Vụ đông năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt đầu vụ, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phổ Yên gặp nhiều khó khăn hơn mọi năm. Tuy nhiên, người dân, chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp đã và đang khắc phục những khó khăn với hy vọng có được một vụ đông thắng lợi
Cũng như những năm trước, cây ngô vẫn là cây trồng chủ lực, chiếm diện tích lớn nhất trong cơ cấu các cây trồng vụ đông của huyện. Đến thời điểm này, cây ngô đã ra bắp và chuẩn bị cho thu hoạch. Tuy nhiên, theo những người dân, trồng ngô vụ đông năm nay khó khăn hơn và diện tích ngô giảm nhiều so với mọi năm. Chị Nguyễn Thị Hằng, ở thôn Vân Trai, xã Tân Phú cho biết: Mọi năm gia đình tôi vẫn trồng 3 sào ngô vụ đông. Nhưng năm nay, khi gia đình làm đất vào đầu tháng 9 thời tiết mưa nhiều, ruộng bị ngập úng không gieo trồng được. Đến khi ruộng hết ngập thì đã muộn so với thời vụ trồng ngô nên gia đình tôi chuyển sang trồng rau.
Còn chị Nguyễn Thị Dậu, ở xóm Đài, xã Đắc Sơn nói: “Năm nay, gia đình tôi trồng 6 sào ngô nhưng do ảnh hưởng của cơn bão Hải Yến, toàn bộ diện tích ngô của gia đình bị đổ. Sau đó, nhờ chính quyền địa phương cử dân quân, công an viên xuống giúp đỡ gia đình đã khắc phục, dựng lại diện tích ngô trên nhưng tốc độ sinh trưởng vẫn chậm hơn mọi năm”.
Bên cạnh những khó khăn về thời tiết thì việc triển khai một số dự án trên địa bàn huyện cũng ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp và lực lượng lao động nông nghiệp trong vụ đông năm nay. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho hay: Năm nay, diện tích cây vụ đông của xã giảm trên 50ha. Nguyên nhân chính là do diện tích đất nông nghiệp chuyển sang xây dựng các khu công nghiệp và người dân đang chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Từ những ảnh hưởng của các yếu tố trên, diện tích và cơ cấu sản xuất vụ đông năm nay của huyện Phổ Yên có nhiều thay đổi, diện tích rau và một số cây màu cao hơn năm ngoái nhưng diện tích ngô giảm mạnh, toàn huyện chỉ gieo trồng được hơn 1.300ha ngô, giảm khoảng 600ha so với mọi năm. Trước tình hình đó, ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và cử cán bộ xuống cơ sở rà soát diện tích ảnh hưởng bởi nước ngập, triển khai các biện pháp tháo rút nước sớm, đưa các giống ngô ngắn ngày vào gieo trồng. Đối với diện tích nước rút muộn, quá thời vụ trồng ngô, huyện hỗ trợ giống, kỹ thuật khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng các loại rau màu ngắn ngày khác. Ngoài ra, sau khi cơn bão Hải Yến tràn qua, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai huyện, xã, thị trấn đã gấp rút hỗ trợ bà con khắc phục những diện tích ngô, đỗ gièo… bị gẫy, đổ, hướng dẫn bà con các biện pháp chăm sóc, bón phân để cây phát triển đúng thời vụ.
Bên cạnh việc kịp thời khắc phục ảnh hưởng của các yếu tố khách quan, từ trước khi triển khai sản xuất vụ đông, huyện đã lập kế hoạch bố trí cơ cấu giống phù hợp, ứng dụng các giống mới cho năng suất cao và tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn giống năng suất, chất lượng cao, mô hình sản xuất rau an toàn. Đồng thời, tiếp tục tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo phương thức cánh đồng mẫu lớn, quy hoạch vùng trồng tập trung, chuyên canh; thông qua các hội, đoàn thể thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữ nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp chế biến, ký hợp đồng tiêu thụ để có đầu ra ổn định. Trong đó, huyện quy hoạch vùng rau tập trung ở các xã Hồng Tiến, Đồng Tiến, Nam Tiến, Ba Hàng, Tân Hương, Đông Cao; vùng trồng khoai tây ở Hồng Tiến, Tiên Phong, vùng trồng hoa ở Nam Tiến, Trung Thành…
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cây trồng vụ đông theo cơ chế của tỉnh, huyện cũng được triển khai kịp thời, tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất. Theo cơ chế của tỉnh, huyện hỗ trợ sản xuất khoai tây 120 nghìn đồng/sào, đậu tương 50 nghìn đồng/sào, bí xanh, đỏ 130 nghìn đồng/sào, cà chua, dưa chuột, ớt, rau 100 nghìn đồng/sào. Huyện cũng chi 957 triệu đồng tiền ngân sách huyện hỗ trợ giống, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển vùng chuyên canh khoai tây ở 2 xã Hồng Tiến và Tiên Phong. Chị Nguyễn Thị Tình, ở xóm Ấp Bắc, xã Đồng Tiến cho biết: Từ đầu vụ, chúng tôi đã được xã tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí giống, phân bón để trồng các loại rau theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Các cán bộ nông nghiệp cũng tận tình xuống tận nơi tư vấn kỹ thuật. Nhờ đó, nhân dân ở đây đều trồng rau thành vùng sản xuất tập trung, tưới tiêu nước thuận lợi, tránh được sâu bệnh gây hại. Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng hơn 3 sào su hào, đến nay, gia đình đã thu hoạch 1 sào bán được hơn 7 triệu đồng, cao hơn gần 1 triệu so với năm ngoái.
Tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông của huyện là trên 4.200ha, trong đó có hơn 1.300ha ngô, gần 1.200ha khoai lang, 1.000ha rau các loại, hơn 120ha khoai tây, gần 40ha đỗ tương, 28ha lạc, 23,5ha bí xanh, đỏ, 13ha cà chua, 6ha dưa chuột… So với năm ngoái, diện tích ngô năm nay giảm nhưng diện tích các loại cây màu khác tăng từ 5% đến 10%. Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Hiện tại, cây trồng vụ đông trên địa bàn huyện đang sinh trưởng, phát triển tốt, các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh đang cho năng suất, sản lượng cao và có thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao hơn năm ngoái. Nếu không có biến động lớn về thời tiết thì vụ đông năm nay sẽ hứa hẹn nhiều thành công.