Thành danh khi ở tuổi gần “thất thập”

16:46, 07/12/2013

Người xưa có câu “thất thập cổ lai hy” để nói về tuổi già và đã là người già thì hầu hết đều chỉ nghĩ đến việc chăm lo giữ gìn sức khỏe chứ mấy ai còn ham mê làm giàu. Nhưng đối với bác Bùi Thế Thụ, sinh năm 1947 ở tổ dân phố Cầu Sắt, phường Bách Quang (T.X Sông Công), sau khi nghỉ hưu lại hừng hực ý chí làm giàu, bươn chải khắp các tỉnh, thành trong nước để chọn lựa dây chuyền sản xuất, tìm nguồn nguyên liệu, phát triển thị trường…

Nghỉ hưu mới khởi nghiệp kinh doanh

 

Bác Thụ “tóc bạc, da mồi”, trang phục giản dị nên ai gặp lần đầu chắc cũng nghĩ đây là một “lão nông” thuần khiết chứ không phải là một doanh nhân tầm cỡ ở T.X Sông Công. Điều ấn tượng nhất là các doanh nhân thành đạt thường khởi nghiệp từ khi còn trẻ nhưng bác Thụ lại bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình khi đã hết tuổi công tác ở một công ty Nhà nước, được nhận sổ hưu. Bác Thụ cho biết: Năm 2002, tôi nghỉ hưu và được nhận khoản tiền hỗ trợ 21 triệu đồng. Thấy sức khỏe còn tốt, có kiến thức về cơ khí và khuôn viên của gia đình rộng khoảng 5.000m2 nên tôi quyết định thế chấp toàn bộ tài sản để vay ngân hàng 800 triệu đồng thành lập Doanh nghiệp Tư nhân Quý Thắng, mở xưởng sản xuất giấy bao bì. Trong quá trình cung cấp sản phẩm cho một số đơn vị sản xuất nhựa, tôi thấy mặt hàng trần nhựa đang được thị trường ưa chuộng, kỹ thuật sản xuất lại đơn giản nên năm 2009, tôi vào tận miền Nam tham quan các mô hình, tìm mua máy móc, thiết bị, ra Đà Nẵng tìm mua nguyên liệu. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên đến nay, hoạt động của doanh nghiệp đã từng bước ổn định, tạo được uy tín với đối tác, thị trường được mở rộng ra hầu các tỉnh ở miền Bắc với mức doanh thu khoảng 1,6 tỷ đồng/tháng.

 

Làm kinh doanh phải thực sự căn cơ

 

Nửa buổi trò chuyện, đi một vòng tham quan các khu vực sản xuất, tôi thấy phương thức quản lý, chiến lược kinh doanh của bác Thụ rất thiết thực: Dây chuyền sản xuất đều tự động hóa hoặc bán tự động nên công nhân rất ít mà vẫn hiệu quả; khu văn phòng, xưởng sản xuất được xây dựng chắc chắn, đảm bảo an toàn nhưng không quá cầu kỳ. Bác Thụ cho biết: Kinh doanh trong cơ chế thị trường nên đòi hỏi sản phẩm làm ra phải chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng giá thành cạnh tranh. Để làm được điều này không cách nào khác là doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền hiện đại nhưng tính toán chi tiết để cắt giảm mọi khoản chi phí không cần thiết. Nói rồi, bác Thụ đưa chúng tôi đến tận hàng cột bê tông dựng làm xưởng và giới thiệu đó là những cây cột điện cao thế mua thanh lý với giá chỉ có 1 triệu đồng/cột nhưng hữu dụng không kém những cây cột bê tông cốt thép mà giá thành chỉ bằng 1/3. Bác Thụ mộc mạc phân tích: 1kg hạt nhựa nếu nhập trực tiếp từ nhà sản xuất giá là 8 nghìn đồng nhưng nếu mình tự mua bột đá ở Yên Bái và hạt nhựa của Công ty Hóa chất Phú Mỹ về ứng dụng công nghệ để sản xuất nhựa thành phẩm thì giá thành chỉ còn non nửa; tránh sản xuất vào giờ cao điểm để tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng tiền điện/tháng (giá điện giờ cao điểm cao gấp đôi)… Việc cắt giảm chi đã giúp giảm giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh nên mặc dù là doanh nghiệp nhỏ nhưng sản phẩm trần nhựa của Doanh nghiệp Tư nhân Quý Thắng đã liên tục mở rộng thị trường, sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

 

Trí tuệ tập thể và minh bạch về tài chính

 

Từ khi bố mở doanh nghiệp, lần lượt các con của bác Thụ đã xin nghỉ việc ở nơi đang làm ổn định với mức thu nhập khá để cùng “gánh vác” công việc. Anh Bùi Thế Thược, kỹ sư cơ khí đang làm việc tại Nhà máy VINASUKI Hà Nội với mức lương cao nhưng đã xin nghỉ việc để về góp sức cùng bố; anh Bùi Thế Thăng, kỹ sư cơ khí làm việc cho một công ty liên doanh cũng tình nguyện về nhà kinh doanh với gia đình; anh Trịnh Trung Tấn (con rể bác Thụ) và vợ đang làm việc tại Nhà máy Diesel Sông Công cũng góp sức làm chung. Có các con phụ giúp việc quản lý nên bác Thụ như "hổ thêm cánh", liên tục mở rộng sản xuất (hiện doanh nghiệp có 3 xưởng sản xuất do các người con của bác Thụ quản lý). Doanh nghiệp gia đình nhưng phương thức quản lý ở Doanh nghiệp Tư nhân Quý Thắng rất rõ ràng, minh bạch. Bác Thụ là đầu mối quản lý, chỉ đạo chung, 3 người con độc lập quản lý các xưởng từ khâu sản xuất, tiêu thụ, đến việc thanh toán tiền hàng lại cho bố. Chính cách làm này đã giúp doanh nghiệp gia đình của bác Thụ tạo được sự ổn định, tinh thần thi đua rất lành mạnh giữa các thành viên. Ngoài việc sản xuất trần nhựa, doanh nghiệp của bác Thụ đang chuẩn bị vận hành dây chuyền sản xuất khung cửa nhựa, ống nước và sẽ tuyển dụng thêm từ 5 tới 10 lao động nữa.

 

Qua trao đổi với lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT T.X Sông Công (nơi bác Thụ vay vốn từ khi khởi nghiệp đến nay) và đại diện chính quyền phường Bách Quang, chúng tôi đều nhận được những thông tin đầy thiện cảm về bác Thụ như: Một người luôn giữ chữ tín; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sống thân tình với mọi người…