Phú nông ở Vân Hán

09:39, 24/12/2013

Xóm Vân Hán, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) là một vùng quê nghèo heo hút bởi giao thông đi lại còn khó khăn, các công trình hạ tầng đều thiếu và người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Trong điều kiện như vậy nhưng ông Phạm Văn Long, sinh năm 1958 lại làm nên “kỳ tích”, trở thành phú sở hữu khối tài sản lên đến vài tỷ đồng từ phát triển kinh tế rừng…

Kiên trì bám đất

 

Thật không dễ dàng khi chúng tôi điều khiển xe máy vượt qua đoạn đường đất mấp mô dài gần 6km để vào nhà ông Phạm Văn Long. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là từ những em nhỏ đến các cụ già sống ở Vân Hán chỉ dẫn rất rành rọt khi chúng tôi hỏi đường vào nhà ông Long với cụm từ “tỷ phú nhờ trồng rừng”. Chiếc mũ cối đội trên đầu đã bạc màu, bộ quần áo bảo hộ lao động giản dị, thân hình không cao lớn khiến chúng tôi suýt nhầm tỷ phú Long với những người làm công khác.

 

Xóm Vân Hán là vùng quê được hợp thành từ một số hộ dân người bản địa và các hộ ở tỉnh Hải Dương lên xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1967. Vùng đất Vân Hán trước kia là nơi “khỉ ho, cò gáy”, cây rừng rậm rạp, thú dữ, rắn, rết còn nhiều nên sau vài năm lên khai hoang đã có nhiều hộ dân không chịu được cảnh hoang vu, túng thiếu nên trở về quê cũ ở Hải Dương, một số hộ dân người bản địa dịch chuyển dần ra phía trung tâm xã Văn Hán. Ngay gia đình ông Long có 6 anh, em thì 5 người lần lượt rời khỏi Vân Hán. Tiếc đất, tiếc công nên ông Long kiên trì bám trụ, cần mẫn lao động để xây dựng cơ nghiệp ở vùng đất khó này. Khi biết chúng tôi muốn viết bài về điển hình trồng rừng kinh tế, ông Long từ tốn: “Tôi không nghĩ giờ mình là người giàu và trồng rừng giỏi nhưng sẵn sàng chia sẻ về những điều đã tích lũy được từ 20 năm qua để các bác nông dân khác có diện tích đất rừng rộng vận dụng, tham khảo…”.

 

Cảm ơn "Dự án PAM”

 

Hơn 20 năm trước, với quỹ đất gần 2ha, vợ chồng ông Long đã được hỗ trợ cây keo giống theo Dự án trồng rừng cứu đói (327) và Dự án phủ xanh đất đồi núi trọc (PAM). Khi thấy cây keo trồng trên đất Vân Hán phát triển tốt, trong khi diện tích rừng tự nhiên tại địa phương bị thu hẹp, nguyên liệu gỗ dần khan hiếm thì ông Long đã nghĩ tới chuyện làm giàu từ rừng trồng chứ không đơn thuần là nhận hỗ trợ “gạo kho” cứu đói.

 

Thời điểm đó, 4 người con của ông Long còn nhỏ nên vợ chồng ông phải gửi con về nhờ ông bà nội chăm sóc giúp để trồng rừng cho kịp thời vụ. Ngày ngày, vợ chồng ông Long cặm cụi lên đồi phát cây dại, cuốc hố trồng cây từ mờ sang sớm đến quá trưa mới nghỉ ăn cơm nắm, uống nước ở khe núi, rồi lại làm việc tới tận tối mịt mới về. Sau nửa năm trồng rừng, 2 vợ chồng đã trồng kín 2ha cây keo và cứ 3 ngày một lần, ông Long lại bỏ những công việc khác đi thăm rừng, cây nào chết thì trồng dặm lại.

 

Năm 1995, Nhà nước có chính sách giao đất rừng, gia đình ông Long được nhận 10ha nên tiếp tục trồng keo và mỡ. Cứ như vậy, tích lũy được khoản tiền nào là ông Long lại đi mua đất rừng để trồng cây. Trồng rừng kinh tế với diện tích lớn thời điểm đó của gia đình ông Long là chuyện “không bình thường” nên nhiều người dân địa phương khuyên ông dừng lại, có người còn cho rằng ông sẽ thất bại vì không ai mua cây. “Trồng rừng kinh tế tưởng dễ nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy khó vì vốn đầu tư không nhỏ, thời gian khai thác cây keo dài tới chục năm. Để khắc phục những khó khăn trên, ngay từ khâu xử lý thực bì tôi tận dụng tối đa lượng cây tạp để bán củi, bù vào chi phí nhân công. Tôi rất cảm ơn Dự án PAM vì đã mở ra hướng phát triển kinh tế rừng”. Ông Long chia sẻ. Để có lực đầu tư cho trồng rừng kinh tế, hai vợ chồng ông Long không quản nắng mưa, tranh thủ thời gian cày cấy hết gần 2 mẫu ruộng của gia đình và chăn nuôi thêm mỗi lứa 20 con lơn sạch và 100 con gà thả đồi.

 

Bí quyết thành công là … cây gậy sắt

 

Trên đường đi thăm rừng cùng ông Long, chúng tôi hỏi:

- Trước khi quyết định dốc toàn bộ công sức, sản nghiệp vào trồng rừng, chú có đi học kinh nghiệm ở đâu không?

