, số tiền phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được từ kinh doanh mặt hàng VTNN kém chất lượng…

 

 

Ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV: Số hoạt chất và các hỗn hợp hoạt chất BVTV ở nước ta hiện có khoảng 800 loại, gây khó khăn rất lớn trong việc quản lý thuốc BVTV. Đặc biệt, trên thị trường còn trôi nổi nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, trong đó có những loại thuốc nguồn gốc từ Trung Quốc đang được bán tràn lan khi sử dụng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng nông sản, sức khỏe con người cũng như môi trường đất và nước.

 

 

 

Bà Phó Thị Tư, một hộ nông dân trồng rau chuyên canh ở xóm Đồng Bẩm, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên): Năm ngoái do mua phải phân kém chất lượng bón cho 3 sào rau xanh, gia đình tôi đã thiệt hại hơn 10 triệu đồng. Phân bón kém chất lượng không chỉ làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của những vụ sau mà còn khiến cho chúng tôi hao tốn tiền của để đầu tư, hồi phục vườn cây… Bà Phó Thị Tư, một hộ nông dân trồng rau chuyên canh ở xóm Đồng Bẩm, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên): Năm ngoái do mua phải phân kém chất lượng bón cho 3 sào rau xanh, gia đình tôi đã thiệt hại hơn 10 triệu đồng. Phân bón kém chất lượng không chỉ làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của những vụ sau mà còn khiến cho chúng tôi hao tốn tiền của để đầu tư, hồi phục vườn cây…