Thường vào thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn T.P Thái Nguyên đang tập trung tái hoặc tăng đàn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hiện nay, mặc dù giá thịt lợn có xu hướng tăng nhưng giá các loại thịt gia cầm lại đang giảm mạnh nên người dân vẫn không mặn mà tăng số lượng đàn vật nuôi.
Khu chuồng trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Dương Văn Trọng, ở tổ 12, phường Tích Lương những ngày này nhộn nhịp khách ra vào hỏi mua lợn. Anh cho biết, lúc giá lợn xuống thấp thì gọi điện cả tuần mới có tư thương đến mua, khi giá lên thì ngày nào cũng có khách đến hỏi nên việc tiêu thụ trở nên rất dễ dàng. Với diện tích rộng khoảng gần 1ha, trong chuồng nhà anh Trọng lúc nào cũng có khoảng 500 con lợn bột và 50 con lợn nái. Do chủ động được về con giống nên toàn bộ quy trình chăn nuôi của gia đình đều được khép kín; hệ thống máng ăn, nước uống tự động, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Anh Trọng nói: Từ tháng 9 trở lại đây, giá thịt lợn hơi bắt đầu nhích dần lên. Cụ thể, vào thời điểm tháng 8, giá thịt lợn hơi trung bình chỉ được 40 nghìn đồng/kg thì nay đã tăng lên 49 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, do giá thức ăn gia súc tăng cao, các chi phí đầu tư cũng tăng nên từ đầu năm đến nay, gia đình tôi nuôi chỉ hòa vốn. Hiện nay, giá lợn có tăng so với trước đây nhưng tôi cũng không có ý định tăng đàn.
Khác với giá thịt lợn, giá thịt gà hiện nay lại đang giảm mạnh khiến người chăn nuôi gặp khó. Chị Mầu Thị Hà, ở tổ 20, phường Tích Lương cho biết: Nhà tôi nuôi 3.000 con gà Lương Phượng để bán trứng cho các chủ lò ấp, trung bình mỗi ngày thu được 1.000 quả. Nếu như ở thời điểm tháng 6, giá trứng là 5 nghìn đồng/quả thì nay chỉ còn được 2 nghìn đồng/quả, trừ chi phí, chúng tôi bị thua lỗ nặng nên chẳng thiết tha đầu tư. Còn anh Nguyễn Trí Khánh Trình, một hộ dân nuôi gà ở xóm 6, xã Phúc Hà cho biết: Thời điểm này năm ngoái, giá gà lai Mía bán 70-80 nghìn đồng/kg, năm nay chỉ còn 43 nghìn đồng/kg mà vẫn không có người mua. Đầu năm, nhà tôi nuôi 2.000 con gà/lứa nay đã giảm xuống chỉ còn 1.000 con/lứa.
Qua khảo sát tại một số địa phương khác có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn của thành phố như: Phúc Trìu, Lương Sơn, Cao Ngạn, Tân Cương… chúng tôi nhận thấy, người chăn nuôi phần lớn đều không mặn mà tái đàn, tăng đàn. Do từ năm 2012 trở lại đây, chi phí đầu tư chăn nuôi cao, trong khi giá thực phẩm lại xuống thấp nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ bị thua lỗ, không còn vốn để tái đầu tư. Hầu hết người chăn nuôi đều trông chờ vào dịp cuối năm, gia súc, gia cầm sẽ tăng giá để bù lại tình trạng thua lỗ diễn ra trong nhiều tháng qua, tuy nhiên, giá thịt xuống thấp, kèm theo giá trứng cũng giảm nên hộ chăn nuôi không dám tăng đàn.
Anh Nguyễn Đức Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho biết: Toàn xã hiện có gần 3.000 con gia súc và trên 20.000 con gia cầm, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Để hỗ trợ người dân, chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi được tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng để đầu tư sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật phòng, chống các bệnh gia súc, gia cầm cho trên 100 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã.
Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trạm Trưởng trạm Thú y thành phố cho biết: Ngoài nguyên nhân chi phí sản xuất tăng, thiếu vốn đầu tư, người chăn nuôi cũng lo lắng vào dịp Tết, đầu ra không ổn định, giá cả thị trường lên xuống thất thường, nếu nuôi ồ ạt sẽ tiếp tục bị thua lỗ. Hơn nữa, vào những tháng cuối năm, thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch, bệnh phát triển, cũng ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường giám sát công tác kiểm dịch, góp phần ngăn chặn tình trạng gia cầm nhập lậu; tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết đối với các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ và ấp nở gia súc gia cầm trên địa bàn để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích các hộ dân liên hệ chặt chẽ với các cơ sở giết mổ, các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm cung ứng sản phẩm ổn định, đảm bảo đầu ra.
Dịp cuối năm, nhu cầu thực phẩm thường tăng cao, để hỗ trợ người chăn nuôi từng bước khôi phục sản xuất, các cấp, các ngành cần có những giải pháp để hỗ trợ về vốn; đồng thời tăng cường kiểm soát việc thực hiện công tác quản lý, bình ổn giá đối với các loại thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và giá bán thịt gia súc, gia cầm, ... Ngoài ra, người chăn nuôi cũng cần tiêm phòng đầy đủ để phòng tránh dịch bệnh, nhằm giảm thiểu những thiệt hại.