Ông Long thật thà chia sẻ:- Tôi chủ yếu vừa trồng rừng vừa rút kinh nghiệm nên mới đầu cũng gặp không ít khó khăn, tỷ lệ cây chết đến 30%, sinh trưởng không đều. Do vậy, cầu hỏi: Tại sao thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với cây keo mà tỷ lệ cây chết vẫn cao, nhất là vào thời điểm cây đã trồng được 3-4 tháng tuổi cứ luẩn quẩn trong đầu. Cuối cùng tôi cùng tìm ra nguyên nhân vì cuốc lồ, đất xốp nên lương nước thoát hơi nhanh, trong khi rễ cây keo khi mới trồng còn yếu. Sau đó, tôi liên tưởng đến việc dùng gậy chọc lỗ tra hạt lúa nương nên quyết định dùng cây gậy có đường kính khoảng 6cm vót nhọn, bọc sắt để chọc lỗ rồi đặt bầu cây keo, vun mùn xung quanh che kín miệng lỗ vào để giữ độ ẩm lâu hơn. Cách làm này đã giảm tỷ lệ cây bị chết sau khi trồng do thiếu nước và tốc độ trồng nhanh hơn gấp 3 lần so với cuốc lồ.

 

“Bí quyết” dùng gậy sắt trồng cây được ông Long chia sẻ cho một số người dân địa phương nhưng chẳng ai tin, ngay một số cán bộ lâm nghiệp ban đầu cũng cho rằng dùng gậy sắt chọc lỗ trồng cây không đúng kỹ thuật hướng dẫn…Từ khi dùng phương pháp lấy gậy sắt chọc lỗ trồng cây, ông Long không còn lo chậm thời vụ và mỗi năm trồng thêm được khoảng 5ha. Trồng cây hết phần đất của gia đình, ông Long lại mua thêm những phần đất rừng người dân địa phương không sử dụng, muốn bán nên tổng diện tích đất có rừng của gia đình ông đến nay đã có 31ha. Ngoài bí quyết “chiếc gậy sắt”, ông Long còn nghĩ ra việc “trồng dày, tỉa thưa”, tức là thời điểm đầu trồng 2.500 cây/1ha để tạo tán, ngăn cỏ dại mọc, nhưng sau 2 năm đến 3 năm sẽ tỉa những cây cong, cây còi bán củi, chỉ để khoảng 1.600 cây/1ha. Khi cây được 4 năm tuổi tiếp tục tỉa những cây nhiều cành để lấy củi bán và tạo khoảng trống giúp cây nào cũng có đủ ánh sáng phát triển. Với kinh nghiệm này, ông Long đã giảm được rất nhiều công phát thực bì đình kỳ và tạo ra nguồn thu khoảng 130 triệu động từ tiền bán củi trong suốt chu kỳ phát triển của rừng trồng.

 

Theo sau ông Long đi sâu vào khu khe Trạm Sừng, đây là “đại bản doanh” với những rừng keo, mỡ bạt ngàn đã đến tuổi khai thác của gia đình. Ông Long kể: “Hơn 10 năm trước, khu đất rộng hơn chục ha này toàn cầy bụi nên khi nhận chuyển nhượng, tôi đã thuê máy xúc mở đường ô tô vào đến tận chân rừng để thuận tiện cho việc trồng, chăm sóc cây và khai thác. Những nơi sườn núi có độ dốc lớn, đất nhiều đá tôi trồng cây mỡ, nơi gần khe nước, thung lũng trồng keo. Đặc biệt là tận dụng tối đa những diện tích đất sát với đường đi để trồng cây vì đây là nơi dễ chăm bón và khai thác nhất…”.

 

Không muốn con nối nghiệp!

 

Sở hữu diện tích rừng trồng rộng mênh mông với giá trị tài sản nhiều tỷ đồng và lúc nào cũng có vài nhân công làm thuê nhưng vợ chồng ông Long không hề muốn các con mình nối nghiệp mà luôn “đốc thúc” 4 người con chăm chỉ học tập để thoát ly ra ngoài. “Đã có một chút thành quả nhưng vợ chồng tôi luôn lao động chăm chỉ vì nhà nông nghỉ làm là nghỉ ăn và các dịch vụ ở vùng sâu, vùng xa như Vân Hán không bao giờ theo kịp thành thị nên chúng tôi không muốn các cháu theo nghiệp. Còn cháu nào thực sự thích ở nơi này làm kinh tế cũng phải học để tích lũy kiến thức vì của cải bố mẹ để lại nhiều đến mấy mà không biết giữ, phát triển cuối cùng cũng hết…”. Ý cha, mẹ như vậy nên 2 người con gái lớn của ông Long đã thi đỗ đại học và đi công tác, cậu con trai thứ 3 đang là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cô con gái út năm ngoái thi đại học không đỗ, giờ đang chăm chỉ ôn thi để theo bước chân của các anh, chị. “Tuy là chủ nhưng ông Long làm việc không ngơi tay, sống chan hòa với mọi người, tiền công trả đầy đủ nên tôi làm công ở đây được gần 3 năm rồi. Chúng tôi khâm phục nhất là vợ, chồng ông Long ở vùng sâu, vùng xa nhưng đã hướng cho các con học tập vươn lên”. Chị Hà một lao động làm công cho gia đình ông Long tâm sự với chúng tôi.

 

Căn nhà vợ chồng ông Long đang ở xóm Vân Hán rộng, sạch sẽ nhưng không nguy nga, đồ đạc trong nhà đủ dùng nhưng không xa xỉ mới thấy họ là người có của nhưng rất giản dị, tiết kiệm. Chia tay chúng tôi, ông Long cười bảo: “Mình, trước khó khăn vất vả nhiều, giờ cũng đỡ hơn nhưng vẫn phải cố gắng làm việc để cho con được ăn học và lao động cũng là cách để giữ sức khỏe”.