Để làm tốt công tác quản lý chất lượng mặt hàng vật tư nông nghiệp (VTNN) trên địa bàn tỉnh, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp cần phải có sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng và ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân.
Siết chặt quản lý và tăng cường khuyến cáo
Siết chặt công tác quản lý
Để quản lý chất lượng mặt hàng VTNN đòi hỏi các cấp, ngành chức năng phải cùng phối hợp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, trong đó siết chặt công tác quản lý được coi là giải pháp hữu hiệu nhất. Ông Dương Minh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Muốn siết chặt công tác quản lý, không chỉ ngành Nông nghiệp mà các địa phương cũng phải vào cuộc tích cực, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, trong đó tập trung vào nhóm có nguy cơ cao là phân bón, giống và thức ăn chăn nuôi. Từ đó, xử lý dứt điểm tình trạng các cơ sở không đảm bảo điều kiện kinh doanh và lưu thông hàng hóa kém chất lượng, vi phạm trên địa bàn. Tăng cường tái kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm, vi phạm không sửa chữa hoặc không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 cơ sở kinh doanh thuốc và chế phẩm thú y được cấp giấy chứng chỉ hành nghề. Riêng trong năm 2013, Chi cục Thú y tỉnh đã cấp giấy chứng chỉ hành nghề cho 58 cơ sở. Nhằm chấn chỉnh tình hình kinh doanh mặt hàng này, bảo đảm kinh doanh đúng các loại thuốc trong danh mục, tránh để lọt các sản phẩm kém chất lượng, mỗi năm, Chi cục tiến hành thanh, kiểm tra 2 đợt, mỗi đợt 25-30 cơ sở và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. |
Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ cho rằng: Ngành chức năng cần tập trung phổ biến các văn bản pháp quy về điều kiện kinh doanh VTNN; danh mục cơ cấu giống cây trồng, thuốc BVTV, thuốc thú y áp dụng trên địa bàn để các đơn vị tổ chức kinh doanh đảm bảo cung ứng đúng cơ cấu, chủng loại, chất lượng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định pháp luật của người sản xuất, kinh doanh VTNN. Đặc biệt là rà soát lại các đại lý kinh doanh, yêu cầu các cửa hàng chấp hành đầy đủ các quy định; tổ chức một số lớp tập huấn cho người kinh doanh về quy định, điều kiện kinh doanh mặt hàng VTNN, nhất là mặt hàng thuốc BVTV, thú y; yêu cầu các đại lý phải thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, biển hiệu theo đúng quy định; thu hồi và tiêu hủy các loại VTNN kém chất lượng, quá hạn...
Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng VTNN, các huyện, thành phố, thị xã phải tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng VTNN đến đông đảo người dân; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ việc kinh doanh VTNN trên địa bàn; thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN trên địa bàn quản lý để tổ chức cho các cơ sở ký cam kết thực hiện tốt những quy định của Nhà nước về đảm bảo chất lượng VTNN. Riêng ngành Nông nghiệp, cùng việc phối hợp với các cơ quan tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng VTNN cũng cần đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về quản lý Nhà nước trong công tác này cho cán bộ và người dân…
Cần sự phối hợp của người dân
Nhằm bảo đảm tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực VTNN cũng như giúp người dân “tẩy chay” hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng góp phần phát triển sản xuất, các doanh nghiệp cũng phải tự kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm của mình để bảo vệ thương hiệu. Đối với người dân, các ngành chức năng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tăng cường khuyến cáo để bà con nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm có liên quan đến việc bảo đảm chất lượng VTNN; thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn giúp nông dân nâng cao nhận thức về việc sử dụng VTNN đúng cách. Việc làm này không chỉ đem lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm “sạch” mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Theo đó, người dân cần kịp thời phát hiện và chủ động tố giác cơ sở sản xuất, kinh doanh, cũng như những cán bộ có hành vi bao che, bảo kê cho những đối tượng vi phạm trong lĩnh vực VTNN.
Sự phối hợp của nông dân đóng vai trò không nhỏ trong công tác quản lý chất lượng VTNN. Do đó, bà con phải nêu cao cảnh giác, trở thành người tiêu dùng thông thái để bảo vệ quyền lợi của chính mình, không tạo cơ hội cho những đối tượng kinh doanh phi pháp mặt hàng này tiêu thụ mặt hàng VTNN kém chất lượng. Ông Đặng Thế Minh, một hộ dân chuyên sản xuất chè ở xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) cho hay: Để không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tôi chọn mua phân, thuốc trừ sâu tại các đại lý có uy tín, đặc biệt ưu tiên mua hàng của Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện Đại Từ. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi cũng đã biết cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu theo phương pháp 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời gian) và biết cách nhận diện một số mặt hàng VTNN kém chất lượng…
Quản lý chất lượng VTNN khó nhưng không có nghĩa là không làm được. Tuy nhiên, chỉ khi đẩy mạnh việc khuyến cáo người dân cũng như làm tốt công tác quản lý Nhà nước hệ thống cửa hàng, đại lý kinh doanh mặt hàng VTNN mới có thể đẩy lùi việc lưu thông các loại VTNN kém chất lượng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người kinh doanh chân chính, người nông dân yên tâm sản xuất…
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Để có thể răn đe các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng VTNN kém chất lượng rất cần có chế tài xử phạt mạnh tay như tăng mức tiền xử phạt lên cao hơn gấp nhiều lần so với hiện nay; công khai danh tính những cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Anh Hoàng Xuân Thủy, Trưởng xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đổng Hỷ): Với 80ha chè hiện có, mỗi năm nông dân xóm 5 sử dụng hàng chục nghìn tấn VTNN như phân bón các loại, thuốc BVTV. Bởi thế chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn và kiên quyết xử lý khi phát hiện vi phạm. Đặc biệt là tổ chức các lớp tập huấn để giúp nông dân nhận biết được các mặt hàng VTNN giả, kém chất lượng… |