Những ngày cuối năm, chúng tôi lại có dịp về xã Phủ Lý (Phú Lương), mảnh đất đã vinh dự được đón Bắc Hồ về thăm (ngày 31/12/1962) và được nghe lời dặn dò ân cần của Người. Thực hiện lời Bác dạy, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Phủ Lý đã nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống của nhân dân từng bước nâng lên.
Theo lời kể của một số nhân chứng lịch sử ở xã Phủ Lý: Khoảng 8 giờ sáng ngày 31-12-1962, Bác Hồ đã về thăm Trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương. Sau khi hỏi thăm tình hình học tập, tinh thần khắc phục khó khăn để học tập, lao động của thầy và trò, Người biểu dương thành tích và căn dặn: Ngoài việc học văn hóa, các cháu cần học thêm quản lý kinh tế, học kỹ thuật nông nghiệp; các cô giáo, thầy giáo phải chú ý đến đặc điểm của học sinh các dân tộc để giảng dạy cho tốt. Cũng tại đây, Người nói chuyện với cán bộ, nhân dân xã Phủ Lý về tình hình sản xuất, đời sống và căn dặn: Cán bộ, xã viên phải nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, đoàn kết giúp nhau như anh em một nhà, mọi người cần khắc phục khó khăn xây dựng, củng cố hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất, làm cho đời sống ngày một no ấm…
Thực hiện lời Bác dạy, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Phủ Lý đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao năng suất, thu nhập và đời sống của nhân dân. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hơn 2 năm qua, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, đến nay, hầu hết các tuyến đường trong xã đã được bê tông hóa. Tính từ năm 2012 đến nay, xã đã làm được 3,9 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng, trong đó vận động nhân dân hiến được gần 12.000 m2 đất.
Cùng với đó, xã cũng chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, trong tổng số trên 100 ha diện tích đất cấy lúa, người dân đã tích cực đưa các giống lúa cao sản năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy như: Syn 6, Bio 404, LC270… với diện tích trên 15 ha, đưa giống lúa Nếp vải đặc sản của huyện vào gieo cấy với diện tích trên 20 ha. Với những chân ruộng cao, không gieo cấy được, bà con đã chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế như: cây củ Từ, cây chè... Hiện, toàn xã có 123 ha chè, trong đó, có đến 121 ha chè kinh doanh với các giống chè cành như: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI 777…, năng suất đạt 91 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 1.100 tấn.
Anh Phan Văn Thành, xóm Đồng Cháy cho biết: Trước kia diện tích đất chè này là đất cấy lúa nhưng do đất cao, không chủ động được nguồn nước, hiệu quả kinh tế không cao nên tôi đã chuyển đổi diện tích sang đất trồng chè. Từ 1.700m2 chè, bình quân mỗi lứa cũng thu được trên 70 kg chè búp khô, giá bán trung bình (chè trung du) được 100.000đ/kg, cho thu 7 triệu đồng/lứa. Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, từ năm 2007 đến nay, Phủ Lý tập trung phát triển các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện, trong xã có 15 trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn với trên 41.000 con, sản lượng thịt hơi các loại xuất ra thị trường hàng năm trên 300 tấn.
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên những năm qua đời sống của nhân dân xã Phủ Lý từng bước được nâng lên, 80% các gia đình đến nay đã có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ nhu cầu của cuộc sống như: tivi, tủ lạnh, máy giặt… Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm của xã giảm từ 3- 5%; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 30%. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 24,8% thì đến năm 2012, tỷ lệ này giảm xuống còn 12,18%. Trong 2 năm từ 2011-2012, toàn xã đã có 184 hộ thoát nghèo.